Xây dựng đô thị sinh thái Hòa Vang giàu bản sắc văn hóa

.

Với hơn 200 dự án đang triển khai trên địa bàn huyện Hòa Vang, quá trình đô thị hóa tác động không nhỏ đến việc bảo tồn không gian văn hóa của huyện. Việc tạo lối đi riêng vừa có không gian sống trên cơ sở giữ nguyên mô hình làng truyền thống nhưng vẫn kiến tạo yếu tố hiện đại, nâng cao chất lượng sống đô thị là rất cần thiết đối với huyện Hòa Vang hiện nay.

Quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ sẽ tác động không nhỏ đến không gian văn hóa làng quê ở Hòa Vang. Trong ảnh: Đình làng Quá Giáng ở xã Hòa Phước.
Quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ sẽ tác động không nhỏ đến không gian văn hóa làng quê ở Hòa Vang. Trong ảnh: Đình làng Quá Giáng ở xã Hòa Phước.

Bài 1: Bảo tồn văn hóa làng trước quá trình đô thị hóa

Với vị thế chiến lược quan trọng về kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh, Hòa Vang được ví như một “bảo tàng cách mạng” và “kho tàng văn hóa” của thành phố Đà Nẵng. Nơi đây hiện còn lưu giữ nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể cùng các di tích lịch sử, văn hóa có giá trị. Các di tích đều hàm chứa và tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp. Đó là nguồn tài nguyên quý giá, có vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, tạo nền tảng quan trọng trong xây dựng Hòa Vang trở thành đô thị giàu bản sắc văn hóa.

Đa dạng các di sản văn hóa dân tộc

Theo Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hòa Vang, hiện nay trên địa bàn huyện có 35 di tích lịch sử - văn hóa, kiến trúc nghệ thuật được xếp hạng; trong đó 6 di tích cấp quốc gia và 29 di tích cấp thành phố. Số lượng di tích được xếp hạng tăng lên là cơ sở quan trọng để bảo tồn không gian văn hóa, nhằm gìn giữ các giá trị văn hóa phi vật thể. Nhiều di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc mang đậm sắc thái truyền thống được người dân gìn giữ như tín ngưỡng, lễ hội, nghệ thuật trình diễn, phong tục, dân ca, truyện kể, thơ ca dân gian, mỹ thuật, nghề thủ công truyền thống, ẩm thực... Trong đó, hệ thống lễ hội dân gian là giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu, chiếm vị trí hết sức quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân từ bao đời nay.

Một số lễ hội đã trở thành biểu tượng văn hóa tâm linh, độc đáo của huyện như: lễ hội đình Túy Loan, lễ hội “Tắt bếp” làng Trà Kiểm, lễ hội “Kết nghĩa” của người Cơ tu... Đặc biệt, lễ hội “Tắt bếp” là kết tinh của tinh thần đoàn kết cộng đồng và lan tỏa ra nhiều địa phương trong và ngoài huyện. Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hòa Vang Nguyễn Thúc Dũng cho biết, trên địa bàn huyện, bên cạnh những văn hóa truyền thống tốt đẹp được gìn giữ gần như nguyên vẹn, thì nhiều giá trị văn hóa mới cũng được hình thành đã góp phần nâng cao ý thức người dân, tạo nếp sống văn minh.

Có thể thấy, mỗi di sản văn hóa đều mang sắc thái riêng, thể hiện rõ bản sắc đặc trưng riêng vẫn đang hiện diện trong đời sống của người dân Hòa Vang. Điển hình là dân ca, bài chòi, hò khoan và các đặc sản mỳ Quảng Túy Loan, bánh tráng Túy Loan, bánh khô mè Quang Châu, bánh ít lá gai Phong Nam... Đây chính là nguồn tiềm năng dồi dào và là nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Nhận thức được điều này, trong những năm qua, huyện Hòa Vang đã triển khai đồng bộ công tác về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thông qua công tác truyền dạy di sản trong nhà trường, tổ chức các CLB; đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng của thành phố tiến hành nghiên cứu, sưu tầm, hệ thống hóa các tư liệu để đánh giá giá trị của các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp bảo tồn và khai thác các giá trị phù hợp, đặc biệt đưa di sản lễ hội, dân ca bài chòi trở thành sản phẩm du lịch lợi thế của huyện.

Vùng với tiến hành phục dựng và phát huy giá trị hai lễ hội tiêu biểu của đồng bào dân tộc Cơ tu là lễ Tết ăn thề kết nghĩa và lễ Mừng lúa mới, huyện đã phục dựng thành công nghệ thuật trình diễn cồng chiêng và dệt vải thổ cẩm. Những lễ hội, phong tục và nghề truyền thống trên đã góp phần vào việc bảo tồn và gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống người Cơ tu đang có nguy cơ bị mai một, thất truyền. Đặc biệt, năm 2021, UBND huyện ban hành đề án “Xây dựng đời sống văn hóa huyện Hòa Vang đến năm 2025 và những năm tiếp theo”. Đề án này là giải pháp hữu hiệu giúp cho văn hóa của con người Hòa Vang phát triển phù hợp với yêu cầu của xã hội đô thị mà quá trình đô thị hóa đang đặt ra hiện nay.

Người dân thôn Quá Giáng, xã Hòa Phước chung tay đóng góp gìn giữ văn hóa đình làng.  Ảnh: ĐOÀN HẠO LƯƠNG
Người dân thôn Quá Giáng, xã Hòa Phước chung tay đóng góp gìn giữ văn hóa đình làng. Ảnh: ĐOÀN HẠO LƯƠNG

Xây dựng “làng trong phố, phố trong làng”

Phát triển huyện Hòa Vang theo hướng đô thị sinh thái có bản sắc riêng là một trong những mục tiêu quan trọng mà Nghị quyết số 07-NQ/TU về xây dựng và phát triển huyện Hòa Vang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Ban Thường vụ Thành ủy ban hành dành riêng cho huyện Hòa Vang, với mục tiêu là hình thành một đô thị phục vụ tốt nhất cho người dân. Trong đó lấy con người làm trung tâm và nỗ lực giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết này, Huyện ủy Hòa Vang ban hành Nghị quyết số 09-NQ/HU về quy hoạch phát triển huyện Hòa Vang trở thành đô thị có bản sắc riêng đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2025. Theo đó, quy hoạch tổng thể không gian theo hướng giữ lại đặc trưng về phân bố dân cư. Việc quy hoạch, xây dựng, nâng cấp hạ tầng các khu dân cư hiện trạng cần gìn giữ, kết hợp với quy hoạch, xây dựng các khu đô thị hiện đại, tạo được dáng dấp của “làng trong phố, phố trong làng”. Đối với những công trình đã được công nhận di tích và chưa được công nhận di tích thì tổ chức cắm mốc bảo vệ, áp dụng hành lang bảo vệ theo quy định.

Bí thư Huyện ủy Hòa Vang Tô Văn Hùng cho biết, bên cạnh chú trọng nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân với các tiện ích đô thị, việc quy hoạch đô thị và tổ chức kiến trúc cảnh quan Hòa Vang cần những nguyên tắc mang tính định hướng để hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Trong đó, đặc biệt coi trọng gìn giữ các yếu tố tự nhiên như địa hình đồi núi, sông ngòi, thảm xanh…các giá trị lịch sử, văn hóa vật thể và phi vật thể. Đây sẽ là nền tảng quan trọng tạo lập giá trị bản sắc cho đô thị Hòa Vang.

Việc phát triển Hòa Vang hướng đến đạt tiêu chí đô thị loại IV và phấn đấu trở thành thị xã trong thời gian đến đặt huyện đứng trước các thách thức về suy giảm môi trường tự nhiên, kiến trúc cảnh quan và giá trị bản sắc truyền thống. Do đó, trong thời gian tới, huyện cần tăng cường bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa trên địa bàn; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa, cách mạng địa phương. Trong đó, chú trọng tổ chức các hoạt động, chương trình về nguồn tại các khu di tích lịch sử thành phong trào sâu rộng; từ đó làm thấm sâu và lan tỏa truyền thống cách mạng, tạo nguồn lực tinh thần quan trọng để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện đoàn kết xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp theo hướng đô thị có bản sắc riêng.

ĐOÀN HẠO LƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.