Nhà cổ là những nếp nhà ở truyền thống lâu đời, không đơn thuần để sinh hoạt của mỗi gia đình, mà còn là nơi lưu giữ văn hóa và kiến trúc. Ngày nay, nhà cổ còn làm đẹp thêm không gian vườn tược, làng quê, góp phần bảo tồn văn hóa làng và phục vụ phát triển du lịch địa phương.
![]() |
Bà Đặng Thị Túy Phong giới thiệu ngôi nhà cổ của ông nội bà vẫn còn nguyên vẹn qua bao năm tháng. Ảnh: ĐOÀN HẠO LƯƠNG |
Nơi lưu giữ ký ức và giá trị truyền thống
Lần theo con đường vào làng nghề bánh tráng Túy Loan, bà Đặng Thị Túy Phong (84 tuổi, thôn Túy Loan Đông 1, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) dẫn chúng tôi vào ngôi nhà cổ của ông nội bà để lại. Dù không nhớ chính xác ngôi nhà được xây dựng từ năm nào, nhưng trong ký ức của bà là cả một bầu trời tuổi thơ cho đến khi trưởng thành.
Bà Phong bồi hồi nhớ lại: “Ngôi nhà này hiện nay đã trải qua 5 đời và vẫn còn giữ được khá nguyên vẹn. Hồi còn nhỏ chừng 5 - 6 tuổi, tôi đã sống trong căn nhà này nên mỗi lần vào nhà gợi lên bao ký ức. Tuy trải qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ, nhưng cột kèo trong nhà vẫn không hư hỏng, chỉ thay lại ngói mục. Còn tường nhà hư hỏng đến đâu thì sửa đến đó chứ không cơi nới hay làm lại gì. Ngôi nhà giờ không còn ai ở, chỉ để thờ tự ông bà, tổ tiên. Mỗi khi đến ngày cúng giỗ ông nội và ông cố hay ngày Tết, bà con trong gia đình về sum họp đông đủ”.
Trong những năm tháng chiến tranh, ngôi nhà cổ của bà Đặng Thị Túy Phong còn là nơi nuôi giấu cán bộ. “Hồi chiến tranh, ngôi nhà này là cơ sở nuôi giấu cán bộ cách mạng. Lúc đó, họ đi công tác không lên chiến khu mà ở lại với dân. Hồi đó, nhà cha tôi bị ca nông bắn nát hết, tôi phải vô nhà ông nội ở. Sau này giải phóng mới ra ngoài đường làm nhà. Dù không ai ở nữa nhưng gia đình cũng muốn bảo tồn để lại cho con cháu”, bà Phong chia sẻ.
Ngôi nhà cổ được xây theo kiểu “tam gian tứ vị”, có diện tích 3.702m2 với tuổi thọ hơn 100 năm tuổi. Bên cạnh ngôi nhà cổ này còn có một số ngôi nhà của bà con thân thích với bà Phong cũng có tuổi thọ khá cao, tạo nên một không gian tổng thể của làng quê rất hài hòa, đẹp mắt.
Ngoài ngôi nhà cổ của bà Phong, hiện trên địa bàn xã Hòa Phong còn có 5 ngôi nhà cổ có niên đại trên dưới 100 năm như: nhà ông Cửu Khải, nhà ông Đặng Công Thương, nhà ông Đặng Nga, nhà ông Tán Tỉnh, nhà ông Bố Trợ. Trong đó, nhà ông Tán Tỉnh có niên đại hơn 200 năm. Ngôi nhà này hình thành từ khi có đình làng Bồ Bản.
Bà Võ Thị Duyên, chủ ngôi nhà cho biết, hiện ngôi nhà đang xuống cấp và gia đình đang chuẩn bị sửa lại một số công trình như lợp ngói âm dương, nâng nền nhà lên và thay một số cột bị hư hỏng nặng. Ngôi nhà cổ này cũng chỉ dùng để thờ cúng ông bà. Mặc dù hiện trạng ngôi nhà xuống cấp, nhưng khuôn viên sân vườn vẫn được gìn giữ rất thoáng đãng, yên bình và mát mẽ với nhiều cây cối xanh tươi.
Mong muốn bảo tồn nguyên trạng
Theo Sở Văn hóa và Thể thao, hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 22 ngôi nhà cổ dân gian có niên đại trên dưới 100 năm, trong đó có một số nhà có niên đại trên dưới 200 năm như nhà bà Ông Thị Mãn ở thôn Phong Nam, xã Hòa Châu (huyện Hòa Vang) trên 250 năm tuổi, nhà ông Trần Xê ở phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn) trên 170 năm tuổi.
Bà Phan Thị Xuân Mai, Trưởng phòng Quản lý di sản Bảo tàng Đà Nẵng cho biết, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan mà các nhà cổ dân gian đang dần bị phá hủy, biến dạng. Về cảnh quan, quy hoạch, không gian nhà cổ vốn rộng rãi, thoáng đãng theo nguyên tắc phong thủy thì nay bị cắt xẻ, co cụm giữa các công trình mới, quy mô lớn.
Những hàng rào chè tàu, hoa dâm bụt vốn là điểm nhấn xanh của nhà cổ dân gian, là yếu tố tạo sự riêng tư và mang tính kết nối với cộng đồng làng xã, thì nay bị thay thế bởi hàng rào bê-tông hóa. Đặc biệt, đối với gian nhà chính, do chiến tranh và thiên tai tàn phá mà chủ sở hữu không đủ kinh phí phục hồi nguyên trạng, nên buộc phải hạ giải bớt không gian nhà hoặc thay thế bằng vật liệu không phù hợp. Trong khi đó, nhiều nhà phụ được cải tạo phù hợp với cuộc sống hiện đại, đáp ứng nhu cầu sống tiện nghi của con người. Một điều đáng báo động là 100% nhà cổ hiện nay đang trong tình trạng xuống cấp.
Trong khi đó, công tác phát huy giá trị nhà cổ để phục vụ phát triển du lịch vẫn chưa có sự quan tâm đúng mức, mặc dù 100% chủ sở hữu khi được hỏi đều rất muốn được tham gia hoạt động du lịch địa phương. Nhưng đến nay vẫn chưa có các ấn phẩm truyền thống, tài liệu giới thiệu, quảng bá nhà cổ như một sản phẩm du lịch. Công tác nghiên cứu khoa học về nhà cổ dân gian Đà Nẵng vẫn chưa nhiều, chưa có công trình nghiên cứu quy mô và có hệ thống.
Qua điều tra xã hội học và phỏng vấn sâu của Sở Văn hóa và Thể thao, các chủ sở hữu đều mong muốn được bảo tồn nguyên trạng ngôi nhà cổ của gia đình. Bên cạnh đó, nhiều nhà cổ được chủ sở hữu quan tâm chăm sóc, dọn dẹp, chủ động thực hiện các biện pháp chống xuống cấp, mối mọt và gia cố, gia cường trước các đợt bão lũ. Công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu nhà cổ cũng đã bước đầu được quan tâm trên các kênh truyền thông đại chúng.
Nói về tầm quan trọng của nhà cổ đối với không gian làng quê, ông Tán Kim, Trưởng ban lễ làng đình làng Bồ Bản (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) cho rằng, nhà cổ đóng vai trò rất quan trọng trong việc gìn giữ không gian văn hóa làng. Đặc biệt, khi huyện Hòa Vang ban hành đề án xây dựng “Làng văn hóa đặc trưng” tại thôn Phong Nam (xã Hòa Châu) và thôn Bồ Bản (xã Hòa Phong), trong đó xã Hòa Phong xây dựng thôn Bồ Bản trở thành làng văn hóa kiểu mẫu, có bản sắc riêng.
Thực tế cho thấy, kiến trúc của các ngôi nhà cổ được hình thành từ dân gian, mà vẻ đẹp, giá trị của nó được bồi đắp dần, lưu truyền và nhân rộng trong thời gian dài nên đã trở thành truyền thống. Nhà cổ mang đầy đủ những giá trị về nghệ thuật tổ chức không gian sống, nghệ thuật ứng xử với thiên nhiên của ông cha ta từ bao đời đọng lại. Do đó, để làm tốt công tác gìn giữ và bảo tồn nhà cổ, trước mắt, các cơ quan chức năng cần đánh giá và phân loại giá trị của những ngôi nhà cổ để xác định phương án bảo tồn phù hợp.
ĐOÀN HẠO LƯƠNG