V-League đã trải qua 22 mùa nhưng để trở thành giải đấu chuyên nghiệp là câu chuyện dài. Có nhiều yếu tố ngăn bước phát triển của giải, trong đó có sai sót đến từ những vị “vua áo đen”.
Sau sai lầm khi cho Sài Gòn FC hưởng quả 11m, trọng tài Ngô Duy Lân không được phân công làm nhiệm vụ ở vòng đấu thứ 19 V-League 2022. Ảnh: Vnexpress |
Trước vòng đấu thứ 19 V-League 2022 diễn ra cuối tuần này, câu chuyện về sai sót của trọng tài lại được nhắc đến. Theo danh sách của Ban trọng tài Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), trọng tài Ngô Duy Lân không được phân công làm nhiệm vụ ở vòng đấu thứ 19. Nguyên nhân, ở vòng đấu thứ 18, trọng tài này mắc sai sót khi thổi phạt Đông Á Thanh Hóa và cho Sài Gòn FC hưởng quả 11m. Đây là lần thứ hai ở V-League mùa này, trọng tài Ngô Duy Lân mắc sai lầm.
Trước đó, ở trận Hoàng Anh Gia Lai thua Hà Nội FC 1-2 trên sân Hàng Đẫy tại vòng đấu thứ 12, vị “vua áo đen” này cũng mắc sai sót khi từ chối quả phạt đền cho đội khách. Sau trận này, trọng tài Ngô Duy Lân không được phân công làm nhiệm vụ 2 vòng liên tiếp. Bên cạnh trọng tài Ngô Duy Lân, trải qua 18 vòng đấu, V-League 2022 còn chứng kiến những sai lầm liên tiếp của các trọng tài: Hoàng Ngọc Hà, Nguyễn Ngọc Châu, Nguyễn Viết Duẩn...
Trên thực tế, trọng tài là nghề nhạy cảm, đứng giữa ranh giới đúng sai trong tích tắc nên những sai sót là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, việc liên tiếp để xảy ra sai sót khiến khán giả quan ngại về công tác trọng tài. Đáng nói, những quyết định không chính xác của trọng tài gây ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả của nhiều trận đấu, gây ức chế cho các đội bóng và khán giả.
Các CLB cũng lên tiếng về vấn đề này, trong đó CLB Đông Á Thanh Hóa từng gửi công văn cho VFF đề nghị các đơn vị có thẩm quyền xem xét kỹ các tình huống xảy ra, chỉ ra hạn chế, thiếu sót, kịp thời có biện pháp chấn chỉnh lại công tác trọng tài, bảo đảm tính khách quan, minh bạch, góp phần nâng cao chất lượng giải đấu.
Ở mỗi mùa giải, VFF tổ chức tập huấn kỹ lưỡng về công tác trọng tài. Tuy nhiên, có một thực tế là trọng tài cấp FIFA còn hạn chế. Theo thống kê, lực lượng trọng tài cấp FIFA của Việt Nam thuộc nhóm ít nhất khu vực Đông Nam Á. Mùa giải 2022, ngoài hai trọng tài Ngô Duy Lân và Hoàng Ngọc Hà, trọng tài Nguyễn Mạnh Hải mới lần đầu đạt cấp FIFA. Dẫu vậy, trong số ba trọng tài được đánh giá cao về chuyên môn nói trên, hai trọng tài Ngô Duy Lân và Hoàng Ngọc Hà đã để lại những sai lầm đáng trách.
Trước thực tế trên, khán giả đặt ra câu hỏi: VAR đang ở đâu? Việc các giải đấu hàng đầu thế giới sử dụng công nghệ VAR không phải ngẫu nhiên. Cũng xuất phát từ những sai lầm của trọng tài làm ảnh hưởng đến kết quả trận đấu, VAR được triển khai và sử dụng hiệu quả. Tại Việt Nam, từ mùa giải 2019, Công ty CP bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) và Ban tổ chức V-League bắt đầu nghĩ đến việc áp dụng công nghệ VAR.
Vừa qua, đại diện Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) có buổi làm việc với VFF và VPF nhằm triển khai dự án đưa VAR đến V-League trong tương lai gần. Để được cấp phép sử dụng VAR, VFF và VPF cần đáp ứng đầy đủ tiêu chí của FIFA. Ngoài ra, để đầu tư, lắp đặt và vận hành VAR cần khoảng 700.000 USD/trận (khoảng hơn 16 tỷ đồng/trận). Nếu áp dụng VAR tại V-League với 26 vòng đấu, VPF phải đầu tư 442 tỷ đồng. Đây là số tiền lớn tuy nhiên VFF và VPF xác định cần thiết phải đầu tư để đưa bóng đá Việt Nam lên chuyên nghiệp. Theo quy trình từ lúc thực hiện dự án đến khi được FIFA cấp phép sử dụng VAR là khoảng 13 tháng. Như vậy, nhanh nhất, VAR xuất hiện tại V-League ở mùa giải 2023-2024, khoảng tháng 11-2023.
Rõ ràng, việc VFF và VPF nghiêm túc trong kế hoạch đưa VAR về Việt Nam là tín hiệu mừng. Tuy nhiên, trước khi công nghệ hỗ trợ trọng tài được áp dụng, việc cần thiết lúc này là chấn chỉnh công tác trọng tài. V-League 2022 đang bước vào khúc cua quan trọng, mỗi trận đấu của các CLB không khác gì trận chung kết. Vì thế, để xảy ra thêm một sai sót nào của trọng tài làm ảnh hưởng đến chất lượng chuyên môn của giải đấu là điều thật sự đáng trách.
PHI NÔNG