Sự len lỏi của bóng đá xấu xí

.

Khi cả nền bóng đá Việt Nam cùng chung một mục tiêu hướng đến sự chuyên nghiệp và bài bản hơn thì đâu đó, len lỏi trong hệ thống giải chuyên nghiệp vẫn còn ẩn chứa những câu chuyện đáng quên. Như một minh chứng cho sự bất cập cần nghiêm túc chấn chỉnh trong tương lai.

Cầu thủ 2 CLB Học viện Nutifood và Tây Ninh đã để lại hành vi xấu xí ở giải hạng Ba Quốc gia 2022. Ảnh: VFF
Cầu thủ 2 CLB Học viện Nutifood và Tây Ninh đã để lại hành vi xấu xí ở giải hạng Ba Quốc gia 2022. Ảnh: VFF

Bóng đá vốn là món ăn tinh thần thu hút được rất nhiều sự quan tâm và ủng hộ của khán giả Việt Nam. Những năm trở lại đây, với sự thành công dưới “triều đại” của HLV Park Hang-seo, môn "thể thao Vua" lại càng được yêu mến hơn cả và đó là bước đệm để chúng ta tiến đến sự chuyển biến mới cho toàn bộ hệ thống các giải đấu của bóng đá Việt Nam.

Bản thân VFF cũng nỗ lực không ngừng trong việc mang đến cho người hâm mộ những giải đấu hấp dẫn cùng các trận cầu kịch tính và đề cao chuyên môn. Trên thực tế đã có những dấu hiệu tích cực, điển hình tại V-League năm nay đã chứng kiến sự ganh đua quyết liệt cả ngôi vương đến nhóm “cầm đèn đỏ”. Thành công về mặt chuyên môn là vậy nhưng đâu đó, vẫn còn những hành động không đẹp bên lề sân cỏ.

Minh chứng ở vòng 18 V-League 2022. Trong trận đấu giữa Thanh Hóa và Sài Gòn FC, mọi thứ đều ổn cho đến khi trọng tài Ngô Duy Lân quyết định thổi phạt 11m cho Sài Gòn FC ở phút 87 của trận đấu, Thanh Hóa đang dẫn trước 1 - 0. Đồng loạt tập thể Thanh Hóa đều phản ứng rất mạnh mẽ và không chỉ trong sân, bên ngoài băng ghế chỉ đạo, Giám đốc điều hành CLB Thanh Hóa, ông Cao Hoàng Đức cũng không ngần ngại bày tỏ sự bức xúc của mình với trọng tài thứ tư Đỗ Thành Đệ.

Chính ông Đức ngay sau đó phải nhận tấm thẻ vàng cùng lời nhắc nhở từ trọng tài Ngô Duy Lân nhưng dường như, vị Giám đốc này vẫn chưa hả giận và tiếp tục có hành vi thách thức nhằm “ăn thua” đủ với tổ trọng tài. Nếu không có sự can ngăn từ các thành viên trong ban huấn luyện Thanh Hóa, không biết mọi chuyện sẽ còn phức tạp đến đâu.

Bản thân ông Đức khi đã qua cơn nóng giận cũng đã chủ động tìm đến tổ trọng tài đều gửi lời xin lỗi sau trận đấu và có cả ông bầu Cao Tiến Đoan cũng làm điều tương tự. Lời xin lỗi cho những hành vi không đẹp là điều bắt buộc nhưng tại sao, chúng ta lại để những “cái đầu nóng” chi phối hành động của bản thân để rồi phải ân hận vì những quyết định ấy?

Không chỉ có V-League, Ban kỷ luật Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) mới đây cũng đã ban hành quyết định kỷ luật với những vi phạm tại lượt trận đầu tiên vòng loại bảng B giải bóng đá hạng Ba Quốc gia 2022. Trong trận đấu giữa Tây Ninh và đội Học viện Nutifood, các cầu thủ đã xảy ra xô xát và có cả những hành động thiếu văn hóa với tổ trọng tài. Quyết định xử phạt được ban hành với cầu thủ Nguyễn Quốc Đại của Tây Ninh và Lâm Gia Đức của Học viện Nutifood, cụ thể hóa bằng tiền mặt cùng số trận treo giò.

Một vài ví dụ minh chứng cho bức tranh toàn cảnh của bóng đá Việt Nam khi đâu đó, chúng ta vẫn còn những “vết gợn” cần tinh chỉnh và thay đổi nhằm hướng đến những diện mạo tiến bộ, tích cực hơn. Thắng thua trong bóng đá vốn là chuyện thường tình. Kết quả của một trận đấu cần dựa trên nhiều yếu tố khác nhau và điều quan trọng nhất vẫn nằm ở khía cạnh chuyên môn cùng màn trình diễn của tập thể. Chỉ là, đôi lúc chính từ sự nóng giận trước kết quả hay quyết định bất lợi mà không kiềm chế được bản thân để rồi hành xử khiếm nhã với đối thủ hay trọng tài là điều không thể chấp nhận được. Một nền bóng đá đang trên đà phát triển và hướng đến sự chuyên nghiệp không có chỗ cho những hành vi ấy và chúng ta phải tích cực lên án và đẩy lùi.

VFF vẫn đang nỗ lực không ngừng và rất cần sự chung tay của các giải đấu, các CLB và cả người hâm mộ. Văn hóa bóng đá xấu xí luôn là bước lùi với sự phát triển và chúng ta cần nghiêm túc chấn chỉnh và thay đổi, tất cả vì đại cuộc chung của bóng đá nước nhà.

Theo Báo Tin tức

;
;
.
.
.
.
.