Khi người Việt Nam mê bóng đá nhất châu Á

.

Hai thông tin rất vui với bóng đá Việt Nam: người hâm mộ bóng đá Việt Nam được đánh giá đứng đầu châu Á, với 75% dân số yêu bóng đá; giải chuyên nghiệp được xếp thứ 5 khu vực  Đông Á, sau Nhật Bản, Hàn Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Malaysia, trên Thái Lan.

V-League chỉ thực sự chuyên nghiệp và phát triển khi các sân luôn đông khán giả. Ảnh: M.M
V-League chỉ thực sự chuyên nghiệp và phát triển khi các sân luôn đông khán giả. Ảnh: M.M

Theo khảo sát của Công ty Nielsen (Hàn Quốc) tiến hành trong giai đoạn từ 2019-2021 và từ tháng 4-2022, Việt Nam đứng đầu châu Á về tỷ lệ người hâm mộ bóng đá, với 75% dân số Việt Nam yêu bóng đá. Xếp thứ 2 là UAE với 70% dân số hâm mộ môn thể thao vua. Indonesia xếp thứ ba (69%), Saudi Arabia xếp thứ 4 (65%). Các vị trí còn lại lần lượt thuộc về Thái Lan (58%), Ấn Độ (56%), Malaysia (53%), Hàn Quốc (50%). Lượng người hâm mộ bóng đá của Trung Quốc chỉ chiếm 40% dân số, trong khi Nhật Bản chỉ chiếm 28% dân số.

Khảo sát của Nielsen cho thấy rằng, Việt Nam là thị trường đầy tiềm năng của môn thể thao vua. Từ rất lâu, người hâm mộ Việt Nam đã nổi tiếng trong khu vực về mức độ cuồng nhiệt với các đội tuyển quốc gia. Bất cứ các kỳ SEA Games hay AFF Cup (trước đây là Tiger Cup), Việt Nam luôn gây ấn tượng mạnh trên các khán đài. Hình ảnh các dòng người thức khuya, dậy sớm chịu đựng mưa rét hay nóng bức để mong có được tấm vé vào sân Mỹ Đình đã quá quen thuộc.

Tuy nhiên, ở phạm vi châu Á và thế giới, nền bóng đá chúng ta vẫn nằm trong khu vực “vùng trũng”, kéo theo đó hình ảnh của khán giả bị bó hẹp. Số lần khán giả được tận hưởng niềm vui ở đấu trường khu vực Đông Nam Á vẫn còn khiêm tốn. Mấy năm qua, bóng đá Việt Nam mới được thế giới biết đến nhiều hơn nhờ thành tích đột biến. Đội tuyển futsal quốc gia 2 lần giành vé dự vòng chung kết (VCK) Futsal FIFA World Cup. Đội tuyển U20 tham dự VCK U20 World Cup. Đội tuyển bóng đá nam lọt đến vòng loại thứ 3 World Cup 2022. Trong khi đó, đội tuyển nữ giành vé dự VCK World Cup 2023. Trong bối cảnh dịch dã, Việt Nam vẫn tổ chức thành công SEA Games 31, đặc biệt khán giả rất nồng nhiệt, càng tô điểm cho vẻ đẹp của fan bóng đá chúng ta.

Dù thế, để chọn ra một sự kiện tiêu biểu, lột tả sự cuồng nhiệt bóng đá của người dân Việt Nam, phải kể đến lễ đón chào đội tuyển U23 quốc gia trở về từ Thường Châu (Trung Quốc) năm 2018, sau khi đoạt ngôi Á quân VCK U23 châu Á. Từ sân bay Nội Bài về Thủ đô Hà Nội, người hâm mộ đứng hai bên đường tạo ra một “dòng sông người” vô cùng kỳ vĩ. Trên khắp đất nước, hàng triệu người đã ngồi trước màn hình để xem truyền hình trực tiếp lễ đón rước. Sự kiện đó đã làm “rung chuyển” truyền thông thế giới.

Khán giả được ví là một trong hai tiền đạo (cùng với truyền thông) trong mô hình phát triển của các nền bóng đá. Nói thế để thấy rằng, Việt Nam đang sở hữu thứ tài sản vô giá - tình yêu bóng đá của khán giả nhà. Làm sao để chuyển hóa thành sức mạnh, đưa nền bóng đá lẫn các đội tuyển quốc gia hòa nhập được bóng đá đỉnh cao thế giới, chúng ta vẫn còn quá nhiều việc phải làm. Đầu tiên, Liên đoàn bóng đá Việt Nam, các CLB, những người đang tham gia hoạt động bóng đá phải thực sự tôn trọng khán giả, thông qua sự thi đấu tận hiến, trong sạch.

Đồng thời, phải cùng các hội cổ động viên (CĐV) xây dựng mối quan hệ hợp tác theo hướng chuyên nghiệp hóa. Chúng ta chưa làm được điều đó, khiến hoạt động của các hội CĐV tản mác. Nhiều giải đấu CĐV lên không gian mạng dùng lời lẽ, ngôn từ hết sức phi văn hóa để phản ứng trọng tài, đối thủ, làm mất thể diện cả nền bóng đá. Đa số các CLB đều không sống được nhờ bán vé và đồ lưu niệm. Các ông bầu mỗi năm phải bỏ ra hàng trăm triệu để thuê cổ động viên cổ vũ, nhóm người đó cũng không đại diện cho toàn thể fan của đội bóng.

Vậy nên, dù V-League vừa được đánh giá xếp xứ 5 khu vực Đông Á nhưng xét tiêu chí chất lượng chuyên môn, sự thu hút khán giả chúng ta vẫn còn thua Thái Lan. Ngay thời điểm này, khi V-League chỉ còn 4 vòng thì ban tổ chức còn phải thuê trọng tài ngoại về điều hành để, mong giải “hạ cánh an toàn”.
Cuối cùng, một nền thể thao không chỉ trông chờ vào bóng đá. Thể thao Việt Nam đang phát triển thiếu cân xứng, khi quá chú trọng vào đội tuyển quốc gia và U23 quốc gia. Trong khi đó, bóng đá nữ và nhiều môn thể thao đỉnh cao khác thiếu sự quan tâm. Kết quả, thể thao nước nhà chỉ thành công ở SEA Games, ra đấu trường ASIAD và Olympic thì mất hút.

MỘC MIÊN

;
;
.
.
.
.
.