Từ chuyện mặt cỏ sân Mỹ Đình

.

Trong buổi tập cuối cùng trước khi gặp Myanmar, hình ảnh HLV Park Hang-seo dành khoảng 5 phút kiểm tra sân, nhặt sỏi và các vật thể lạ khỏi mặt sân Mỹ Đình trước khi các học trò vào tập luyện, khiến nhiều người không khỏi chạnh lòng.

Sân Mỹ Đình cần được nâng cấp để xứng với hình ảnh của đội Việt Nam. Ảnh: M.M
Sân Mỹ Đình cần được nâng cấp để xứng với hình ảnh của đội Việt Nam. Ảnh: M.M

Chiến lược gia người Hàn Quốc còn cẩn thận đem sỏi, rác ra thùng rác phía ngoài đường biên. Đấy là chuyện lạ với bóng đá thế giới nhưng với chúng ta và sân Mỹ Đình thì dễ hiểu.

Những trận đấu ở giải AFF Cup 2022 được phát sóng ở nhiều quốc gia Đông Nam Á và châu Á. Trong đó, hình ảnh sân Mỹ Đình xơ xác, với mặt cỏ vàng úa và nhiều chỗ lồi lõm đã tạo ra thiện cảm không tốt với bạn bè quốc tế. Thậm chí, không chỉ đội khách, thầy trò  HLV Park Hang-seo mà nhiều người hâm mộ bóng đá châu Á đã đăng đàn chỉ trích Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) “làm gì” để mặt sân vận động quốc gia xấu như thế, bất chấp tốc độ phát triển của bóng đá Việt Nam như “vũ bão”. Trong khi, sân vận động (SVĐ) Bung Karno của Indonesia và SVĐ Morodok Techo của Campuchia gây ấn tượng bởi những thảm cỏ xanh mướt và cơ sở vật chất hiện tại AFF Cup 2022.

Chúng ta đã đăng cai rất nhiều giải quốc tế, nhiều trận cầu đỉnh cao, nhưng vẫn thường để xảy ra sự việc rất đáng tiếc kiểu như thế. Gần nhất là sự cố khung thành tại Mỹ Đình phải sửa chữa 5 phút trong trận giao hữu giữa đội tuyển Việt Nam và CLB Borussia Dortmund. Những hình ảnh đó cộng thêm mặt sân xấu đã làm dậy sóng cộng đồng mạng. Lẽ ra, chuẩn bị cho  AFF Cup 2022, VFF cần phải làm việc với Ban quản lý sân Mỹ Đình để cải thiện tình hình. Vậy mà trong trận gặp Malaysia, mặt sân Mỹ Đình tiếp tục tạo nên nhiều tranh cãi, dù cho mức giá để thuê lên đến 800 triệu/trận.

Thể diện của nền bóng đá cần được giữ gìn, vun xới không ngừng ở nhiều góc độ, không chỉ đơn thuần đạt thành tích cao là đủ. Khi AFF Cup đang diễn ra, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đã bị Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) phạt 5.000 USD (gần 120 triệu đồng) do không bảo đảm công tác tổ chức trận đấu tại vòng loại U17 châu Á 2023 trên sân Việt Trì (Phú Thọ) hồi đầu tháng 10 vừa qua. Báo cáo của AFC cho biết, Ban tổ chức đã nới lỏng an ninh, để người không có phận sự xuất hiện ở khu vực kỹ thuật trong trận U17 Thái Lan gặp U17 Đài Loan (Trung Quốc).

Một nền bóng đá mạnh dứt khoát phải vận động một cách chuyên nghiệp, từ cách làm đến tư duy, thái độ và ý thức của các chủ thể tham gia. Có thể thấy, chúng ta đang sở hữu nhiều giá trị nổi bật, đó là sự cuồng nhiệt của khán giả, được quốc tế ghi nhận đam mê hàng đầu châu Á. Trong 5 năm qua, các đội tuyển mọi cấp độ đã có sự tiến bộ vượt bậc, liên tục mang về những chiến tích.

Tuy vậy, ở cấp độ giải chuyên nghiệp vẫn còn hạn chế trong việc tổ chức, điều hành. Mùa giải 2021 đã phải huỷ dù các đội đã thi đấu 2/3 mùa, gây nhiều lãng phí và tốn kém. Mùa bóng 2022 cũng liên tục tạm nghỉ để phục vụ cho đội tuyển Việt Nam và U23 quốc gia. Nhiều CLB bị phạt vì không đủ tiêu chuẩn một CLB chuyên nghiệp. Tình trạng nợ lương, thưởng dẫn đến lãn công đã xảy ra ở một số CLB. Đã không ít trận đấu bất thường, trong đó cả tiếng còi của trọng tài. Trên các khán đài, tình trạng pháo sáng, pháo nổ chưa được chấm dứt. Bạo lực sân cỏ vẫn chưa giảm đáng kể...

Đấy là những “vết gợn” trong một mùa giải V-League 2022 được đánh giá hấp dẫn bậc nhất lịch sử.

Tóm lại, để thay đổi diện mạo một nền bóng đá thì Liên đoàn Bóng đá quốc gia phải tiên phong làm mới mình theo chiều hướng chuyên nghiệp hóa cao. Rất nhiều người hâm mộ đã kỳ vọng nhiệm kỳ 2022-2026 lãnh đạo VFF đáp ứng được kỳ vọng đưa thương hiệu bóng đá Việt vươn xa. Thời gian vẫn còn nhiều, nhưng  có lẽ việc cấp bách nhất lúc này là cuộc cách mạng mặt cỏ sân Mỹ Đình. Không thể tiếp tục để một biểu tượng nền bóng đá nhếch nhác mãi như thế.

MỘC MIÊN

;
;
.
.
.
.
.