Bóng đá Việt Nam cần "chân đế" vững

.

Sau khoảng lặng gần 50 ngày, đầu tháng 4 tới, guồng quay bóng đá Việt trở lại với ba giải đấu chuyên nghiệp. Điều đáng quan ngại là chất lượng chuyên môn các giải đấu khó bảo đảm khi những tồn tại cố hữu chưa được khắc phục.

Bóng đá Việt Nam còn nhiều bất cập cần sớm được khắc phục trước khi hướng đến những mục tiêu xa hơn. Ảnh: P.N
Bóng đá Việt Nam còn nhiều bất cập cần sớm được khắc phục trước khi hướng đến những mục tiêu xa hơn. Ảnh: P.N

Theo thông báo của Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), cup quốc gia 2023 khai mạc ngày 1-4 với sự tham dự của 24 CLB hạng Nhất và V-League. Trong khi đó, V-League 2023 trở lại với vòng đấu thứ 5 từ ngày 6-4, thi đấu thêm 4 vòng đấu rồi tiếp tục nghỉ đến ngày 19-5 nhường chỗ cho đội tuyển U22 Việt Nam hội quân dự SEA Games 32 tại Campuchia. Cùng thời gian này, giải hạng Nhất 2023 khởi tranh với sự tham dự của 10 đội bóng. Sau khi Cần Thơ và Sài Gòn FC bỏ giải, thể thức thi đấu giải hạng Nhất phải thay đổi.

Theo đó, các đội thi đấu theo thể thức lượt đi - lượt về để xếp hạng. Trong đó, đội đầu bảng giành vé duy nhất lên thi đấu tại V-League mùa giải 2023-2024; đội xếp thứ 10 thi đấu play-off với đội vô địch giải hạng Nhì 2023 để giành tấm vé thi đấu tại giải hạng Nhất mùa giải tiếp theo. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, giải hạng Nhất không có đội xuống hạng trực tiếp, một bước lùi của bóng đá Việt.

Các giải chuyên nghiệp là “chân đế” để bóng đá Việt Nam phát triển. Tuy nhiên, qua 23 mùa giải, những bất cập vẫn tồn tại. Chuyện các đội bóng bỏ giải dần trở thành “thông lệ”. Mùa giải 2021, khi Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) điều chỉnh số đội tham dự giải hạng Nhất từ 12 lên 14 đội thì CLB Tây Ninh xin rút vì không có kinh phí. Một năm sau, V-League 2022 chỉ còn 13 đội sau khi CLB Than Quảng Ninh giải thể. Mùa giải năm nay, giải hạng Nhất 2023 có đến hai đội bỏ giải là Cần Thơ và Sài Gòn khiến số lượng các đội tham dự càng “teo tóp”.

Bóng đá Việt Nam đặt mục tiêu phát triển vươn tầm trong tương lai. Dù vậy, không giống các giải chuyên nghiệp thế giới, chúng ta đi theo hình chóp ngược khi có 14 đội tham dự V-League mà chỉ có 10 đội đá giải hạng Nhất. So với Thái Lan, các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam thua xa về số lượng các đội tham dự, chưa nói đến độ hấp dẫn. Giải đấu bóng đá cao nhất của Thái Lan (Thai League 1) có 16 đội tham dự. Thai League 2 có 18 đội tham dự. Thai League 3 có 75 đội tham dự, chia làm 6 khu vực tranh tài. Riêng về suất xuống hạng, Thai League 1 có 3 đội trong khi V-League 2023 chỉ có 1 đội.

Cạnh tranh là yếu tố tạo nên sự hấp dẫn trong bóng đá. Tuy nhiên, khi số lượng các đội bóng tham dự ít, suất xuống hạng bị cắt giảm, yếu tố trên không được bảo đảm. Các đội nếu không có tham vọng đua vô địch thì đá theo kiểu “vô thưởng, vô phạt”. Không ít trận đấu diễn ra trong tình cảnh này khiến khán giả ngán ngẩm, không còn cảm hứng đến sân xem trực tiếp một trận bóng.

Ngoài ra, một bất cập khác đang xảy ra ở bóng đá Việt Nam là tính liền mạch của các giải đấu. V-League 2023 tạm ngừng gần 50 ngày kể từ vòng đấu thứ 4 là một nghịch lý. Tuy nhiên, khi nghịch lý này chưa được khắc phục thì các cầu thủ tiếp tục đối mặt viễn cảnh “tập chay” hơn một tháng, từ ngày 17-4 đến 19-5 khi V-League 2023 tạm ngừng đợt hai sau khi kết thúc vòng đấu thứ 8 để đội tuyển U22 Việt Nam tham dự SEA Games 32. Tính ra, trong 4 tháng, mỗi cầu thủ chuyên nghiệp chỉ được thi đấu 8 trận. Trong khi đó, cùng khoảng thời gian này, các cầu thủ tại châu Âu thi đấu hơn 40 trận.

Mùa giải 2023 được xem là bước ngoặt với nhiều đổi mới, là bản lề để thực hiện kế hoạch thay đổi khung thời gian tổ chức đối với giải đấu cấp CLB trong hệ thống của Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC). Theo đó, chúng ta sẽ tổ chức mùa giải mới vắt qua hai năm theo hướng chuyên nghiệp hơn. Dù vậy, trước khi hướng đến mục tiêu xa, những tồn tại cố hữu cần sớm được khắc phục. Bóng đá Việt Nam muốn vươn tầm trước hết cần một “chân đế” vững.

PHI NÔNG

;
;
.
.
.
.
.