Cần tầm nhìn vượt SEA Games

.

Sự việc thiếu kinh phí khiến đoàn thể thao Việt Nam phải cắt giảm số lượng thành viên dự SEA Games 32 đang gây xôn xao dư luận trong những ngày qua. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Trần Đức Phấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam (TTVN) tại SEA Games 32, chung quanh vấn đề trên.

Đoàn thể thao Việt Nam đối mặt nhiều thách thức tại SEA Games 32. Ảnh: LĐO
Đoàn thể thao Việt Nam đối mặt nhiều thách thức tại SEA Games 32. Ảnh: LĐO

* Còn khoảng một tháng nữa diễn ra SEA Games 32 nhưng danh sách đoàn TTVN phải giảm tới 20% số lượng của đoàn, vì lý do thiếu kinh phí. Có nghĩa, sẽ có 30 vận động viên (VĐV) cả năm tập luyện sẽ phải ngồi nhà làm khán giả. Ông cho biết quan điểm của Tổng cục TDTT?

- Trước hết, chúng ta phải thừa nhận một tiền lệ mang tính lịch sử, SEA Games là ngày hội thể thao của Đông Nam Á trải qua 64 năm, nước nào cũng luôn tạo điều liện để nhiều VĐV được tham dự, đặc biệt là các nước chủ nhà. Bởi, một nền thể thao không chỉ gói gọn trong các môn thuộc hệ thống Olympic, mà còn rất nhiều môn mang tính truyền thống, bản sắc của cả khu vực. Với Việt Nam, hệ thống đào tạo thể thao rộng khắp, từ đỉnh cao lẫn phong trào, nên đã hình thành một số lượng VĐV các cấp rất lớn. Các VĐV đều rất khao khát được tham gia ở các sân chơi lớn, trong bối cảnh chúng ta còn ít giải đấu. Ngoài được thi đấu, giao lưu học hỏi còn là vinh dự. Một VĐV đoạt HCV SEA Games thì cá nhân các em, gia đình và thậm chí cả địa phương đều rất hân hoan.

Từ thực tế đó, Tổng cục TDTT luôn tạo điều kiện để nhiều VĐV được tham dự SEA Games, thông qua ngân sách nhà nước và xã hội hóa kinh phí.

* Nhưng đây là kỳ SEA Games mà lần đầu tiên thấy đoàn TTVN công khai kinh phí eo hẹp?

- Câu chuyện kinh phí thì phải nói thẳng, giải đấu lớn nào chúng ta cũng phải đối diện khó khăn về kinh phí. Nhưng thừa nhận SEA Games năm nay khó khăn hơn, khi mấy năm dịch bệnh khiến tất cả các lĩnh vực đều lao đao. Công tác vận động tài trợ, xã hội hóa cũng hết sức nan giải.

Từ sớm, Tổng cục TDTT đăng ký danh sách sơ bộ số lượng thành viên dự SEA Games 32 với 1.018 người, bao gồm 744 vận động viên (VĐV), 45 lãnh đạo đội, 181 huấn luyện viên (HLV), 25 chuyên gia... Cũng nên hiểu rằng, đoàn thể thao, đội tuyển  nào cũng phải có danh sách sơ bộ. Vậy nên, việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ gút danh sách chính thức, có sự cắt giảm số VĐV và thành viên đoàn TTVN dự SEA Games 32 cũng là chuyện không có gì phải ầm ĩ. Tất nhiên, trong danh sách sơ bộ trình lên, quan điểm của Tổng cục vẫn là ưu tiên số VĐV được tham gia, số khó khăn thì vận động xã hội hóa kinh phí để càng ít VĐV phải ở nhà càng tốt.

So với hai kỳ SEA Games 29 (693 thành viên, trong đó  có 476 VĐV), SEA Games 30 (856 thành viên, trong đó có 568 VĐV), thì số lượng thành viên đoàn TTVN dự SEA Games 32 lần này (trên 700 VĐV) vẫn là con số ấn tượng.

* Ông có thể cho biết thêm  chỉ tiêu, mục tiêu của đoàn TTVN tại SEA Games 32?

- SEA Games 32, mục tiêu mà đoàn TTVN hướng đến là giành ít nhất 100 HCV, nằm trong top 3. Chủ nhà Campuchia đã cắt giảm nhiều môn thi thế mạnh của Việt Nam như bắn súng, bắn cung... Vì vậy, TTVN sẽ mất đi 50 - 60 HCV.  Việc đua tranh vị trí số 1 thực sự khó khăn nếu căn cứ vào thực lực so với các nước trong khu vực. Riêng mục tiêu bóng đá nam và nữ phấn đấu vô địch cũng không dễ dàng.
Ở tầm vĩ mô, ngành thể thao đã nhận thức tầm nhìn phải vượt SEA Games, luôn coi SEA Games là bàn đạp để phát triển các môn Olympic thay vì đua tranh huy chương. Chúng ta đứng số 1 SEA Games 31 năm 2022 trên sân nhà với 205 HCV, nhưng tại Olympic Tokyo 2021, đoàn TTVN ra về tay trắng.  Top 3 SEA Games nhưng nếu tại Asiad 19 diễn ra tháng 9 tới tại Trung Quốc chúng ta không “lột xác”,  không đạt  3 - 5 HCV thì rất đáng lo.

* Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

MỘC MIÊN thực hiện

;
;
.
.
.
.
.