Ngày 25-4, đội tuyển U22 Việt Nam kết thúc quá trình tập huấn tại Bà Rịa - Vũng Tàu, sẵn sàng bước vào hành trình bảo vệ huy chương vàng (HCV) SEA Games 32. Một kỳ đại hội nhiều khó khăn, thách thức đang chờ thầy trò HLV Philippe Troussier trên đất Campuchia.
Đội tuyển U22 Việt Nam đã kết thúc quá trình chuẩn bị, sẵn sàng tham dự SEA Games 32. Ảnh: VFF |
U22 Việt Nam của tân HLV Troussier hướng đến SEA Games 32 trong hoàn cảnh đặc biệt. “Phù thủy trắng” đối diện sức ép thành công với hai lần liên tiếp giành HCV SEA Games từ người tiền nhiệm Park Hang-seo. Còn học trò của ông Troussier bị đặt dưới sự so sánh, hoài nghi về mặt chuyên môn lẫn kinh nghiệm với thế hệ “đàn anh”. Áp lực của U22 Việt Nam khi đến Campuchia là phải duy trì được niềm vui chiến thắng ở đấu trường Đông Nam Á cho người hâm mộ. Chưa kể, kết quả tại SEA Gamess 32 đóng vai trò quan trọng cho lứa U20, U22 lẫn vị thuyền trưởng người Pháp trong hành trình, tham vọng đưa bóng đá Việt Nam dự World Cup. Từ nay đến 2026 còn rất xa, SEA Games lại cận kề, cả HLV Troussier và những cầu thủ như: Quan Văn Chuẩn, Khuất Văn Khang, Lê Văn Đô, Bùi Vĩ Hào, Nguyễn Văn Tùng… sẽ phải căn cứ vào kết quả sắp tới để tính toán lại chiến lược.
Hướng đến giải đấu quan trọng ở đấu trường khu vực, U22 Việt Nam có sự chuẩn bị kỹ. Dù vậy, vẫn còn nhiều nỗi lo cho hành trình được dự báo nhiều chông gai, trở ngại phía trước của thầy trò HLV Troussier. Trong đội hình đội tuyển U22 Việt Nam dự SEA Games 32 còn 9 cầu thủ từng dự vòng chung kết U23 châu Á năm ngoái, bao gồm các cầu thủ từng để lại dấu ấn như: Tiến Long, Tuấn Tài, Văn Trường, Văn Tùng… Nghĩa là, nếu xét đơn thuần ở các cái tên thì đây là một đội U22 chất lượng. Vấn đề ở chỗ, từ năm ngoái đến nay, nhiều người trong số họ phải chơi bóng dưới quyền của 4 HLV khác nhau, từ Park Hang-seo đến Gong Oh Kyun, Hoàng Anh Tuấn và nay là Troussier. Vì thế, để thích nghi với hệ thống chiến thuật mới mà HLV Troussier xây dựng là không dễ.
Thực tế, từ lúc dẫn dắt U22 Việt Nam đến nay, HLV Troussier chưa để lại nhiều dấu ấn. U22 Việt Nam có thành tích không tốt tại Doha Cup, thua 3 trận, không ghi được bàn thắng nào và đứng thứ 10/10 đội tham dự. Trong chuyến tập huấn cuối cùng tại Bà Rịa - Vũng Tàu, U22 Việt Nam có hai trận đấu tập kín với CLB Thành phố Hồ Chí Minh và Bà Rịa - Vũng Tàu. HLV Troussier cố gắng khắc phục những hạn chế cho các học trò nhưng để tạo nên sự gắn kết tốt nhất là điều không đơn giản khi đa phần các cầu thủ trẻ còn non kinh nghiệm.
Quá trình thi đấu ở giải Doha Cup cũng như tập luyện, đá giao hữu tại Bà Rịa - Vũng Tàu, không khó để nhận thấy, tại SEA Games sắp tới, U22 Việt Nam chú trọng kiểm soát bóng, chuyền bóng luân chuyển nhằm tìm cách tổ chức tấn công. Lối chơi này phụ thuộc nhiều vào sự sáng tạo của tiền vệ công, bộ ba tiền đạo phía trên cùng hai cầu thủ chạy cánh. Đây là triết lý HLV Troussier theo đuổi trong suốt sự nghiệp cầm quân. Bởi thế, khi rút danh sách từ 31 xuống còn 24 cầu thủ sang Campuchia, chiến lược gia người Pháp lựa chọn những cái tên đa năng, bảo đảm thực hiện tốt ý đồ chiến thuật mà ông xây dựng.
Vấn đề lúc này của U22 Việt Nam là cải thiện khả năng phòng ngự và tận dụng tốt các cơ hội để ghi bàn. Khả năng áp sát đối phương và bọc lót cho đồng đội chưa tốt là nguyên nhân khiến khâu phòng ngự của U22 Việt Nam lỏng lẻo, dễ bị đánh sập. Đây cũng là nguyên nhân thầy trò Troussier thất bại tại Doha Cup. Trong khi đó, trên hàng công, Nguyễn Văn Tùng và Bùi Vĩ Hào hứa hẹn mang đến luồng gió mới cho U22 Việt Nam. Dù vậy, bộ đôi tiền đạo này cần nhiều sự hỗ trợ từ các vệ tinh xung quanh.
Tại SEA Games 32, để bảo vệ thành công HCV, U22 Việt Nam phải thi đấu 6 trận với mật độ dày (khoảng 3 ngày/trận), nên nguy cơ đối mặt với chấn thương hay thẻ phạt là hiện hữu. Vì thế, HLV Troussier mang sang Campuchia 24 cầu thủ. Trước cuộc họp kỹ thuật ngày 28-4, chiến lược gia người Pháp loại thêm 4 cầu thủ, chốt danh sách 20 cầu thủ đăng ký tham dự với Ban tổ chức. 4 cầu thủ bị loại vẫn ở lại Campuchia để dự phòng trong trường hợp cần thay đổi.
PHI NÔNG