SEA Games 32 khép lại sau hơn nửa tháng diễn ra sôi nổi, hấp dẫn với lễ bế mạc tối qua, 17-5. Campuchia tổ chức một kỳ đại hội thể thao khu vực ấn tượng nhất từ trước đến nay. Trong khi đó, với thể thao Việt Nam (TTVN), vị trí nhất toàn đoàn là thành công ngoài mong đợi.
VĐV điền kinh Nguyễn Thị Oanh bảo vệ thành công tấm HCV SEA Games tại nội dung 5000m nữ với thành tích 17 phút 00 giây 28. Các VĐV điền kinh đã giành được 12 HCV, 20 HCB, 8 HCĐ đóng góp lớn vào thành tích của đoàn thể thao Việt Nam. Ảnh: TTXVN |
Kỳ SEA Games ấn tượng của Campuchia
SEA Games 32 là lần đầu tiên Campuchia đăng cai một kỳ đại hội khu vực. Nước chủ nhà mong muốn thông qua kỳ đại hội này, hình ảnh về một đất nước Campuchia trên đà phát triển, thân thiện, mến khách được giới thiệu đến bạn bè khu vực và thế giới. Hình ảnh sân thi đấu đầy đủ tiện nghi, lễ khai mạc và bế mạc diễn ra rực rỡ sắc màu cho thấy sự đầu tư lớn của nước chủ nhà.
Theo tiết lộ của Campuchia, họ chi tổng cộng 118 triệu USD để tổ chức SEA Games 32. Trong đó, việc cung cấp chỗ ăn, ở miễn phí cho các đoàn thể thao, tặng vé vào cổng cho cổ động viên, miễn phí tiền bản quyền truyền hình là những điều đầu tiên xảy ra ở một kỳ SEA Games.
Hơn nửa tháng qua, người dân Campuchia và khán giả hòa mình cùng diễn biến của ngày hội thể thao lớn nhất khu vực. Từ sân vận động chính Morodok Techno đến sân Olympic hay khu phức hợp thể thao Convention Center, đông đảo khán giả của nước chủ nhà có mặt tiếp sức cho các vận động viên (VĐV) thi đấu. Hình ảnh này nhắc nhớ đến kỳ đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 22 năm 2003 diễn ra tại Việt Nam. Trong lần đầu tiên SEA Games diễn ra trên quê nhà, khán giả Việt Nam cũng phủ kín các sân để hò reo, cổ vũ.
Đúng với tính chất một kỳ đại hội thể thao lớn của khu vực, 37 môn thể thao với 584 nội dung tranh tài tại SEA Games 32 diễn ra hấp dẫn, mang lại nhiều cung bậc cảm xúc từ hồi hộp chờ đợi đến niềm vui vỡ òa trong chiến thắng hay cả những giọt nước mắt tiếc nuối, những nỗi buồn thua trận. Trên hết, thể thao mang lại sự đoàn kết, các cuộc tranh tài là cơ hội thể hiện tài năng, đồng thời là dịp để giao lưu văn hóa của các quốc gia trong khu vực.
Việt Nam xếp nhất toàn đoàn
Trước khi sang Campuchia, TTVN đặt mục tiêu giành 90 đến 120 huy chương vàng (HCV), xếp trong top 3 đội dẫn đầu toàn đoàn. Dù vậy, với sự nỗ lực và tinh thần thi đấu quyết tâm của các VĐV giúp đoàn TTVN dẫn đầu đại hội với thành tích 136 HCV, 105 HCB, 114 HCĐ. Đây là lần đầu tiên đoàn TTVN xếp nhất toàn đoàn tại một kỳ SEA Games không diễn ra trên sân nhà. Trước đó, Việt Nam có 2 lần xếp nhất toàn đoàn ở hai kỳ SEA Games diễn ra trên sân nhà năm 2003 và 2022. Như vậy, chúng ta có hai lần liên tiếp dẫn đầu khu vực Đông Nam Á trong 2 kỳ đại hội gần nhất. Điều này cho thấy, TTVN có những bước tiến trong những năm qua.
Vị trí nhất toàn đoàn của TTVN là thành tích đáng khen ngợi, nếu nhìn sang Thái Lan - đoàn đặt mục tiêu 164 HCV nhưng chung cuộc có 108 HCV, 96 HCB, 108 HCĐ, xếp nhì toàn đoàn. Việc Thái Lan không hoàn thành chỉ tiêu, một phần do một số VĐV, đội tuyển thi đấu dưới sức, song nguyên nhân chính đến từ sự trỗi dậy của các đoàn thể thao khác, điển hình là Campuchia.
Chủ nhà giành 81 HCV, 74 HCB, 127 HCĐ, xếp thứ tư trên bảng tổng sắp - vị trí cao nhất mà thể thao nước này từng có trong lịch sử tham dự đại hội. Trong khi đó, vị trí thứ ba với 87 HCV, 80 HCB, 109 HCĐ là thành công với Indonesia. Tại SEA Games 32, duy nhất đoàn thể thao Timor Lester không giành được HCV và HCB nào, họ có 8 HCĐ.
Thêm một kỳ SEA Games được tổ chức thành công mang đến những tín hiệu tích cực cho thể thao Đông Nam Á. Dù vậy, vẫn còn những hạn chế cần khắc phục trong tổ chức các môn thi đấu để thể thao khu vực vươn tầm. Hội đồng Thể thao Đông Nam Á quy định SEA Games 33 diễn ra tại Thái Lan, nước chủ nhà phải tổ chức đa số môn thi đấu trong quy chuẩn của Olympic và ASIAD, chỉ 2 môn mang tính đặc thù quốc gia. Để giữ vững vị thế, TTVN phải nỗ lực nhiều hơn. Trên hết, chúng ta cần có chiến lược phát triển bài bản nhằm hướng đến những cái đích xa hơn là giành huy chương ở đấu trường châu lục và thế giới như ASIAD, Olympic.
Bế mạc SEA Games 32 Tối 17-5, lễ bế mạc SEA Games 32 diễn ra tại sân vận động Morodok Techo ở thủ đô Phnom Penh (Campuchia). Có quy mô nhỏ hơn so với lễ khai mạc nhưng lễ bế mạc vẫn diễn ra ấn tượng, hấp dẫn. Gần 2.000 nghệ sĩ tham gia biểu diễn các tiết mục đặc sắc, kết hợp âm thanh, ánh sáng tạo nên bức tranh đầy màu sắc. Thông qua lễ bế mạc, Ban tổ chức truyền tải hình ảnh về con người, đất nước Campuchia thân thiện, cởi mở, niềm tự hào về kỳ đại hội ấn tượng và thành công tại xứ sở chùa tháp. Ngoài các tiết mục biểu diễn, ở phần cuối chương trình, Ban tổ chức nước chủ nhà Campuchia trao cờ đăng cai cho Thái Lan - quốc gia tổ chức kỳ SEA Games 33 năm 2025. |
PHI NÔNG