Tiền không quyết định vé tham dự World Cup

.

Mới đây, HLV Troussier cho rằng bóng đá Việt Nam muốn giành vé dự World Cup thì phải cần nguồn lực tài chính đặc biệt và Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đã và đang nỗ lực đáp ứng điều đó. Thế nhưng, đường đến World Cup chắc chắn không phải chỉ bằng... tiền!

Đội tuyển bóng đá nữ quốc gia được xây dưng trên nền tảng không phải bằng nguồn lực tài chính dồi dào, nhưng vẫn giành quyền tham dự World Cup sắp diễn ra. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí, hệ thống sân bãi, công tác đào tạo... cũng ở mức khiêm tốn. Cuộc sống thú vị là thế, bóng đá không ngoại lệ. Bất chấp những khó khăn bủa vây, đội tuyển bóng đá nữ cùng các tuyển trẻ vẫn như “lúa trời”, phát triển mạnh mẽ và mang lại nhiều “hương thơm” cho bóng đá nước nhà.

Ngược lại, bóng đá nam thì sao? Riêng đội tuyển quốc gia và U23 quốc gia luôn nhận được nhiều nguồn lực tài chính dồi dào. Kết quả, ngoài chức á quân U23 châu Á năm 2018, hai ngôi vô địch SEA Games cùng AFF Cup, lọt đến vòng loại thứ 3 World Cup 2022 là chạm giới hạn. Thế hệ "vàng" như: Quang Hải, Văn Hậu, Công Phượng, Xuân Trường, Duy Mạnh, Văn Quyết đã chững lại, lứa trẻ chưa có gì nổi bật, một chu kỳ mới được dự báo rất khó khăn cho bóng đá Việt Nam trên hành trình ra biển lớn. Vậy thì, có đầu tư bao nhiêu tiền bạc chăng nữa, chắc chắn cũng không thể giúp cho bóng đá Việt Nam nhanh chóng giành vé dự World Cup, nếu như không có một tầm nhìn chiến lược, khoa học, đầu tư bài bản từ gốc rễ.

Đầu tiên, phải xây dựng lại hệ thống giải chuyên nghiệp theo hướng thực danh. Tức là chất lượng chuyên môn phải được nâng tầm. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, Nhật Bản tái gia nhập FIFA vào năm 1950 và lần đầu tiên thi đấu vòng loại World Cup 1954 nhưng để mất suất tham dự vào tay Hàn Quốc. Kể từ đây, Nhật Bản đã phải trải qua hành trình rất gian nan kéo dài 4 thập niên để có thể đến được với ngày hội bóng đá thế giới.

Nhật Bản đã xây dựng giải đấu chuyên nghiệp vào năm 1991 mang tên J.League. Đây chính là bước ngoặt mở ra thành công cho bóng đá Nhật Bản tại đấu trường World Cup kể từ đó. Trình độ của đội tuyển quốc gia nước này ngày một cải thiện, trở thành một thế lực thực sự của bóng đá châu Á. Còn chúng ta đã có giải chuyên nghiệp chỉ sau Nhật Bản 9 năm, đến nay đã 23 năm nhưng mọi thứ vẫn đang ngổn ngang.

Tất nhiên, một giải đấu chuyên nghiệp sẽ khó bay bổng nếu như hệ thống đào tạo trẻ kém chất lượng. Đa số các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia… đều có hệ thống đào tạo trẻ cùng bóng đá học đường rộng khắp, có chiều sâu. Các cầu thủ trẻ sớm được định hình tính cách nhà nghề, hít thở trong môi trường bóng đá văn minh nên cơ hội hoàn thiện bản thân rất cao. Nhiều cầu thủ trẻ đã sớm thành danh khi được “xuất khẩu” sang châu Âu thi đấu.

Với chúng ta, để hiện thực hóa giấc mơ World Cup, cần có chiến lược dài hơi để nâng tầm bóng đá nước nhà, trước mắt là nâng cao chất lượng các giải đấu quốc nội, thu hút các nguồn lực đầu tư vào bóng đá, nâng cao chất lượng đào tạo trẻ và hoạch định chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam một cách bài bản, có triết lý phát triển bóng đá nhất quán. Chỉ như thế, sức mạnh tài chính mới phát huy tác dụng.

MỘC MIÊN

;
;
.
.
.
.
.