Giải vô địch điền kinh trẻ Quốc gia diễn ra từ ngày 8 đến ngày 12-8 tại Đà Nẵng, với vai trò điều hành giải, ông Nguyễn Trung Hinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Điền kinh Việt Nam đã có những thông tin bổ ích liên quan đến công tác tổ chức, việc phát hiện bồi dưỡng vận động viên (VĐV)...
Các vận động viên tranh tài tại giải. Ảnh: M.M |
* Sau 17 năm giải Vô địch điền kinh trẻ Quốc gia mới quay lại Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Đà Nẵng và thành phố bên bờ sông Hàn nói chung, ông đánh giá về công tác tổ chức thế nào?
- Đúng vậy, lẽ ra Đà Nẵng phải tổ chức nhiều hơn nữa các giải điền kinh vô địch quốc gia. Bởi, điều kiện ở thành phố quá lý tưởng. Mới đây tôi cũng được biết các bạn vừa tổ chức giải marathon Quốc tế 2023 gây nhiều tiếng vang.
Về công tác tổ chức, chúng tôi rất hài lòng vì cơ sở vật chất, sân bãi của Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Đà Nẵng đảm bảo tốt cho thi đấu, không thua gì sân bãi quốc gia. Công tác tổ chức rất chuyên nghiệp. Với lợi thế về địa lý, có Trường đại học Thể dục Thể thao, Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia tại địa phương, tôi nghĩ Đà Nẵng nên chú trọng nhiều hơn nữa trong việc phát triển môn điền kinh. Đặc biệt, tiếp tục duy trì, nhân rộng số vận động viên môn đi bộ. Cần phải có nhiều Thanh Phúc, Thành Ngưng hơn nữa.
Muốn phát triển thể thao đỉnh cao thì phải có nền tảng về phong trào. Đà Nẵng ngoài phát triển tốt phong trào, cần tập trung tổ chức thêm các giải để tạo điều kiện cho các VĐV địa phương tham gia thi đấu, học hỏi kinh nghiệm, qua đó phát hiện tài năng thể thao cho thành phố. Trong đó, tập trung những môn thế mạnh để phát triển. Việc đăng cai tổ chức Giải Vô địch điền kinh trẻ quốc gia lần này cũng là một trong những điều kiện để Đà Nẵng cọ xát, nâng cao thành tích cho các VĐV.
Tôi chia sẻ vì nhiều lý do khách quan nên điền kinh Đà Nẵng vẫn đang thiếu lực lượng kế thừa. Tuy nhiên, với sự quan tâm, đầu tư của thành phố, tôi kỳ vọng trong 3 - 5 năm tới, Đà Nẵng sẽ xây dựng được lực lượng VĐV điền kinh tài năng.
* Dưới góc độ chuyên môn, Giải vô địch điền kinh trẻ Quốc gia năm nay ông hy vọng thu hoạch được những điều gì.
- Số lượng vận động viên (VĐV) tham gia thi đấu đông đảo với hơn 400 VĐV đến từ 51 tỉnh, thành và ngành cho thấy đây là một giải tầm cỡ, thu hút được nhiều đơn vị tham gia. Ngoài một số VĐV trẻ đang là thành viên của đội tuyển Quốc gia như Hoàng Như Ý (Quân đội), Trần Thị Như Yến (Long An), Phạm Xuân Tuyến (Thành phố Hồ Chí Minh), tôi biết có rất nhiều tài năng hứa hẹn sẽ tỏa sáng tại giải này. Đấy là nguồn lực đáng quý để Liên đoàn Điền kinh Việt Nam bổ sung cho các kế hoạch sắp tới.
* Ông nhận diện nền tảng điền kinh của Việt Nam hiện nay ra sao? Mục tiêu điền kinh đạt 1-2 tấm HCV tại ASIAD 19 sắp tới liệu có khả quan?
- Về mặt bằng, các đơn vị mạnh về điền kinh hiện nay là Hà Nội, Quân đội, Công an Nhân dân và Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, lực lượng của họ cũng từ các địa phương mà có là cơ bản. Đa số các VĐV điền kinh giỏi đều xuất thân từ nông thôn, vùng sâu vùng xa, có điều kiện sống khó khăn. Nhiệm vụ của chúng tôi là làm sao phát hiện được các tài năng để tập trung bồi dưỡng.
Hiện 58/63 tỉnh, thành đã có HLV điền kinh chuyên nghiệp. Tuy vậy, điền kinh là môn gian khổ nên không phải phụ huynh, VĐV nào cũng dấn thân được lâu dài. Phát triển điền kinh học đường cũng rất khó khăn. Giờ đây, điền kinh không phải là nội dung chính của môn thể dục. Học sinh họ có xu hướng chọn những môn thể thao nhẹ nhành hơn, như bóng bàn, cầu lông, bơi, bóng đá...
Tại ASIAD 19 sắp tới, mục tiêu 1 đến 2 HCV với điền kinh phải nói thẳng là vô cùng khó khăn, Tuy nhiên, bất ngờ hoàn toàn có thể xảy ra, như tại Giải vô địch điền kinh châu Á vừa rồi mấy ai nghĩ chúng ta đạt HCV ở nội dung tiếp sức 4x400m nữ?
Tóm lại, điền kinh Việt Nam muốn vươn tầm phải có hệ thống đào tạo trẻ tốt từ các địa phương. Nguồn kinh phí dồi dào để đưa các VĐV giỏi đi tập huấn chuyên sâu, liên tục tham gia các giải quốc tế. Cuối cùng, cần áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào quá trình tập luyện, dạy học.
* Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
MỘC MIÊN thực hiện