Dù rất nỗ lực nhưng thể thao Việt Nam cạn dần hy vọng giành huy chương tại Olympic Paris 2024. Những gì diễn ra cho thấy, đấu trường thế giới quy tụ những vận động viên xuất sắc là sân chơi quá sức với các vận động viên Việt Nam.
Nguyễn Thị Hương thi đấu cố gắng nhưng không thể tạo bất ngờ trước các tay chèo xuất sắc thế giới tại Olympic Paris 2024. Ảnh: VCRSF |
Ngày 8-8, Nguyễn Thị Hương là vận động viên cuối cùng của thể thao Việt Nam tranh tài ở nội dung thuyền đơn nữ C1-200m môn canoeing. Giống như môn rowing của Phạm Thị Huệ, nội dung thi của Nguyễn Thị Hương chia thành các lượt đấu để phân hạng. Những vận động viên có thứ hạng cao vào vòng đua tranh huy chương, vận động viên có thứ hạng thấp không bị loại mà thi tiếp để tranh vé vớt và xếp hạng chung cuộc.
Cụ thể, 6 vận động viên tranh tài để tìm ra 2 người có thành tích tốt nhất vào bán kết. Các tay chèo còn lại sẽ thi đấu vòng tứ kết để tranh vé vớt. Nguyễn Thị Hương thi lượt thứ 4 ở vòng loại với 5 tay chèo: Maria Corbera Munoz (Tây Ban Nha), Liudmyla Luzan (Ukraine), Katie Vincent (Canada), Eugenie Dorange (Pháp), Agnes Anna Kiss (Hungary). Đây đều là những tay chèo rất mạnh, vượt trội Nguyễn Thị Hương cả về thể hình, trình độ và kinh nghiệm. Ba cái tên nổi bật là Maria Corbera (á quân thế giới 2022), Liudmyla Luzan (đương kim HCĐ Olympic) và Katie Vincent (vô địch thế giới 2021).
Kết quả, không có bất ngờ xảy ra khi Nguyễn Thị Hương về cuối cùng với thành tích 49,74 giây. Thành tích này không bằng thông số 49,351 giây mà tay chèo Vĩnh Phúc đạt được hồi cuối tháng 4 vừa qua để giành HCB giải canoeing vô địch châu Á, đồng thời giành vé chính thức dự Olympic Paris 2024. Các tay chèo có vé dự bán kết là Katie Vincent và Maria Corbera Munoz với thành tích lần lượt là 47,22 giây và 47,74 giây. Nguyễn Thị Hương sẽ thi đấu tranh vé vớt. Dù vậy, với sự chênh lệch đẳng cấp, cơ hội đi tiếp của tay chèo Việt Nam rất khó, chưa nói đến việc cạnh tranh huy chương.
Trước Nguyễn Thị Hương, Trịnh Văn Vinh gây thất vọng ở môn cử tạ nội dung 61kg khi thất bại ở cả 3 lần cử giật 128kg, qua đó bị loại ngay mà không được thi phần cử đẩy, không được xếp hạng thành tích. Đây là bước lùi lớn của bộ môn một thời là niềm hy vọng huy chương của Việt Nam mỗi khi bước ra đấu trường Olympic.
Có một nghịch lý là thể thao Việt Nam luôn trong top đầu SEA Games, thậm chí đứng số 1 ở hai kỳ đại hội khu vực gần nhất (SEA Games 31 và 32), nhưng khi ra sân chơi Asiad hay Olympic, lại xếp sau nhiều đoàn thể thao Đông Nam Á. Sau nhiều nỗ lực, ngày 8-8, đoàn thể thao Thái Lan có HCV đầu tiên ở môn Taekwwondo khi Wongpattanakit đánh bại vận động viên Guo Qing (Trung Quốc) trong trận chung kết nội dung đối kháng. Kết quả này giúp Wongpattanakit đi vào lịch sử với tư cách vận động viên Thái Lan đầu tiên giành 2 HCV Olympic, sau khi đăng quang hạng cân này tại Thế vận hội 2020. Đáng chú ý, Wongpattanakit là vận động viên Đông Nam Á đầu tiên bảo vệ thành công chức vô địch Olympic. Ngoài Taekwondo, đoàn thể thao Thái Lan giành 2 HCB và 2 HCĐ ở các môn cầu lông, cử tạ và boxing. Malaysia, Indonesia và Philippines cũng giành huy chương tại Thế vận hội năm nay. Trong đó, Philippines có 2 HCV và 2 HCĐ.
Thực tế, thất bại của thể thao Việt Nam tại Olympic Paris 2024 sớm được dự báo, khi các vận động viên tới sân chơi lớn nhất hành tinh với sự hạn chế cả số lượng và chất lượng. Cụ thể, thể thao Việt Nam có tổng số 16 vận động viên góp mặt ở Olympic Paris 2024, trong đó có 2 vận động viên đặc cách ở môn điền kinh và bơi. Trong khi đó, Thái Lan có 51 vận động viên vượt qua vòng loại, cao hơn 3 lần so với Việt Nam. Các quốc gia tiếp theo là Indonesia (29), Malaysia (26), Philippines (22). Việt Nam chỉ đứng thứ 6 khu vực Đông Nam Á, hơn các quốc gia Timor Leste, Lào (4), Brunei, Campuchia (3) và Myanmar (2). Điều đáng nói là thể thao Việt Nam không có mũi nhọn thực sự để có thể tranh chấp huy chương sòng phẳng. Người được kỳ vọng nhiều nhất là Trịnh Thu Vinh ở môn bắn súng cũng chỉ trông chờ vào may mắn chứ chưa đạt tới tầm cỡ một xạ thủ đẳng cấp hàng đầu.
PHI NÔNG