An ninh cho Euro 2016 - vẫn là câu hỏi khó!

.

ĐNĐT - Cả thế giới vẫn chưa hết bàng hoàng sau vụ khủng bố vừa diễn ra tối 13-11 tại Paris. Trong thời điểm 21 giờ 20 (giờ Paris), những kẻ đánh bom tự sát đã kích nổ những chiếc áo gắn bom ngay bên ngoài sân vận động Stade de France. Và Stade de France chỉ là một trong sáu mục tiêu mà “Nhà nước Hồi giáo” tự xưng (IS) nhắm đến.

 Ngay sau khi rời sân Stade de France vào đêm 13-11, người hâm mộ đã vội vã về nhà trong sự kinh hoàng bởi các vụ tấn công đẫm máu của IS. (ảnh: Getty Images)
Ngay sau khi rời sân Stade de France vào đêm 13-11, người hâm mộ đã vội vã về nhà trong sự kinh hoàng bởi các vụ tấn công đẫm máu của IS. (Ảnh: Getty Images)

Sau vụ khủng bố, thế giới bóng đá đã nhanh chóng có những phản ứng khác nhau. HLV đội tuyển Italia Anonio Conte và hậu vệ Leonardo Bonucci cùng HLV đội tuyển Ukraine Mykhaylo Fomenko lo ngại về sự an toàn của chính họ. Đây cũng là phản ứng dễ hiểu khi những kẻ đánh bom tự sát có kế hoạch xâm nhập vào sân Stade de France với 70 nghìn chỗ ngồi, để thực hiện một cuộc “tắm máu”.

Như để trấn an, UEFA vừa đưa ra tuyên bố hôm 16-11 để xác nhận: “UEFA và Euro 2016 SAS tái khẳng định cam kết trong việc bảo đảm an ninh trong kế hoạch tổ chức”.

Trong khi đó, một thành viên của Ủy ban tổ chức phát biểu trên báo điện tử Goal: “Việc không tổ chức Euro 2016 trên đất Pháp chưa bao giờ được xem xét vì chẳng ai nghĩ, Euro 2016 là mục tiêu của IS”.

Được biết, mỗi sáng thứ hai, Ủy ban tổ chức Euro 2016 đều tham gia trao đổi cùng với phái đoàn liên bộ để có phương án bảo đảm an toàn cho Euro 2016.

Trong khi đó, bà Carol Gomez, một nhà nghiên cứu tại Viện Quốc tế và Quan hệ chiến lược (IRIS) - một tổ chức phụ trách các vấn đề liên quan đến tác động của các môn thể thao trên quan hệ quốc tế - nhấn mạnh: “An ninh đã rất được coi trọng trong quá trình chuẩn bị cho Euro 2016. Tầm quan trọng của nó đã được xác định từ đầu, căn cứ về tình hình địa chính trị cũng như từ cuộc tấn công vào tòa báo Charlie Hebdo vào tháng Giêng. Những bài tập mô phỏng luôn được tổ chức và tất cả các kịch bản đều được tính đến”.

Cũng theo bà Gomez, trước khi diễn ra Olympic mùa Đông Socchi 2014, nước Nga cũng từng bị tấn công song chẳng ai đặt vấn đề về việc hủy bỏ vai trò tổ chức của Nga. Vì thế, không cần phải có “một bước lùi” ở lần này. Sau khi IS nhắm đến Stade de France như là một trong số các mục tiêu bị tấn công vào ngày 13-11 bởi có cuộc đối đầu giữa đội tuyển của hai quốc gia từng tham gia cuộc “Thập tự chinh” là Pháp và Đức, Gomez càng có cơ sở để khẳng định, vào thời điểm đó, Stade de France là “mục tiêu đặc biệt hấp dẫn”.

Với Bộ trưởng Thể thao Thierry Braillard, dù tin tưởng vào việc siết chặt an ninh tại các sân vận động, trung tâm huấn luyện hoặc những khu vực dành cho người hâm mộ nhưng ông vẫn lo ngại khi có hàng trăm nghìn người hâm mộ sẽ đổ về nước Pháp trong tháng 6 và tháng 7-2016. Không chỉ để bảo đảm an toàn thường xuyên và tuyệt đối cho số người này, việc thắt chặt an ninh để những kẻ khủng bố không len lỏi vào người hâm mộ xâm nhập vào Pháp lại là vấn đề khác.

Ở một góc nhìn khác, trong cuộc trả lời phỏng vấn của BBC Panorama, cựu giám đốc An ninh Pháp Pierre Brochand khẳng định, các cuộc tấn công khủng bố là “không thể ngăn cản”, dù đó là “một thất bại lớn trong lĩnh vực tình báo”: “Chúng ta có thể ngăn chặn rất nhiều người trong số những kẻ khủng bố nhưng không thể ngăn chặn tất cả. Nhất là trong một xã hội cởi mở như chúng ta, điều đó càng không thể”.

Với Euro 2016, những lời nói và sự bảo đảm chính trị là không đủ. Liệu ngân sách sẽ tăng lên để bảo đảm an ninh cho các thành phố tổ chức Euro 2016? Liệu những khoản tiền tăng thêm sẽ giúp tăng cường thêm cảnh sát và quân đội hay không? Sẽ có tình trạng “chặn lại và kiểm tra” trên đường phố? Rồi còn hàng loạt câu hỏi về những địa điểm công cộng khác cùng với việc kiểm soát biên giới EU sẽ được tiến hành ra sao?

Đây là những câu hỏi cần có câu trả lời bởi nguy cơ khủng bố đã không còn tiềm ẩn với nước Pháp và cả châu Âu.

NGUYÊN AN

;
.
.
.
.
.