Một số cơ sở kinh doanh như: bar, quán cà-phê, quán nhậu, cửa hàng kinh doanh điện máy… thường mở nhạc với âm thanh lớn gây ồn ào, ảnh hưởng đến người dân xung quanh.
Sau khi có phản ánh về bar Cohibar (đường An Thượng 3, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) mở nhạc gây ồn, đoàn kiểm tra liên ngành của quận Ngũ Hành Sơn đã kiểm tra, đo thì độ ồn trong mức quy định cho phép. |
Nhà sát bên cửa hàng điện máy Cường (số 71 Lý Thái Tổ, phường Thạc Gián, quận Thanh Khê) nên gia đình ông Nguyễn Bình lâu nay bị ảnh hưởng tiếng ồn mỗi khi cửa hàng này có khách thử loa. Theo ông Bình, mặc dù tình trạng này không diễn ra thường xuyên nhưng nhà ông có trẻ sơ sinh nên mỗi khi cơ sở mở loa quá lớn làm cháu giật mình. “Chúng tôi đã phản ánh tình trạng này mỗi khi họp tổ dân phố. Mong cơ quan chức năng có biện pháp nhắc nhở để việc kinh doanh không ảnh hưởng đến cuộc sống của các hộ dân xung quanh”, ông Bình nói.
Tiếng ồn từ việc quán nhậu Thiện Mỹ (số 919 Nguyễn Tất Thành, phường Xuân Hà, quận Thanh Khê) tổ chức cho khách hát karaoke cũng làm các hộ xung quanh bức xúc. “Có hôm quán tổ chức cho khách hát tới 23 giờ, gây ồn ào”, một người dân phản ánh.
Tương tự, quán nhậu số 280 Thăng Long (phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu) và một số bar như: On Radio (số 35 Thái Phiên, phường Phước Ninh, quận Hải Châu), Cohibar (đường An Thượng 3, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn)… cũng bị phản ánh về tình trạng mở nhạc lớn, gây ồn.
Qua ghi nhận của phóng viên đối với các cơ sở nêu trên, việc mở nhạc thường diễn ra vào buổi tối nhưng không thường xuyên, liên tục. Đặc biệt, những trường hợp mà người dân phản ánh đều đã được các cơ quan chức năng kiểm tra và nhắc nhở.
Với cơ sở điện máy Cường, ông Lê Tấn Mới, Tổ trưởng tổ kiểm tra quy tắc đô thị phường Thạc Gián cho biết, khi lực lượng chức năng của phường kiểm tra, chủ cơ sở thừa nhận do địa điểm thử loa của cơ sở ở số 78 Lý Thái Tổ có lúc quá đông khách nên cửa hàng phải tận dụng cho khách thử tại số 71 Lý Thái Tổ và mở loa to. “Chúng tôi đã nhắc nhở và yêu cầu cơ sở chấp hành quy định, không gây tiếng ồn. Cơ sở cũng đã cam kết không để xảy ra việc tương tự”, ông Mới cho biết.
Đối với quán nhậu Thiện Mỹ, UBND phường Xuân Hà cho biết, đã mời chủ quán đến làm việc và yêu cầu chỉ sử dụng âm thanh đến 22 giờ, ở mức vừa phải, không làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của các hộ xung quanh, đồng thời phải bảo đảm an ninh trật tự (ANTT) tại địa điểm kinh doanh.
Đối với quán nhậu 280 Thăng Long và bar On Radio, theo ông Mai Công Nghị, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin (VHTT) quận Hải Châu, lực lượng chức năng của quận đã phối hợp với UBND các phường kiểm tra ngay sau khi có ý kiến phản ánh. “Quán nhậu 280 Thăng Long không tổ chức hát thường xuyên. UBND phường Hòa Cường Nam đã làm việc với chủ quán và đề nghị quán không được mở nhạc, hát karaoke gây ồn và phải bảo đảm vệ sinh môi trường, ANTT. Chủ quán đã cam kết thực hiện. Còn với những điểm kinh doanh thường xuyên gây ồn, khi có phản ánh, đoàn liên ngành sẽ đo độ ồn. Nếu cơ sở vi phạm thì chắc chắn sẽ xử lý nghiêm theo quy định”, ông Nghị cho biết.
Về trường hợp bar Cohibar (đường An Thượng 3, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn), theo ông Đặng Công Đá, Phó phòng VHTT quận Ngũ Hành Sơn, đoàn liên ngành của quận đã kiểm tra và tiến hành đo thì độ ồn trong mức quy định cho phép. Lực lượng chức năng đã nhắc nhở và chủ quán cam kết mở âm thanh bảo đảm theo quy định.
Ông Nguyễn Thanh Tịnh, Chánh Thanh tra Sở Văn hóa - Thể thao cho biết, một số cơ sở kinh doanh điện máy, karaoke, bar và kể cả một số hoạt động biểu diễn nghệ thuật… nằm xen kẽ các khu dân cư nên khi mở nhạc lớn sẽ gây ồn ào, ảnh hưởng đến người dân xung quanh. Qua kiểm tra cho thấy, về cơ bản, các cơ sở đều đã có sự đầu tư nhất định trong việc cách âm. Còn những cơ sở bị người dân phản ánh đều nhanh chóng khắc phục nên tình trạng vi phạm về tiếng ồn giảm rất nhiều.
Cũng theo ông Tịnh, các quán cà-phê nhạc sống, bar… không phải là cơ sở kinh doanh có điều kiện. Pháp luật cũng không cấm các cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa, giải trí sử dụng các thiết bị nghe, nhìn trong hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, chủ các cơ sở này cần tuân thủ và bảo đảm quy định của pháp luật về hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng và môi trường. “Theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18-11-2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn, tùy mức độ vi phạm sẽ bị phạt từ 1 - 160 triệu đồng. Đây là mức phạt khá cao, kèm theo đó là hình phạt bổ sung: buộc cơ sở phải thực hiện giảm thiểu tiếng ồn bảo đảm đúng quy định. Với quy định như vậy, tôi tin rằng các chủ cơ sở kinh doanh sẽ tự ý thức trong việc chấp hành đúng quy định”, ông Tịnh cho hay.
Bài và ảnh: YÊN GIANG