Báo Đà Nẵng nhận được phản ánh của bạn đọc rằng, nhiều bùng binh được bố trí tại các nút giao thông trọng điểm trên địa bàn thành phố có đường kính quá rông, tạo ra những vòng cua lớn, gây khó khăn cho việc lưu thông và dễ xảy ra tai nạn.
Nút bùng binh phía tây cầu Tiên Sơn (thuộc địa bàn quận Hải Châu) là nút giao cắt cùng mức giữa hai tuyến đường lớn với thành phần xe rất phức tạp, sắp tới sẽ được cải tạo bằng cách lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu. |
Các bùng binh ở đầu cầu Tiên Sơn (giao ngã tư đường 2 Tháng 9 - Xô Viết Nghệ Tĩnh, thuộc địa bàn quận Hải Châu); hai nút bùng binh ở bờ tây và bờ đông cầu Trần Thị Lý; nút phía đông cầu Rồng; nút phía bờ đông cầu Sông Hàn (quận Sơn Trà)… đều có đường kính khá lớn. Những nút giao thông này là nơi có nhiều điểm giao cắt, lượng xe tham gia giao thông qua đây khá phức tạp với dòng xe hỗn hợp: xe tải, xe container, xe khách, ô-tô, xe máy…
Ngoài những bùng binh nói trên, ở một số tuyến đường khác như: Lê Đại Hành - Trịnh Đình Thảo - Nguyễn Hữu Thọ; Nguyễn Hữu Thọ - Duy Tân - Lê Đình Lý; Nguyễn Hữu Thọ - Xô Viết Nghệ Tĩnh… cũng tồn tại các bùng binh có đường kính khá lớn. Tại các nút này thường xảy ra tai nạn giao thông (TNGT) trong thời gian qua.
Anh Nguyễn Đức Bình, tài xế lái xe tải làm việc cho Công ty vận tải T. thường xuyên lưu thông qua cầu Tiên Sơn chia sẻ, các bùng binh thiết kế lớn, trong khi các góc cua vào bùng binh nhỏ nên khi cua sẽ rất gấp. Do đó, khi đi qua bùng binh lớn, các lái xe thường phải cua rộng, nhưng do các góc cua vào lại quá gấp nên gây nhiều khó khăn.
Nếu lái xe không quen đường và đi với tốc độ khá nhanh sẽ dễ xảy ra tai nạn, hoặc tông thẳng vào bùng binh. “Theo tôi, nếu để bùng binh lớn như hiện nay thì các góc cua vào bùng binh phải làm rộng ra, hoặc phải điều chỉnh bùng binh nhỏ lại”, anh Bình nói.
Trao đổi về vấn đề này, KTS. Phan Đức Hải, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị thành phố cho hay, các nút giao thông được thiết kế dạng bùng binh (vòng xuyến) đều được các cơ quan chức năng chuyên môn thẩm tra, thẩm định và việc thiết kế này phải được tính toán phù hợp với tiêu chuẩn quy định.
Theo ông Hải, các ý kiến cho rằng việc thiết kế các nút giao thông dạng bùng binh có đường kính quá lớn chỉ là cảm nhận bằng mắt thường.
“Nguyên tắc sử dụng bùng binh bố trí tại các trục giao thông có mặt cắt lớn và các trục có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông đông đúc. Việc bố trí bùng binh có đường kính nhỏ không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, tạo sự xung đột rất lớn cho phương tiện khi lưu thông qua đây.
Việc không bảo đảm bán kính rẽ tối thiểu và giảm tốc độ khi tới vòng xuyến của các loại phương tiện sẽ làm phản tác dụng của nút bùng binh trong việc bảo đảm an toàn giao thông”, ông Hải phân tích.
Chung quan điểm này, ông Nguyễn Ngọc Hoàng, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng cho rằng, khi xây dựng các nút bùng binh đều phải bảo đảm tiêu chuẩn thiết kế theo quy định.
Còn nguyên tắc khi tham gia giao thông qua các bùng binh, các phương tiện phải giảm tốc độ theo đúng quy định, chạy chậm để dễ quan sát. Tuy nhiên, tại các bùng binh thường xảy ra tình trạng va quẹt, TNGT, một phần do một số người dân khi tham gia giao thông thường chạy tốc độ nhanh và không chấp hành đúng quy định.
Trong khi đó, các phương tiện lớn như xe tải, xe container ôm cua vào nút rất dễ gây tai nạn cho người đi xe đạp, xe máy; nguyên nhân là khi vào cua, xe có tải trọng lớn sẽ có một vùng “điểm mù” mà tài xế không thể quan sát được.
Ông Hoàng đơn cử như bùng binh nút phía tây cầu Tiên Sơn (thuộc địa bàn quận Hải Châu), đây là nút giao cắt cùng mức giữa hai tuyến đường lớn với thành phần xe rất phức tạp. Hiện nút này có 8 điểm giao cắt, trong khi đặc điểm của tổ chức giao thông bùng binh là không có các điểm giao cắt nên thực tế bán kính vòng đảo này chưa đủ lớn để có thể triệt tiêu các điểm giao cắt.
“Do đó, phương án đảo tròn như hiện nay không phù hợp trong điều kiện xe hỗn hợp. Cần xóa bùng binh và tổ chức giao thông bằng đèn tín hiệu sẽ hợp lý hơn”, ông Hoàng nói.
Thực tế, Đà Nẵng cũng đã cải tạo nhiều nút từ giao thông bùng binh (không cưỡng bức) thành giao thông bằng đèn tín hiệu (cưỡng bức) và phát huy hiệu quả, góp phần hạn chế TNGT như: nút giao đường Hoàng Thị Loan - Nguyễn Sinh Sắc; nút Hồ Xuân Hương - Ngô Quyền; nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Tri Phương (trước cổng vào sân bay Đà Nẵng), nút Lê Độ - Nguyễn Tri Phương…
Theo Sở Giao thông vận tải, đơn vị đã báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp các nút giao thông trọng điểm trên địa bàn thành phố nhằm hạn chế ùn tắc, giảm nguy cơ TNGT và đã được UBND thành phố đồng ý về chủ trương.
Dự án sẽ cải tạo 17 nút/cụm nút giao thông trọng điểm trên địa bàn, song do điều kiện về nguồn vốn nên sẽ ưu tiên giải quyết trước các nút có sự ùn tắc và nguy cơ TNGT cao nhất. Theo đó, 3 nút cần được ưu tiên cải tạo trước gồm: nút giao thông phía tây cầu Rồng, nút giao Nguyễn Hữu Thọ - Cách mạng Tháng Tám và nút phía tây cầu Tiên Sơn.
Vừa qua, UBND thành phố có Quyết định số 4574/QĐ-UBND phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình cải tạo nút giao thông phía tây cầu Tiên Sơn (địa bàn quận Hải Châu) nhằm bảo đảm an toàn giao thông cho người và phương tiện qua nút, hạn chế tai nạn, ùn tắc giao thông và đồng bộ với mạng lưới giao thông thành phố theo giai đoạn hiện nay. Theo đó, phá dỡ đảo trung tâm và tổ chức giao thông bằng hệ thống đèn tín hiệu điều khiển 3 pha. Tổ chức các làn riêng cho xe tải và xe container từ đường Cách mạng Tháng Tám lên cầu Tiên Sơn và ngược lại; bố trí làn riêng cho ô-tô để bảo đảm an toàn. Mở rộng mặt đường xe chạy; thu hẹp dải phân cách cứng giữa đường dẫn lên cầu và đường gom. Bố trí đảo dẫn hướng tam giác bằng dải phân cách lắp ghép và kết hợp vạch sơn để phân làn xe rẽ phải cho cả 4 hướng; cải tạo, kéo dài dải phân cách các nhánh để phù hợp hình học nút và giảm hành trình qua nút… |
Bài và ảnh: ĐẮC MẠNH