Trên đường phố Đà Nẵng vẫn thấy hình ảnh thùng rác được đặt ngổn ngang, có khi ở dưới lòng đường, gây mất mỹ quan đô thị. Nếu công nhân ngành môi trường chậm thu gom, rác bị tồn đọng, gây ô nhiễm.
Điểm tập kết rác thải nằm ngay khu chung cư 12T1 và 12T2 Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) gây ô nhiễm môi trường. |
Khu đất trống cạnh vỉa hè đường Trần Thánh Tông (đoạn nằm giữa khu chung cư 12T1 và 12T2, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) khá nhếch nhác, hôi thối, ô nhiễm nhưng lâu nay được tận dụng làm điểm đặt thùng tập kết rác thải. Đáng nói là điểm đặt thùng rác này nằm ngay điểm chờ xe buýt, bên cạnh đó còn có 2 khu vui chơi dành cho trẻ em và một sân tập thể dục. Các thùng rác đều cũ, nứt ngang dọc, không có nắp đậy, số rác này thường để qua đêm đến hôm sau mới được thu gom nên nước trong thùng chảy ra có màu đen và bốc mùi hôi thối. Anh Nguyễn Văn Duẩn (trú khu chung cư 12T1) bức xúc: “Ngày nào đi làm về qua đây tôi cũng phải ngửi mùi hôi thối từ đống rác này. Chưa kể buổi tối, những lúc gió thổi, mùi hôi bay khắp khu chung cư, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt của các gia đình. Mong các đơn vị chức năng dời điểm tập kết này đến vị trí phù hợp, hoặc có biện pháp khắc phục”.
Ngoài điểm nói trên, ở địa bàn phường Nại Hiên Đông còn nhiều điểm tập kết rác gây ô nhiễm tương tự nằm trên các tuyến đường lớn như: Dương Vân Nga, Bùi Dương Lịch, Chu Huy Mân…
Trong khi đó, địa bàn các quận trung tâm như Hải Châu, Thanh Khê cũng xảy ra tình trạng tương tự. Đơn cử, tại khu vực sát tường rào bể bơi của Trường tiểu học Lý Công Uẩn (quận Hải Châu) có 3 thùng đựng rác nhưng không khi nào đậy nắp kín. Vì vậy, rác luôn tràn thùng, nước trong thùng rỉ ra đen ngòm và bốc mùi hôi. Hay tại khu vực vỉa hè ngã ba Lê Lợi - Lê Thánh Tôn dù có biển cấm đổ rác nhưng vẫn có một thùng rác lớn được đặt ngay đây, nước cũng rỉ ra có màu đen và bốc mùi hôi.
Trên địa bàn quận Thanh Khê, tại điểm tập kết rác khu vực vòng xoay đường Điện Biên Phủ - Huỳnh Ngọc Huệ, rác cũng bị vứt tràn lan; thậm chí, các thùng rác còn được đặt tràn xuống lòng đường gây cản trở giao thông. Các thùng rác trước số nhà 34 Võ Văn Tần và trước số nhà 305 Trần Cao Vân… cũng luôn đầy ắp, bốc mùi hôi. Chị Nguyễn Thị Mỹ Ánh (nhà ở đường Trần Cao Vân) bày tỏ: “Không thể để tình trạng thùng rác đặt dưới lòng đường. Các tuyến đường ở trung tâm thành phố vốn hẹp, phương tiện lưu thông lại đông đúc; việc đặt thùng rác như vậy hoàn toàn không hợp lý, gây mất mỹ quan đô thị”.
Trên địa bàn các quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn, đặc biệt là các tuyến đường có đông khách du lịch như Phạm Văn Đồng, Hồ Nghinh, Dương Đình Nghệ, Loseby, Lê Minh Trung… cũng không ngoại lệ. Có nhiều điểm đặt thùng rác dọc các tuyến đường này, nhưng hầu hết thùng rác thường xuyên đầy ắp và đặt hẳn xuống lòng đường, vừa cản trở giao thông, vừa gây ô nhiễm môi trường.
Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Văn Tiên, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng cho biết, năm nay, mỗi ngày công ty thu gom khoảng 900 tấn rác thải (tăng thêm 10% so với năm ngoái). Bình quân mỗi công nhân đảm nhiệm thu gom rác của khoảng hơn 1.000 hộ dân. Theo ông Tiên, mặc dù phía các đơn vị đã nỗ lực tăng công suất thu gom, vận chuyển ở mức tối đa nhưng lượng rác quá nhiều nên số rác chờ (chưa kịp thu gom) vẫn tồn tại, gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan đô thị. Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân là ý thức của một bộ phận người dân chưa cao, không đổ rác đúng nơi quy định nên còn tình trạng rác vương vãi một số nơi.
Ông Tiên cũng cho biết, các điểm tập kết rác thải tạm thời ở mỗi quận, huyện hiện nay do từng địa phương đưa ra, chứ công ty không tự ý chọn nơi tập kết.
Để khắc phục tình trạng này, Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng đã đề nghị thành phố phê duyệt xây dựng trạm xử lý rác thải kín với công suất 200-260 tấn/ngày; đồng thời sẽ đầu tư thêm các loại xe cơ giới (loại 800kg) để chạy vào các kiệt, hẻm lấy rác nhằm dần xóa bỏ các điểm tập kết rác tự phát và các điểm nâng rác. “Khi thành phố đồng ý phê duyệt chủ trương này, trước mắt trên toàn bộ địa bàn quận Hải Châu sẽ không còn điểm nâng rác, đồng thời chúng tôi tiếp tục cải tiến công nghệ thu gom rác, góp phần giảm tới mức thấp nhất tình trạng ô nhiễm môi trường. Cùng với đó, chúng tôi đã lên phương án thu rác theo giờ cho từng địa phương và đang chờ các quận, huyện phê duyệt. Khi các phương án này được đưa vào thực hiện, tình trạng này sẽ cơ bản được giải quyết”, ông Tiên nhấn mạnh.
Liên quan phản ánh của người dân về tình trạng một số công nhân gom rác trên địa bàn thành phố có thái độ, hành vi vòi vĩnh tiền bồi dưỡng, đi gom rác không gõ kẻng, phát ngôn chưa chuẩn mực…, mới đây, Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng đã có Thông báo số 208/TB-MTĐT nhằm chấn chỉnh thái độ phục vụ của công nhân. Theo đó, Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng cấm công nhân thu gom rác có hành vi đòi tiền bồi dưỡng hoặc gây khó khăn cho người dân đổ rác dẫn đến người dân phải bồi dưỡng mới thu gom rác. Đối với người dân đổ rác không thuộc danh mục các loại rác được giao nhiệm vụ (như xà bần) thì phải giải thích để người dân hiểu. Nếu rác thải là cành lá cây phát sinh từ việc người dân chặt tỉa trong nhà với số lượng lớn thì yêu cầu người dân tỉa gọn và phụ công nhân đưa lên phương tiện chuyển chở. Nếu rác thải cành cây với số lượng nhiều hoặc rác thải là vật cồng kềnh thì hướng dẫn người dân liên hệ với Văn phòng Xí nghiệp môi trường để được tư vấn cách gom. |
Bài và ảnh: ĐẮC MẠNH