Theo thống kê của Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng, trung bình mỗi ngày, thành phố thu gom khoảng 900 tấn rác, đạt 95%. Tuy nhiên, hiện có khá nhiều khu vực, kiệt, hẻm, điểm tập kết rác ô nhiễm nghiêm trọng do công tác thu gom hằng ngày chưa bảo đảm.
Rác vứt bừa bãi trên vỉa hè đường Chu Huy Mân, phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà), nhiều ngày không thu dọn, gây ô nhiễm môi trường. |
Dạo một vòng quanh các tuyến đường trên địa bàn thành phố như: Trưng Nữ Vương, Nguyễn Tri Phương, Lê Thanh Nghị (quận Hải Châu), Trần Cao Vân (quận Thanh Khê), Võ An Ninh (quận Cẩm Lệ)…, có thể thấy số lượng thùng đựng rác tại các điểm tập kết khá ít so với lượng rác thải tại các khu dân cư (KDC) nên rác tràn thùng, hoặc bị vứt lăn lóc dưới đường...
Chưa kể, các thùng đựng rác thường đặt lộ thiên, không có nắp đậy, khiến mùi hôi dễ phát tán. Những khi mưa lớn, nước từ các điểm tập kết rác chảy lênh láng trông nhếch nhác, gây ô nhiễm môi trường.
Anh Nguyễn Mạnh Tuấn (sống tại khu gia đình quân nhân Sư đoàn 372, phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu) phản ánh, khi chưa đặt các thùng rác tại khu vực này, người dân tự mang rác ra các điểm tập kết xa hơn để đổ nên không có tình trạng vứt rác bừa bãi tại KDC.
Nay có điểm đổ rác nhưng khu này mất vệ sinh do số lượng thùng rác còn khá ít so với nhu cầu của người dân.
“Nơi đây hiện đặt 4 thùng đựng rác nhưng lượng rác thải sinh hoạt hằng ngày lớn, thùng rác mau đầy nên người dân phải vứt rác ra ngoài thùng khá nhiều. Theo tôi, cơ quan chức năng cần đặt thêm thùng rác, hoặc rút ngắn khoảng thời gian giữa hai lần thu gom để rác khỏi dồn ứ gây ô nhiễm, đồng thời lực lượng công nhân vệ sinh cũng cần tích cực hơn nữa trong việc thu gom”, anh Tuấn nói.
Trên đường Nguyễn Tri Phương, đoạn gần ngã ba Nguyễn Tri Phương - Trưng Nữ Vương (quận Hải Châu), cũng đặt khoảng 3 thùng đựng rác, nhưng rác luôn tràn thùng. Cách đó một đoạn, trên đường Trưng Nữ Vương, các thùng đựng rác cũng luôn đầy ắp nên rác ngổn ngang bên ngoài thùng.
Trên đường Tiểu La, đoạn gần ngã tư Tiểu La - Núi Thành (quận Hải Châu), có 2 điểm tập kết rác cách nhau khoảng hơn 50m, mỗi điểm đặt khoảng 4 thùng đựng rác. Tuy không xảy ra tình trạng rác tràn thùng nhưng khu vực này luôn có mùi hôi nồng nặc, ngay cả khi rác đã được thu gom và vận chuyển đi.
Được biết, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 40 điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt, tập trung ở các địa bàn nội thị gồm quận: Sơn Trà, Hải Châu, Thanh Khê… Theo quy định, những thùng thu gom rác tập kết tại các điểm này phải được che phủ bằng bạt cẩn thận, sau khoảng 2 giờ đồng hồ sẽ được xe chuyên dụng vận chuyển đến nơi xử lý. Tuy nhiên, không phải điểm tập kết rác nào cũng được che phủ bạt theo đúng quy định về vệ sinh môi trường.
Tại các KDC, tình trạng “rác chờ” (không được thu gom trong ngày) còn khá phổ biến. Đơn cử, ở khu vực quận Sơn Trà, hiện vẫn còn khoảng 20 điểm (trước đây là 50 điểm) tập kết rác chờ trung chuyển; chưa tính 37 điểm tập kết khác có từ 10-20 thùng rác/điểm mỗi ngày, tập trung chủ yếu ở các phường: Mân Thái, Thọ Quang, Nại Hiên Đông.
Giám đốc Xí nghiệp Môi trường đô thị quận Sơn Trà Nguyễn Phước Nhiên cho biết, mỗi ngày, xí nghiệp thu gom khoảng 160 tấn rác thải nhưng do số lượng xe lẫn công nhân thu gom còn thiếu nên tình trạng “rác chờ” vẫn tồn tại và chưa có hướng giải quyết dứt điểm.
Để nâng cao chất lượng thu gom rác thải sinh hoạt, ngay sau khi được cổ phần hóa năm 2016, Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng trang bị thêm 3.500 thùng rác 240 lít và 400 thùng rác 660 lít, thay thế những thùng rác đã hỏng.
Đồng thời, để thuận tiện thu gom rác trong kiệt, hẻm rộng từ 3-5m, đơn vị mua 4 xe tải loại dưới 1 tấn và 15 xe ba gác điện. Riêng năm 2017, đơn vị tiếp tục đưa vào sử dụng 4 xe ép rác loại 4,5 tấn, 1.000 thùng rác 240 lít, 200 thùng rác 660 lít, 100 xe thu rác loại 3 bánh có dung tích thùng 660 lít… Tuy nhiên, tình trạng rác thải sinh hoạt tại các KDC bị dồn ứ, để qua đêm chưa được chuyển đi vẫn thường xuyên diễn ra.
Ông Đặng Đức Vũ, Tổng Giám đốc Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng cho biết, bên cạnh việc duy trì trạm xử lý rác thải kín trên đường Nguyễn Đức Trung (quận Thanh Khê), đơn vị đã đề nghị thành phố phê duyệt trạm xử lý rác thải kín trên đường Lê Thanh Nghị với công suất từ 200-240 tấn/ngày để xử lý một phần lượng rác thải từ các quận Hải Châu, Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn, giảm quá tải cho bãi rác Khánh Sơn. Bên cạnh đó, trong tương lai, thành phố cần quy hoạch các vị trí tập kết rác thải tạm thời trước khi rác được chuyển đến nơi xử lý.
Bài và ảnh: HUỲNH LÊ