Bất cập xử lý rác thải xây dựng

.

Rác thải xây dựng (giá hạ, xà bần) tràn lan trên địa bàn thành phố suốt thời gian dài gây ô nhiễm môi trường và làm mất mỹ quan đô thị. Chính quyền các quận, huyện và cơ quan chức năng thành phố đã có nhiều giải pháp xử lý tình trạng này nhưng vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm.

Rác thải xây dựng đổ tràn lan trên địa bàn phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu.
Rác thải xây dựng đổ tràn lan trên địa bàn phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu.

Rác thải xây dựng khắp nơi

Địa bàn phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu) rộng gần 7,9km2. Việc nhiều dự án khu dân cư được triển khai dẫn đến xuất hiện nhiều lô đất trống, tình trạng đổ rác thải xây dựng theo đó diễn ra thường xuyên, gây khó cho công tác quản lý của chính quyền địa phương.

“Trên địa bàn phường hiện có nhiều điểm “nóng” về giá hạ, xà bần đổ tràn lan, gây ô nhiễm môi trường, làm mất mỹ quan đô thị như: khu vực cầu vượt ngã ba Huế, đường Khu tái định cư số 7 - Tây Bắc (bên cạnh Bệnh viện Ung bướu), Khu số 6  - Tây Bắc, Khu số 1 - Tây Bắc (gần cầu vượt Ngô Sĩ Liên), Khu đô thị Phước Lý, các lô đất trống khu vực dự án Thái Bình Dương, các lô đất trống thuộc dự án phía tây Nguyễn Huy Tưởng, khu đất trống thuộc Công ty Phương Trang…

Địa bàn phường rộng, nhân lực chính quyền địa phương mỏng nên khó có thể kiểm soát hết”, bà Phạm Thị Như Hồng, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Minh cho biết.

Theo ông Nguyễn Văn Hữu, Phó Chủ tịch UBND phường An Hải Bắc (quận Sơn Trà), địa bàn phường hiện có 3 điểm xả thải xây dựng gây bức xúc, đó là điểm bên cạnh Nhà khách Sông Thu, điểm trên đường Đỗ Anh Hàn - đoạn hồ Đài phát sóng An Hải và điểm trên đường Vương Thừa Vũ.

“Đường Đỗ Anh Hàn là điểm “nóng” về rác thải xây dựng. Phường đã tốn nhiều công sức, thời gian và tiền của để dọn dẹp, đóng bảng tuyên truyền, lắp camera giám sát, nhưng đến nay vẫn không thể chấm dứt tình trạng đổ trộm giá hạ, xà bần và rác thải sinh hoạt”, ông Hữu nói.

Cần giải pháp căn cơ

Theo bà Phạm Thị Như Hồng, bên cạnh các biện pháp kiểm tra, giám sát, xử lý và tổ chức dọn dẹp các điểm phát sinh ô nhiễm do giá hạ, xà bần, UBND phường Hòa Minh tăng cường tuyên truyền người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, đổ rác thải đúng nơi quy định. Tuy nhiên, bà Hồng thừa nhận thực tế những biện pháp này ít mang lại hiệu quả về lâu dài.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hữu cho rằng, ngoài các biện pháp tuyên truyền, tuần tra, kiểm soát và xử lý những người vi phạm, cần có sự chung tay, phối hợp giữa các địa phương, các ngành liên quan. Một mặt, cần nâng cao ý thức của người dân nhằm tạo thói quen đổ rác thải đúng quy định; mặt khác, thành phố cũng cần có các giải pháp quy hoạch điểm tập kết (trung chuyển) rác thải xây dựng.

Bên cạnh đó, đối với các lô đất trống, khu đất trống, thành phố cần đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, chỉnh trang đô thị và có chế tài cụ thể đối với các chủ dự án, đơn vị quản lý đất trống nếu chậm triển khai và không bảo đảm trong việc quản lý đất.

Đại diện Phòng Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) quận Sơn Trà cho biết, chưa có giải pháp xử lý hiệu quả đối với vấn đề ô nhiễm môi trường tại các lô đất trống, công tác quản lý các lô đất trống vẫn còn nhiều bất cập.

Hiện trên địa bàn quận Sơn Trà chưa có điểm tập kết xà bần, giá hạ. Mới đây, UBND thành phố có công văn thống nhất đề xuất của Sở Xây dựng về việc sử dụng tạm khu đất trên 1.000m2 tại khu vực phía bắc trụ sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn trên sông (đường Vân Đồn, quận Sơn Trà) để làm điểm tập kết, trung chuyển xà bần, giá hạ theo chủ trương của thành phố.

Theo đó, giao Sở TN-MT chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố bàn giao khu đất nói trên cho UBND quận Sơn Trà sử dụng tạm làm nơi tập kết, trung chuyển xà bần, giá hạ trên địa bàn quận; có phương án rào chắn để bảo đảm vệ sinh môi trường, mỹ quan khu vực. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa hoàn tất thủ tục giao đất.

Theo ông Lê Duy Hòa, Trưởng phòng TN-MT quận Liên Chiểu, hằng năm quận dành hơn 300 triệu đồng để tổ chức dọn dẹp rác thải xây dựng tràn lan; đồng thời thường xuyên tuần tra, kiểm soát, xử phạt đối tượng đổ thải trộm... nhưng không thể xử lý dứt điểm. Ông Hòa đề cập 48.000 lô đất trống hiện tồn tại trên địa bàn quận là điều thuận lợi dẫn đến tình trạng đổ rác thải xây dựng tràn lan.

Ông Hòa cho rằng, giải pháp căn cơ là phải xử lý từ đầu nguồn xả thải. “Theo tôi, khi người dân xin giấy phép xây dựng (hoặc cải tạo, sửa chữa nhà), cơ quan chức năng cần đề nghị các hộ cam kết phải xử lý dứt điểm rác thải xây dựng phát sinh thì mới cấp phép. Đồng thời, phải có điểm tập trung hợp lý để người dân đổ thải và có chế tài nghiêm đối với những người đổ thải sai quy định”, ông Hòa nói.

Bài và ảnh: TRỌNG HUY

;
.
.
.
.
.
.