Báo Đà Nẵng tiếp nhận ý kiến của bạn đọc thắc mắc về việc UBND quận Thanh Khê triển khai kế hoạch mua sắm bàn ghế cho học sinh đầu cấp (cấp tiểu học và THCS) chậm so với yêu cầu. Ngoài ra, có thông tin cho rằng, một số trường THCS trên địa bàn quận trang bị bàn ghế cho năm học mới 2018-2019 theo kích thước dành cho học sinh tiểu học (?).
Trong mỗi phòng học của trường phổ thông có thể trang bị nhiều cỡ bàn ghế khác nhau tương ứng với chiều cao của học sinh (ảnh mang tính minh họa). Ảnh: PHƯƠNG TRÀ |
Trả lời thắc mắc này, UBND quận Thanh Khê cho biết, ngày 15-8-2018, UBND quận ban hành Quyết định số 9428/QĐ-UBND về “phê duyệt dự toán mua sắm bàn ghế học sinh tiểu học năm 2018”. Trên cơ sở dự thảo hồ sơ mời thầu, UBND quận ký Tờ trình số 110/TTr-UBND về việc “phê duyệt dự toán, kế hoạch lựa chọn nhà thầu” và hồ sơ mời thầu gói thầu “Mua sắm bàn ghế học sinh tiểu học năm 2018” gửi Sở Tài chính thẩm định phê duyệt.
UBND quận chờ kết quả phê duyệt dự toán, kế hoạch lựa chọn nhà thầu và hồ sơ mời thầu; khi có kết quả sẽ triển khai các bước tiếp theo về đấu thầu theo quy định.
Theo UBND quận Thanh Khê, trong quá trình triển khai thực hiện việc mua sắm bàn ghế không có vướng mắc về thủ tục hoặc quy trình. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên triển khai mua sắm theo Luật Đấu thầu, Luật Quản lý sử dụng tài sản công, đòi hỏi phải nghiên cứu để tổ chức thực hiện nên tiến độ chậm so với yêu cầu.
Liên quan thông tin một số trường THCS trang bị bàn ghế dành cho học sinh tiểu học, UBND quận Thanh Khê cho hay, Thông tư liên tịch số 26/2011/TTLT-BGDĐT-BKHCN-BYT quy định 6 cỡ bàn ghế tương ứng với chiều cao của học sinh; cụ thể, học sinh cao từ 130-144cm dùng bàn cỡ IV; học sinh cao từ 145-159cm dùng bàn cỡ V; học sinh cao từ 160-175cm dùng bàn cỡ VI…
Theo đó, việc trang bị bàn ghế cho năm học 2018-2019 nhằm bảo đảm mỗi trường có tối thiểu 2 cỡ bàn ghế.
Ngày 6-3-2017, Phòng GD-ĐT quận có Công văn số 244 về khảo sát lấy ý kiến hiệu trưởng các trường trên địa bàn nhằm thực hiện chuẩn hóa bàn ghế học sinh; qua đó, hầu hết các trường chọn phương án: cỡ IV (lớp 1) và cỡ V (lớp 6).
Từ đó, Phòng GD-ĐT quận tham mưu UBND quận thực hiện dự án cung cấp bàn ghế đúng chuẩn: học sinh lớp 1 sử dụng bàn ghế cỡ IV và lớp 6 sử dụng bàn ghế cỡ V
Theo UBND quận Thanh Khê, thực tế tại các trường THCS, phòng học lớp 6 dùng chung với phòng học lớp 7 nên có sự bất cập trong việc sử dụng bàn ghế phù hợp với học sinh.
Để khắc phục điều này, UBND quận đã đề nghị các trường khảo sát, căn cứ số học sinh có chiều cao vượt trội để bố trí 1-2 dãy bàn ghế cỡ lớn (đã được sửa chữa trong dịp hè); sắp xếp học sinh ngồi từ cao đến thấp, từ ngoài vào trong...
Thầy Trần Công Mỹ, Hiệu trưởng Trường THCS Phan Đình Phùng (quận Thanh Khê) cho biết, số lượng bàn ghế tại trường cơ bản bảo đảm về số lượng và kích thước. Mặc dù kích thước các bộ bàn ghế chênh lệch nhau đôi chút nhưng không đáng kể và đều phù hợp với đa số học sinh.
“Riêng đối với khối lớp 6-7, năm học vừa qua, trường đã được đầu tư trang bị bàn ghế mới, bảo đảm đúng kích cỡ quy định của Thông tư liên tịch số 26/2011. Đối với học sinh khối lớp 8-9 vẫn sử dụng bàn ghế cũ từ các năm trước nhưng kích cỡ khác chứ không cùng kích cỡ của học sinh khối lớp 6-7 và tất nhiên vẫn bảo đảm quy định”, thầy Mỹ cho biết.
Theo thầy Phạm Minh Phúc, Hiệu trưởng Trường THCS Đỗ Đăng Tuyển (quận Thanh Khê), qua khảo sát thực tế của trường, đa số các em ngồi bàn ghế kích thước cỡ V là tương đối phù hợp theo tiêu chuẩn và quy định.
Chỉ một số ít học sinh không phù hợp với các cỡ bàn ghế hiện tại, nhưng trong điều kiện chưa thể cung cấp bàn đúng cỡ cho từng em thì điều này cần được từng bước khắc phục.
Ông Nguyễn Đình Vĩnh, Giám đốc Sở GD&ĐT xác nhận, trong mỗi phòng học của trường phổ thông có thể trang bị nhiều cỡ bàn ghế khác nhau tương ứng với chiều cao của học sinh, theo Thông tư liên tịch số 26/2011.
Ông Vĩnh cho biết, đối với các phòng học xây dựng trước đây có diện tích nhỏ (dưới 50m2), số lượng học sinh từ 35-40 em/lớp, việc áp dụng kích cỡ bàn ghế theo quy định tại thông tư nói trên chưa phù hợp, ghế ngồi thấp so với chiều cao học sinh.
Đối với trường xây mới kích thước phòng học bảo đảm (8,1m x 8,3m), cần xem xét lại chiều cao bàn, ghế để bảo đảm học sinh ngồi đúng tư thế, không bó gối.
Do vậy, theo ông Nguyễn Đình Vĩnh, việc áp dụng chiều cao và chiều sâu bàn ghế theo Thông tư liên tịch số 26/2011 hiện nay tại các trường chưa phù hợp với tình hình thực tế. Sở GD-ĐT đã hướng dẫn các đơn vị vận dụng Thông tư liên tịch số 26/2011 và có điều chỉnh chiều cao, chiều sâu của bàn ghế cho phù hợp với phòng học hiện có của các trường.
ĐẮC MẠNH