Cẩn trọng mua đất trồng cây lâu năm

.

Do không nắm rõ thủ tục, quy định của Nhà nước về việc chuyển mục đích sử dụng đất, một phần vì ham rẻ nên nhiều người dễ bị mắc bẫy “cò” khi mua các loại đất trồng cây lâu năm, đất trồng cây hằng năm, đất nông nghiệp ở các xã thuộc huyện Hòa Vang.

Đất trồng cây lâu năm ở các xã thuộc huyện Hòa Vang được bán với giá rẻ kèm theo lời hứa của “cò” rằng sẽ chuyển mục đích sang đất ở khiến nhiều người dễ bị “sập bẫy”.
Đất trồng cây lâu năm ở các xã thuộc huyện Hòa Vang được bán với giá rẻ kèm theo lời hứa của “cò” rằng sẽ chuyển mục đích sang đất ở khiến nhiều người dễ bị “sập bẫy”.

Nhận quả đắng

Nghe lời “cò đất”, năm 2018, ông N.H.Q (trú quận Thanh Khê) lên thôn 5 (xã Hòa Ninh) mua gần 1.000m2 đất nông nghiệp với mong muốn sau này chuyển mục đích sử dụng sang đất ở. Ban đầu, “cò” hứa hẹn sẽ “nâng cấp” thành đất ở, nhưng sau thời gian chờ đợi, ông Q. được “cò” báo lại rằng chưa thể chuyển mục đích sang đất ở, phải chờ thời gian nữa.

Sau vụ mua đất này, ông Q. chỉ biết tặc lưỡi: “Không biết đến bao giờ mới chuyển mục đích sử dụng sang đất ở được, chứ trước mắt “đổ” hơn 500 triệu đồng vào đây rồi. Khổ nỗi muốn xây nhà cũng không được, còn bán thì không ai mua”.

Cũng vì ham giá rẻ, thông qua “cò” đất, anh N.H.Đ (trú quận Hải Châu) bỏ ra gần 3 tỷ đồng mua 1,5ha đất trồng cây lâu năm ở thôn Thạch Nham Tây (xã Hòa Nhơn) nhằm chuyển mục đích sang đất ở, phân lô bán nền cho công nhân làm nhà.

Hơn 2 tháng anh Đ. gõ cửa nhiều cơ quan chức năng ở huyện Hòa Vang và các cơ quan chức năng thành phố xin chuyển mục đích sử dụng đất trồng cây lâu năm sang đất ở cho khu đất đã mua nhưng không được chấp nhận. Sợ để đất trống hoang phí, vừa qua anh Đ. trồng các loại cây ăn quả, đào ao nuôi cá...

“Một phần vì “cò” hứa hẹn chắc nịch, một phần nghe một số người nói rằng đất trồng cây lâu năm không nằm trong quy hoạch vẫn chuyển được mục đích, vả lại lô đất này giá rẻ nên vợ chồng tôi mới đầu tư. Ai ngờ...”, anh Đ. kể.

Theo tìm hiểu, tình trạng rao bán đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm, đất trồng cây hằng năm thời gian qua diễn ra khá nhiều ở các xã như: Hòa Bắc, Hòa Liên, Hòa Phước, Hòa Phú... thuộc huyện Hòa Vang.

Một “cò” đất chuyên hoạt động ở địa bàn xã Hòa Ninh cho biết, thường các loại đất này có diện tích lớn và giá rẻ hơn rất nhiều so với đất ở nên thu hút nhiều người tìm mua với mục đích làm nhà vườn, khu nghỉ mát, trang trại... Nhưng loại đất này rất khó xin phép xây dựng nhà ở hay chuyển mục đích sang đất ở, nên khi lỡ mua rồi thì chấp nhận “ngậm bồ hòn làm ngọt”.

Cần tìm hiểu kỹ trước khi mua

Theo ông Thái Văn Hoài Nam, Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc, việc mua bán đất đai là quan hệ dân sự giữa hai bên mua và bán. Sau khi giao dịch và thông qua việc công chứng, người dân mang hồ sơ đến văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất để làm thủ tục sang tên, đổi chủ. Nghĩa là việc giao dịch mua bán không liên quan gì đến chính quyền địa phương. Còn theo quy định, việc chuyển đổi mục đích các loại đất này sang đất ở là không thực hiện được.

Còn ông Lê Đức Thương, Chủ tịch UBND xã Hòa Ninh cho biết, chính quyền địa phương phổ biến rộng rãi để người dân biết các quy định của Nhà nước về đất đai. Vì thế, người dân địa phương không mua đất trồng cây lâu năm, trồng cây hằng năm, đất nông nghiệp, vì không chuyển mục đích sang đất ở được, không xây dựng nhà cửa được.

Cũng theo ông Thương, hầu hết người mua những loại đất nói trên đến từ các địa phương khác trong và ngoài thành phố Đà Nẵng. Bởi thế, chính quyền địa phương không thể quản lý hoặc ngăn cấm việc mua bán, vì đây là giao dịch dân sự.

Trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng, ông Lê Đức Toại, Trưởng phòng Tài nguyên-Môi trường huyện Hòa Vang cho hay, lâu nay, UBND thành phố không cho phép chuyển mục đích sử dụng các loại đất trồng cây lâu năm, trồng cây hằng năm, đất nông nghiệp ở các xã trên địa bàn huyện Hòa Vang sang đất ở.

Cá nhân, hộ gia đình được cấp các loại đất này phải sử dụng đúng mục đích đã được cấp sổ đỏ. UBND huyện Hòa Vang cũng đã có thông báo gửi các xã trên địa bàn về những quy định này. Vì thế, người mua đất cần tìm hiểu kỹ các quy định Nhà nước để tránh tình trạng bị “cò” dụ dỗ, lừa, rơi vào cảnh “tiền mất tật mang”.

Bài và ảnh: PHƯƠNG CHI

;
;
.
.
.
.
.