Cây xanh cháy nắng, phát triển èo uột

.

Nắng nóng kéo dài trên nền nhiệt độ cao khiến không ít cây xanh đô thị có hiện tượng cháy nắng, phát triển èo uột. Trong khi đó, một số cây xanh trong danh mục nguy hiểm, cần chặt hạ thay thế, hoặc đã chết vẫn chưa được thay thế nhằm tạo cảnh quan đẹp và đồng bộ hơn.  

Cây sao đen trước Trung tâm Hội chợ - Triển lãm thành phố héo úa vì nắng nóng.
Cây sao đen trước Trung tâm Hội chợ - Triển lãm thành phố héo úa vì nắng nóng.

Theo khảo sát của phóng viên, hàng cây sao đen gần Trung tâm Hội chợ Triển lãm Đà Nẵng, đường Cách mạng Tháng Tám (quận Cẩm Lệ) đang có hiện tượng chết héo do nắng nóng kéo dài. Tại đây, gần 10 cây sao đen cao gần chục mét lá từ xanh đã chuyển sang vàng úa, trong đó không ít cây lá rụng gần hết, phơi ra thân èo uột, khô héo.

Trên các tuyến đường Phan Bá Vành, Nguyễn Đình Hoàn (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà), một số cây phượng có hiện tượng nghiêng gốc, hư hại, cháy xém do người dân đốt rác dưới gốc cây.
Trước số nhà 227 Hải Phòng (phường Tân Chính, quận Thanh Khê), cây xanh chết, đã nhổ bỏ gốc gần nửa năm nay vẫn chưa được thay thế cây mới. Khu vực gốc cây cũ giờ trở thành nơi đặt bao rác của một số hộ dân trong khu vực.

Trong khi đó, cây phượng trước số nhà 119b Nguyễn Chí Thanh (phường Hải Châu 1, quận Hải Châu) có hiện tượng mục gốc, có thể ngã đổ bất cứ lúc nào. Ông Dương Phước Đức sống tại đây cho biết, năm 2018, khi phát hiện cây phượng có biểu hiện mục gốc, dễ ngã đổ, ông báo với cơ quan chức năng đề nghị thay thế.

Đến ngày 24-5 vừa qua, Sở Xây dựng có Công văn số 3371/UBND-SXD nêu rõ đây là cây nguy hiểm được đưa vào danh sách chặt hạ, thay thế trước mùa mưa bão. Tuy nhiên, cơ quan chức năng hiện vẫn chưa tiến hành chặt hạ, thay mới, dù mùa mưa bão cận kề.

Ngoài thời tiết nắng nóng, nguyên nhân khiến một số cây xanh đô thị héo úa, nghiêng ngả, rải đều trên các tuyến đường. Theo quy trình, sau khi phát hiện cây xanh đô thị chết, chính quyền địa phương nắm tình hình, báo với Công ty Công viên- Cây xanh Đà Nẵng để có phương án thay thế, trồng mới. Tuy nhiên, không hiểu vì sao một số cây xanh trong danh mục nguy hiểm, cần chặt hạ thay thế, hoặc đã chết như đề cập ở trên vẫn chưa được thay thế nhằm tạo cảnh quan đẹp, đồng bộ hơn.  

Bà Diệp Ái Trân, Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty Công viên- Cây xanh Đà Nẵng cho biết, thời tiết nắng nóng ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sinh trưởng, phát triển của cây xanh đô thị, nhất là những cây mới trồng vài năm trở lại đây trên các tuyến phố mới.

Thông thường sau một thời gian trồng, bổ sung cây mới, đơn vị sẽ tổ chức kiểm tra, rà soát lại; nếu nhận thấy cây chết hoặc ngã đổ, công ty sẽ có biện pháp trồng thay thế. Theo bà Trân, công ty rất cần sự phối hợp của các phường, quận trong việc giám sát sự phát triển của cây xanh trên địa bàn, từ đó nhanh chóng thông báo đến cơ quan chức năng có phương án cứu hộ cây xanh nếu xảy ra những vấn đề như héo úa, ngã đổ…

Theo bà Nguyễn Thị Quỳnh Diễm, Phó Giám đốc phụ trách Công ty Công viên - cây xanh Đà Nẵng, công ty đang khẩn trương phân công lực lượng cắt tỉa, chăm sóc cây trước mùa mưa để bảo đảm hành lang an toàn lưới điện, hạn chế cây xanh bị ngã đổ khi có gió bão.

Trong khi thời tiết còn nắng nóng, ngay sau khi cắt cành, công nhân sẽ bổ sung dưỡng chất cho cây ngay tại vị trí cắt để bảo đảm cây không bị chảy nhựa nhiều, dẫn đến suy kiệt. Trong quá trình cắt tỉa, nếu phát hiện cây xanh chết, phát triển èo uột, cần thay thế, đội ngũ công nhân sẽ có trách nhiệm báo cáo với lãnh đạo công ty để lên phương án chăm sóc nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho cây.

Bài và ảnh: HUỲNH LÊ

;
;
.
.
.
.
.