'Chợ cóc' lấn vỉa hè, lòng đường

.

Tình trạng buôn bán lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, hình thành “chợ cóc” vẫn xảy ra ở các tuyến đường xung quanh những chợ chính trên địa bàn Đà Nẵng nhưng chính quyền địa phương khó xử lý triệt để.

Tuyến đường Tống Duy Tân (cạnh chợ Hòa Mỹ, Liên Chiểu) cũng thường xuyên bị lấn chiếm vỉa hè và cả lòng đường (ảnh chụp sáng 26-8).
Tuyến đường Tống Duy Tân (cạnh chợ Hòa Mỹ, Liên Chiểu) cũng thường xuyên bị lấn chiếm vỉa hè và cả lòng đường (ảnh chụp sáng 26-8).

“Trách nhiệm của phường”

Liên tiếp nhiều ngày khảo sát, phóng viên ghi nhận tình trạng buôn bán lấn chiếm vỉa hè, lòng đường ở khu vực quanh chợ Hòa An (phường Hòa An, quận Cẩm Lệ), chợ Hòa Mỹ (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu), chợ Thanh Khê 1 (phường Hòa Khê, quận Thanh Khê), chợ tự phát trên đường Võ Văn Tần (phường Chính Gián, quận Thanh Khê)... Các hộ buôn bán rau, củ quả, trái cây, tôm, cá... tự ý bày hàng hóa lấn toàn bộ vỉa hè, tràn cả xuống lòng đường, tự hình thành “chợ cóc” cạnh những chợ chính. Dù, bạt che lộn xộn; xe máy để ngổn ngang, lấn chiếm lòng đường. Nước thải từ các hàng hải sản hôi tanh chảy ra khắp mặt đường…

Tại đường Hòa An 1, Hòa An 2 (cạnh chợ Hòa An), vào các buổi sáng, người dân chiếm dụng hai tuyến đường này để bày hàng hóa, xe máy dựng chiếm hơn nửa lòng đường. Tại đường Võ Văn Tần và khu vực góc đường Võ Văn Tần - Hải Phòng, chợ tự phát luôn gây tình trạng lộn xộn, ùn tắc giao thông.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra thường xuyên trên hai tuyến đường Tống Duy Tân và Nguyễn Viết Xuân (cạnh chợ Hòa Mỹ). Còn ở chợ Thanh Khê 1, do không còn vị trí bố trí trong chợ nên các hộ tự lấn chiếm toàn bộ lòng đường kiệt 123 Cù Chính Lan (bên hông chợ) để buôn bán. Nước thải từ các hộ buôn bán cá, tôm... dọc kiệt này cũng thường xuyên chảy ra khắp mặt đường kiệt kéo dài hơn 100m, có mùi hôi tanh.

Ông Võ Thiên Sinh, Phó Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ cho biết, quận giao nhiệm vụ cho các phường trên địa bàn quản lý về trật tự đô thị; lãnh đạo các phường phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng lấn chiếm vỉa hè và lòng đường làm nơi buôn bán.

Ông Trần Tấn Lực, Đội trưởng Đội kiểm tra quy tắc đô thị (QTĐT) quận Thanh Khê và ông Nguyễn Đây, Đội trưởng Đội kiểm tra QTĐT quận Liên Chiểu cũng khẳng định, đối với các tuyến đường có “chợ cóc” lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, quận đã phân công UBND phường trực thuộc quản lý. Do đó, việc xử lý vi phạm thuộc về trách nhiệm của lãnh đạo UBND các phường. “Khi nào cần sự hỗ trợ thì phường phải báo cáo, chúng tôi sẽ phối hợp xử lý”, ông Lực nói.

Vì sao không xử lý dứt điểm?

Vấn đề đặt ra là tình trạng “chợ cóc” tồn tại trên nhiều tuyến đường nhưng các địa phương hầu như không xử lý dứt điểm. Trao đổi về vấn đề này, nhiều đại diện UBND các phường xác nhận, dù thường xuyên ra quân kiểm tra nhưng rất khó xử lý triệt để.

Lý giải về tình trạng “chợ cóc” ở đường Hòa An 1 và Hòa An 2, ông Nguyễn Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa An cho biết, hầu như UBND phường hằng tháng đều triển khai kế hoạch bảo đảm trật tự đô thị và cử lực lượng xử lý nhưng các hộ vẫn tái diễn vi phạm. “Nguyên nhân do hầu hết các trường hợp buôn bán là người từ nơi khác tới. Khi có lực lượng làm nhiệm vụ, họ lùi quầy sạp vào trong lề đường, lực lượng đi khỏi thì họ tái diễn lấn chiếm. Chưa kể, vỉa hè khu vực này chưa được kẻ vạch nên rất khó trong việc xử lý. Quận phân công 4 người về phường thực hiện nhiệm vụ kiểm tra quy tắc đô thị, nhưng phường mới tiếp nhận 3 người. Trong khi đó, địa bàn quá rộng, lực lượng này lại làm nhiều nhiệm vụ nên cũng khó xử lý triệt để”, ông Sử phân tích.

Về giải pháp sắp tới, ông Sử cho hay, ngoài việc tiếp tục kiểm tra thường xuyên, UBND phường sẽ đề xuất UBND quận kẻ vạch một số tuyến đường để tiện quản lý; đồng thời làm việc với các hộ dân để yêu cầu ký cam kết buôn bán đúng nơi quy định, nếu phát hiện vi phạm sẽ xử phạt nghiêm.

Theo ông Phạm Ngọc Lãnh, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Minh, mặc dù quanh chợ Hòa Mỹ có camera giám sát để phát hiện trường hợp vi phạm nhưng việc người dân buôn bán tự ý lấn chiếm vỉa hè, lòng đường vẫn diễn ra. “Lực lượng làm nhiệm vụ kiểm tra quy tắc đô thị quá ít, phải làm cùng lúc nhiều nhiệm vụ khác nên khó có thể kiểm soát hết. Khi vắng bóng lực lượng chức năng, tình trạng lấn chiếm lại như cũ”, ông Lãnh nói và cho biết phường sẽ phối hợp với Ban quản lý chợ tuyên truyền, đồng thời lập danh sách các hộ để yêu cầu ký cam kết không vi phạm, sau đó sẽ có hướng xử lý đồng bộ.

Ông Đinh Viết Hồng Lễ, Chủ tịch UBND phường Hòa Khê cũng cho hay, hầu hết những người buôn bán xung quanh chợ từ nơi khác tới. Khi Tổ kiểm tra quy tắc đô thị phường kiểm tra thường xuyên thì họ chấp hành, khi lực lượng làm nhiệm vụ ở tuyến đường khác, họ lại ùa ra bày hàng hóa. “Sau khi bị xử phạt, thu giữ hàng hóa, họ vẫn tiếp tục bày bán. Cái này do ý thức của họ. Lực lượng kiểm tra quy tắc đô thị chỉ có 4 người, lại phải quán xuyến nhiều việc khác. Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, nhắc nhở các hộ kinh doanh ở tuyến đường chính Cù Chính Lan chấp hành tốt, còn tuyến kiệt thì khó xử lý dứt điểm”, ông Lễ giải thích.

Bài và ảnh: ĐẮC MẠNH
 

;
;
.
.
.
.
.