Nhiều kiệt, hẻm có chiều ngang dưới 2 mét trên địa bàn Đà Nẵng có nguy cơ nhỏ thêm do sự lấn chiếm của một số hộ sống trong khu vực. Tình trạng này gây khó cho người dân trong quá trình sinh hoạt, đặc biệt là công tác phòng chống cháy, nổ.
K38/H11 Bàu Hạc, phường Vĩnh Trung (quận Thanh Khê) đã nhỏ nay càng thêm nhỏ khi bị người dân chiếm dụng đặt cây cảnh, phơi quần áo. |
Chị Lê Ngọc Vấn (trú K38/H11 Bàu Hạc, phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê) phản ánh tình trạng đầu đường Bàu Hạc 1 có quán nhậu thường xuyên để xe máy chiếm dụng 1/2 lòng đường, những ngày ô-tô đậu làn bên trái thì người đi xe máy không có lối đi.
Đặc biệt, lối vào K38/H11 rộng chưa tới 2 mét nhưng thường xuyên bị các hộ dân chiếm dụng; nhiều hộ sửa chữa, cải tạo lại nhà đã lấn ra lòng kiệt. “Phía trong hẻm, mặc nhà nào nhà đó chiếm dụng.
Cây xanh, hũ nước cơm được đặt trên con hẻm nhỏ xíu, chưa kể xe máy dựng khắp ngoài hẻm. Khổ nhất là cây cảnh án ngữ lối đi vì không thể xê dịch cây”, chị Vấn than thở và cho biết, chị đã thường xuyên phản ánh vấn đề này tại các cuộc họp tổ dân phố và phản ánh với lãnh đạo phường qua điện thoại, nhưng địa phương chưa có biện pháp tuyên truyền, răn đe các hộ cũng như chưa khắc phục nhằm trả lại kiệt, hẻm thông thoáng.
Tương tự, kiệt 693B/51 Trần Cao Vân (quận Thanh Khê) chỉ rộng 1,5 mét nhưng tầm nhìn bị che khuất bởi có nhiều lối rẽ và cây xanh vươn ra từ vườn nhà dân. Kiệt này thông ra một kiệt khác rộng 2,5 mét thuộc đường Nguyễn Đức Trung, phía bắc giáp đường Đỗ Ngọc Du.
“Từ kiệt này, muốn ra đường Đỗ Ngọc Du, người đi xe máy phải tăng ga để vượt lên con dốc; do hẻm nhỏ, tầm nhìn bị che khuất nên khá nguy hiểm, mất an toàn giao thông”, một người dân (xin giấu tên) nói.
Nhiều năm qua, người dân sống tại K478/21 Lê Duẩn (phía giáp đường Điện Biên Phủ) cũng chật vật đi lại trong con hẻm nhỏ có đoạn dài hơn 4 mét, rộng chỉ hơn 1 mét. Con hẻm này nằm phía sau Trường THCS Nguyễn Duy Hiệu nên giờ tan học có khá nhiều học sinh chen chúc nhau trong lối đi nhỏ hẹp.
Chị Nguyễn Thị Lan sống tại đây cho biết: “Xe máy qua lại đoạn hẻm này rất bất tiện và nguy hiểm. Nếu hai xe máy đi ngược chiều nhau thì một xe phải lùi lại vì nếu cố vượt qua thì rất dễ vướng và va quẹt vào chân”.
Trên địa bàn quận Sơn Trà cũng có không ít kiệt, hẻm rộng chừng 1-2 mét nhưng thường xuyên bị người dân chiếm dụng để vật liệu xây dựng hoặc những vật dụng cũ như ghế, bàn... Đơn cử ở phường An Hải Bắc, đường Nguyễn Thế Lộc có khá nhiều đoạn kiệt rộng chưa tới 2 mét.
Ông Trần Văn Hùng, Chủ tịch UBND phường An Hải Bắc thừa nhận thực tế này rất khó giải quyết vì đây vốn là khu dân cư cũ, các hộ dân sinh sống đã lâu, nhiều thế hệ trong một căn nhà nhỏ hẹp nên không thể yêu cầu hộ dân sửa nhà lùi vào trong theo đúng sơ đồ trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở hoặc tự linh động lùi vào.
“Để hạn chế tình trạng cơi nới, lấn chiếm lối đi trong kiệt, UBND phường An Hải Bắc yêu cầu cán bộ kiểm tra quy tắc đô thị thường xuyên kiểm tra, xử lý tình trạng lấn chiếm; đồng thời, các tổ trưởng tổ dân phố, bí thư chi bộ khu dân cư tăng cường tuyên truyền, vận động người dân không để các vật dụng, không phơi quần áo ở lối đi của kiệt nhằm bảo đảm mỹ quan đô thị”, ông Hùng nói.
Theo ghi nhận thực tế của phóng viên, hiện rất khó nới rộng kiệt, hẻm vì phần lớn hộ dân sinh sống trong kiệt có hoàn cảnh khó khăn, thành viên đông đúc. Nhiều ngôi nhà chỉ có diện tích trên dưới 50m2, nếu muốn mở rộng kiệt thì phải thu hẹp diện tích nhà ở và bố trí người dân đến nơi ở mới.
“Không chỉ kiệt, hẻm siêu nhỏ khiến cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng, mà những “đường luồng” nối kiệt này với hẻm kia trong khu dân cư cũng khiến tình hình giao thông trong khu vực bị xáo trộn. Thật sự đây là bài toán về quy hoạch, nhất là tại khu vực trung tâm thành phố.
Chúng tôi thường xuyên nhận được phản ánh về kiệt, hẻm nhỏ bị chiếm dụng để vật dụng, hoặc người dân mang cây phơi quần áo ra trước nhà làm mất mỹ quan và gây khó khăn trong việc di chuyển. Tuy nhiên, khi cán bộ kiểm tra quy tắc đô thị đến nhà, họ bảo nhà tôi đông người, không có sân, phơi quần áo trong nhà thì lâu khô, hôi, ẩm mốc nên tranh thủ mang ra đường lúc trời nắng...
Hoặc nhà nhỏ, không có sân, lại nằm sâu hàng chục mét trong kiệt, khách tới nhà thì để xe ở đâu? Có xuống tận nhà dân mới thấy họ gặp khó, chính quyền địa phương “căng” quá cũng không được, nên tinh thần chủ yếu vẫn là tuyên truyền, chỉ xử lý hộ nào chiếm dụng nhiều quá”, lãnh đạo một phường trên địa bàn quận Hải Châu cho biết.
Bài và ảnh: H.LÊ