Sẽ điều chỉnh lối lên xuống cho người dân tại nút giao thông trước bến xe

.

“Quá trình thi công bó vỉa hè nút giao thông đường Tôn Đức Thắng- Nam Trân, đơn vị thi công làm taluy đường cao hơn mặt lề, như vậy có đúng quy định?”. Đó là ý kiến thắc mắc của bạn đọc gửi đến Báo Đà Nẵng và đề nghị các cơ quan chức năng giải đáp.

Bó vỉa hè đường Tôn Đức Thắng mới được đơn vị thi công lắp một đoạn dài khoảng 5m. Khi có ý kiến của người dân, đơn vị điều hành dự án đã tạm dừng để lấy ý kiến và điều chỉnh cho phù hợp. Ảnh: YÊN GIANG
Bó vỉa hè đường Tôn Đức Thắng mới được đơn vị thi công lắp một đoạn dài khoảng 5m. Khi có ý kiến của người dân, đơn vị điều hành dự án đã tạm dừng để lấy ý kiến và điều chỉnh cho phù hợp. Ảnh: YÊN GIANG

Theo tìm hiểu của phóng viên, vị trí người dân phản ánh nằm ở khu vực phía trước vỉa hè số nhà 229 Tôn Đức Thắng (quận Liên Chiểu). Ở vị trí này, khi đơn vị thi công tiến hành gắn bó vỉa (được một đoạn dài khoảng 5m) thì người dân cho rằng, bó vỉa quá cao so với mặt đường và thậm chí cao hơn so với mặt vỉa hè hiện tại. Khi người dân thắc mắc thì được công nhân thi công trả lời rằng làm đúng theo thiết kế.

Trao đổi với phóng viên, đại diện Ban quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên thành phố Đà Nẵng (đơn vị điều hành dự án) cho biết, công trình nút giao thông đường Tôn Đức Thắng - Nam Trân được UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt cải tạo mở rộng diện tích mặt đường sau khi thu hẹp một phần vỉa hè và dải phân cách giữa, lắp hệ thống biển báo, tín hiệu giao thông để tăng khả năng phương tiện lưu thông qua nút giao, tránh ùn tắc giao thông.

“Đối với nút giao thông này, tuyến đường Tôn Đức Thắng là trục quốc lộ 1A - tuyến giao thông có mật độ người và phương tiện giao thông đông đúc, kể cả xe có tải trọng lớn. Vì vậy, trên toàn tuyến đường Tôn Đức Thắng, tất cả các bó vỉa hiện trạng là bó vỉa đứng, cao để hạn chế phương tiện lên và xuống vỉa hè”, vị đại diện này giải thích.

Tuy nhiên, quá trình thi công, đơn vị nhận được thắc mắc của một số người dân nên đã trao đổi với các đơn vị chức năng liên quan để tìm hướng giải quyết. “Qua khảo sát, khu vực nút giao này có rất nhiều hộ dân và hộ kinh doanh. Trong quá trình thi công, chủ đầu tư cũng như nhà thầu thi công sẽ phối hợp cùng người dân để có hướng xử lý và có phương án tối ưu nhất đối với bó vỉa, vỉa hè để người dân thuận tiện trong sinh hoạt, kinh doanh, bảo đảm an toàn giao thông chung tại nút giao này”, vị đại diện này thông tin thêm.

Được biết, ngày 27-8-2019, UBND thành phố Đà Nẵng có Công văn số 5831/UBND-SGTVT thống nhất phương án cải tạo nút giao đường Tôn Đức Thắng- Nam Trân (trước Bến xe Trung tâm Đà Nẵng) với nguồn kinh phí hơn 8 tỷ đồng, để xử lý tình trạng ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm. Theo đó, điều chỉnh phương án tổ chức giao thông trên nguyên tắc tổ chức cho các phương tiện rẽ phải riêng, tăng số lượng các làn xe ra, vào nút và cải thiện dòng chờ trước nút nhằm tăng khả năng thông hành, nâng cao mức độ an toàn giao thông.

Phương án cụ thể là xén một phần vỉa hè các vị trí đường Tôn Đức Thắng phía bắc vào nút; xén đường Nam Trân cả hai bên phía đi Nguyễn Tất Thành và một bên phía Bến xe Trung tâm Đà Nẵng; thu hẹp dải phân cách giữa các hướng để mở rộng mặt đường, tăng số làn xe ra, vào nút; rút ngắn khoảng cách giữa các đầu dải phân cách để giảm thời gian thoát nút. Bố trí đảo mềm kết hợp dải phân cách mềm phân làn rẽ phải riêng, liên tục cho các hướng; tổ chức lưu thông qua nút theo 3 pha tín hiệu đèn; hệ thống đèn tín hiệu được bố trí trên giá long môn kết hợp đèn led phân làn xe chạy, đèn đếm lùi để tăng cường thông báo.

YÊN GIANG

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích