Trên địa bàn thành phố hiện nay còn nhiều lô đất trống chưa sử dụng được các hộ dân tận dụng tạm làm nơi trồng hoa màu, đặt cây xanh, làm bãi đậu xe, làm quán ăn, quán giải khát... Khi cơ quan chức năng có yêu cầu thu hồi, chủ sử dụng tạm này phải tự tháo dỡ, bàn giao mặt bằng, nhưng nhiều nơi trong khi triển khai tháo dỡ theo lộ trình song việc thông tin chưa đầy đủ khiến người dân thắc mắc.
Quán Phở Bắc gia truyền Hương 2 (đường Trần Nhân Tông, phường Mân Thái) cũng trưng dụng đất trống để kinh doanh tạm. Cơ sở này cũng đang trong diện tháo dỡ theo lộ trình. Ảnh: ĐẮC MẠNH |
Trong đơn thư (xin được không nêu tên) gửi tới Báo Đà Nẵng, một số hộ dân tổ 60 phường Mân Thái (quận Sơn Trà) trình bày: năm 2019, một số hộ dân này được UBND phường tạo điều kiện cho phép tận dụng một số lô đất trống làm hàng quán tạm dọc trên tuyến đường Trần Nhân Tông (phường Mân Thái).
“Chúng tôi biết dựng hàng quán trên đất công là sai nhưng đã được UBND phường tạo điều kiện cho bắc điện, nước để thắp sáng, nấu nướng và rửa chén bát. Tuy nhiên, mới kinh doanh được vài tháng thì Covid-19 bùng phát nên đành đóng cửa. Tới tháng 5-2022 mới tiếp tục buôn bán trở lại nhưng qua đầu năm 2023, lực lượng quy tắc phường cho người xuống tháo dỡ hàng quán. Điều đáng nói, việc tháo dỡ này không công bằng ở chỗ, kế cận các hộ chúng tôi có quán Phở Bắc gia truyền Hương 2 và quán cà phê câu lạc bộ Chào mào Trà My tại số 375 đến 381 đường Trần Nhân Tông thì chưa bị tháo dỡ”, nội dung đơn trình bày.
Trong đơn, các hộ dân này cũng bày tỏ mong muốn: nếu các lô đất trống này chưa có nhu cầu sử dụng ngay thì chính quyền nên tạo điều kiện cho các hộ dân tiếp tục sử dụng tạm để kinh doanh, vừa tạo công ăn việc làm cho gia đình, vừa góp phần quản lý và bảo đảm vệ sinh môi trường tại các lô đất trống.
Về nội dung này, ông Nguyễn Bá An, Chủ tịch UBND phường Mân Thái cho biết, theo số liệu rà soát, trên địa bàn phường có 310 lô đất trống. Trước đó, phường có tạo điều kiện cho nhân dân sử dụng các lô đất trống để kinh doanh dịch vụ như: mở quán ăn, nhà hàng, bãi đỗ xe... và canh tác hoa màu nhưng buộc có cam kết bảo đảm giữ vệ sinh môi trường, cảnh quan đô thị, hoàn trả đất sạch khi có yêu cầu.
Về nội dung liên quan tới kinh phí các hộ đóng cho phường để sử dụng đất trống, ông An khẳng định, trong thời gian các hộ dân tận dụng làm tạm thời trên đất công, phường tạo điều kiện nhưng không thu tiền của các hộ dân. Về việc triển khai tháo dỡ đối với những trường hợp người dân dựng tạm trên đất trống, theo ông An cho hay, việc tháo dỡ là thực hiện theo chủ trương chung của UBND thành phố và quận Sơn Trà.
“Chúng tôi tháo dỡ theo đúng chỉ đạo của UBND quận về việc triển khai kế hoạch tháo dỡ các trường hợp dựng tạm trên đất trống và chia theo từng giai đoạn. Đối với các hộ trên đường Trần Nhân Tông chấp hành thông báo chủ trương của phường thì đã tự tháo dỡ, trả lại mặt bằng trong năm 2022. Ngày 29-5-2023, UBND phường tiếp tục ban hành Thông báo số 786/TB-UBND về việc tự tháo dỡ bàn giao mặt bằng đối với những trường hợp chưa tháo dỡ. Hiện nay, toàn phường chỉ còn lại 56 trường hợp chưa tháo dỡ, đang tiếp tục triển khai nhưng sẽ thực hiện theo lộ trình và có phân kỳ, chậm nhất là tới hết quý 1-2024. Do đó, có một số trường hợp tháo dỡ trước, một số tháo dỡ sau”, ông An thông tin.
Cũng theo ông An, mới đây, tại cuộc làm việc của UBND phường với Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố, UBND phường có đề xuất phương án giải quyết đối với các trường hợp người dân đang sử dụng tạm các lô đất trống để kinh doanh. “Trường hợp nào đang sử dụng đất trống mà nằm trong diện thành phố thu hồi đưa ra đấu giá và những trường hợp trưng dụng các lô đất tái định cư chưa bố trí mà cần thu hồi thì triển khai tháo dỡ, thu hồi ngay.
Trường hợp người dân đang kinh doanh tạm mà phải thu hồi để đấu giá làm bãi đỗ xe, làm nơi đặt chậu cây cảnh… thì hướng dẫn cho các hộ đó tham gia đấu giá nếu họ có nhu cầu. Đối với những trường hợp các hộ dân có nhu cầu sử dụng đất, thì liên hệ Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố để đăng ký tham gia đấu giá sử dụng tạm thời”, ông An chia sẻ thêm.
Theo Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố, căn cứ Quy chế phối hợp số 01/QCPH-STNMT-UBND ngày 24-4-2023 giữa Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND quận, huyện trong công tác quản lý đối với các khu đất trống trên địa bàn thành phố; Kế hoạch số 44/KH-STNMT ngày 15-5-2023 của Sở Tài nguyên và Môi trường về việc triển khai, thực hiện Đề án “Quản lý và khai thác quỹ đất công do Trung tâm quản lý trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”, qua rà soát, quỹ đất hiện do Trung tâm đang quản lý trên địa bàn quận Sơn Trà tính đến ngày 30-6-2023 có 79 khu đất lớn đã có mặt bằng với tổng diện tích hơn 330.000m2.
Đối với các khu đất với hiện trạng có các tổ chức, hộ dân đang sử dụng tạm vào mục đích trồng hoa màu, đặt cây xanh, làm bãi đậu xe, làm quán ăn, cà phê giải khát... Trung tâm Phát triển quỹ đất đề nghị UBND quận Sơn Trà chỉ đạo các đơn vị liên quan yêu cầu các chủ sử dụng tháo dỡ, bàn giao mặt bằng (theo lộ trình và kế hoạch của quận, phường); đồng thời, có cam kết trong thời gian đang sử dụng tạm phải có biện pháp xử lý bảo đảm vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị và chịu trách nhiệm trong phòng chống cháy nổ.
Đối với các khu/lô đất với hiện trạng là đất trống, Trung tâm đề nghị UBND quận Sơn Trà không cho sử dụng mặt bằng khu đất vào mục đích kinh doanh, buôn bán, xây dựng lều tạm, quán tạm trên mặt bằng khu đất theo ý kiến chỉ đạo của UBND thành phố tại Thông báo số 210/TB-VP ngày 04-5-2020. Trong trường hợp cần thiết sử dụng, Trung tâm đề nghị quận Sơn Trà phối hợp để cùng xem xét, xử lý phù hợp thực tế, nhu cầu sử dụng.
Trao đổi thêm với phóng viên Báo Đà Nẵng, ông Hoàng Công Thanh, Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà cho hay, tới thời điểm hiện nay, hầu hết các lô đất trống có diện tích lớn trên địa bàn quận đều đã thu hồi và bàn giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố theo quy định.
“Còn đối với những trường hợp xây dựng tạm trên các lô đất trống tái định cư chưa bố trí trên địa bàn quận, chúng tôi đã có văn bản chỉ đạo các phòng liên quan cũng như UBND các phường tiếp tục hoàn thiện kế hoạch tổ chức tháo dỡ phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Thời hạn chậm nhất là tới hết quý 1-2024 sẽ xử lý dứt điểm”, ông Thanh nhấn mạnh.
ĐẮC MẠNH