Căn phòng nhỏ chưa đầy 10m2 dựng sát vách nhà của ba mẹ vợ, bên trong chỉ có chiếc giường cũ là nơi cư trú của gia đình anh Lê Văn Nam (38 tuổi) và chị Nguyễn Thị Thôi (33 tuổi, trú tổ 5 thôn Phú Phong, xã Đại Tân, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam). Những ngày mưa bão, con trai 18 tháng tuổi được đưa qua ngủ cùng ông bà ngoại còn hai vợ chồng co ro trên chiếc giường. Gia đình nhỏ ấy đã chịu cơ cực như thế hơn 12 năm qua, nay mơ ước có một căn nhà nhỏ để che mưa, ngăn nắng gió.
Gia đình anh Lê Văn Nam trong căn phòng rộng chừng 10m2 dựng tạm sát bên nhà ba mẹ vợ. Ảnh: ĐẮC MẠNH |
Túng quẫn bởi bệnh tật, nghèo khó
Ngày chúng tôi tới thăm, anh Nam đang điều trị nội trú tại Bệnh viện đa khoa Bắc Quảng Nam (cách nhà hơn 15km) nhưng cũng nén đau dẫn chúng tôi về thăm nhà. Anh cho biết, tối 26-7, trên đường đi làm về, anh không may bị một chiếc xe máy khác đi từ trong ngõ ra tông trúng. Anh Nam ngã xuống đường, gãy cánh tay bên trái, dập các ngón tay bàn tay trái, gãy 1 xương sườn phải nhập viện điều trị. “Gần 2 tháng nằm viện điều trị, không đi làm được nên cuộc sống gia đình càng chồng chất khó khăn”, anh Nam nghẹn ngào.
Con đường dẫn vào nhà vợ chồng anh Nam đang ở là một lối nhỏ nằm giữa bờ ruộng lúa, cỏ dại mọc kín hai bên. “Căn nhà” mà vợ chồng anh đang ở thực ra chỉ là một “chái” nhỏ rộng chừng 10m2, được xây bởi 3 bức tường gạch cao khoảng 2m, trên mái lợp tôn. Còn mặt kia lấy luôn bờ mặt ngoài của căn nhà ba mẹ vợ làm tường. Căn phòng cũng chẳng có cánh cửa. Trong căn nhà của ba mẹ vợ cũng như căn phòng của vợ chồng anh không có tài sản nào đáng gia. Ba vợ anh năm nay 78 tuổi gặp vấn đề về thần kinh; mẹ vợ 76 tuổi, sức yếu. Anh trai vợ năm nay 37 tuổi cũng có vấn đề sức khỏe thần kinh.
Anh Nam cho biết, gia đình thuộc diện hộ nghèo, khó khăn. Anh thường hay đau ốm, nghề nghiệp không ổn định nên thu nhập bấp bênh. Vợ anh là chị Thôi sức khỏe yếu, khuyết tật bàn tay trái từ nhỏ nên gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Chị Thôi bước đi tập tễnh, khó khăn, khuôn mặt dù mới ngoài 30 nhưng hiện rõ sự khắc khổ bởi khó khăn của cuộc sống. Hiện nay, hằng tháng, chị Thôi được nhận trợ cấp xã hội số tiền 540.000 đồng, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn.
Mong sự hỗ trợ, sẻ chia
Hơn 12 năm qua, vợ chồng, con cái ở nương nhờ vào ba mẹ vợ. Căn nhà của ba mẹ vợ là nhà tình thương được chính quyền hỗ trợ xây dựng. “Ba và anh vợ tôi bị ảnh hưởng thần kinh, bình thường thì không sao nhưng khi lên cơn động kinh thường hay chửi bới, xua đuổi. Nhìn con cái ngày một lớn, hoàn cảnh gia đình chúng tôi thì quá khó khăn. Mong ước lớn nhất của gia đình là nhận được sự chia sẻ của các nhà hảo tâm, anh Nam nói.
Ông Nguyễn Thanh Hường, Trưởng thôn Phú Phong xác nhận hoàn cảnh gia đình anh Lê Văn Nam thực sự khó khăn ở địa phương và mong muốn các nhà hảo tâm giúp đỡ để gia đình có chỗ ở ổn định cuộc sống.
Nhắc đến hoàn cảnh gia đình anh Nam, ông Huỳnh Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Tân cho biết, anh Nam có việc làm không ổn định, chị Thôi sức khỏe hạn chế. Vợ chồng anh Nam cũng như gia đình nhà bá mẹ vợ gần như trong diện nhận trợ cấp xã hội. “Anh trai vợ lúc bình thường không sao nhưng khi bị ảnh hưởng thần kinh thì xua đuổi, không cho vợ chồng anh ở cùng nên rất cực khổ, bấp bênh. Thời gian qua, chính quyền cùng các tổ chức xã hội địa phương và bà con lối xóm cũng rất quan tâm, chia sẻ nhưng chỉ hỗ trợ được một phần nhỏ. Chúng tôi rất mong muốn các cơ quan, các nhà hảo tâm giúp đỡ vợ chồng anh Nam xây dựng căn nhà nhỏ để có nơi che mưa, che nắng và sớm ổn định cuộc sống”, ông Thanh bày tỏ.
Mọi sự giúp đỡ đối với gia đình anh Lê Văn Nam, xin gửi về Phòng Cuối tuần - Bạn đọc, Báo Đà Nẵng, số 33 Lê Lợi (phường Thạch Thang, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng). Điện thoại 0236.3812341, đường dây nóng 0905832222; hoặc tài khoản: Báo Đà Nẵng - 100214851000415, Chi nhánh Ngân hàng Eximbank Đà Nẵng, nội dung Hỗ trợ gia đình anh Nam. Bạn đọc cũng có thể liên hệ trực tiếp với gia đình anh Lê Văn Nam, số điện thoại 0372.205.106.
ĐẮC MẠNH