Bàn về mối liên hệ giữa giao thông và du lịch

.

Làm thế nào để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Làm sao để thu hút lượng du khách đến ngày càng nhiều, đặc biệt là du khách nước ngoài, để họ không chỉ đến một mà nhiều lần, lưu trú không phải ngắn ngày mà dài ngày, không chỉ đến mà còn giới thiệu cho mọi người cùng đến… luôn là mục tiêu phấn đấu của những người làm du lịch nói riêng và chính quyền thành phố Đà Nẵng nói chung.

Vỉa hè là yếu tố gia tăng sức hấp dẫn du lịch đô thị. Trong ảnh: Du khách quốc tế dạo bước trên vỉa hè đường Võ Nguyên Giáp. Ảnh: NGUYỄN TRÌNH
Vỉa hè là yếu tố gia tăng sức hấp dẫn du lịch đô thị. TRONG ẢNH: Du khách quốc tế dạo bước trên vỉa hè đường Võ Nguyên Giáp. Ảnh: NGUYỄN TRÌNH

Yếu tố để thu hút, giữ chân du khách tại một điểm đến nào đó không chỉ bao gồm phong cảnh đẹp, giá cả dịch vụ hợp lý, món ăn ngon, người dân hiền hòa, hiếu khách... mà còn cả câu chuyện về an ninh trật tự và an toàn giao thông. Đây là những vấn đề mà du khách nước ngoài thường quan tâm mỗi khi đến trải nghiệm ở Việt Nam, đặc biệt là tại các đô thị lớn, trong đó có Đà Nẵng.

Những vấn đề về giao thông đô thị, từ vỉa hè đến việc lưu thông trên đường, những chuyện đối với người Việt Nam tưởng chừng như đơn giản nhưng thực tế lại phức tạp, nhất là đối với du khách đến từ các quốc gia phát triển. Đơn cử như ở Đà Nẵng, muốn đón được khách du lịch đến nhiều hơn, nhiều khi chỉ cần xuất phát từ những việc nhỏ, chẳng hạn như có chỗ đi bộ thuận lợi trên vỉa hè cho du khách. Thế nhưng, hiện nay mặc dù cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra xử phạt, nhưng vỉa hè dành cho người đi bộ tại nhiều nơi vẫn bị chiếm chỗ bởi hàng quán, chậu cây, các bảng quảng cáo, nơi để xe… Chỉ nói riêng về các bảng quảng cáo đang để trên vỉa hè, thành phố nên có quy định treo bảng hiệu dọc, gắn lên tường như một số nước đã làm (có quy định về kích thước, độ cao để không vướng tầm của người đi bộ). Thiết nghĩ, vấn đề này cũng không khó thực hiện, vì nếu có quy định thì các cửa hiệu, hàng quán sẽ chấp hành, không như tình trạng lộn xộn hiện nay.

Vấn đề cần quan tâm là muốn dọn dẹp vỉa hè để có đường thông hè thoáng thì phải đưa ra hướng giải quyết. Nhu cầu của người dân buôn bán, kinh doanh thì muốn trưng bảng quảng cáo, còn thành phố muốn đưa vào nền nếp, quy củ thì phải có giải pháp rõ ràng, chẳng hạn như phải cho treo lên và kích thước thế nào cho phù hợp với mỹ quan đô thị. Nếu có quy định bắt buộc thì người dân sẽ chấp hành chứ không như tình trạng đang diễn ra hiện nay.

Chuyện sang đường cũng là một vấn đề quan tâm của du khách nước ngoài. Nhiều người không dám qua đường và cũng rất khó tìm được vị trí để qua đường an toàn. Hệ thống đèn giao thông dành cho người đi bộ khi qua đường tại những tuyến đường du lịch như đường ven biển Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp, hai con đường chính dẫn xuống biển như Nguyễn Văn Thoại, Võ Văn Kiệt... hiện nay chưa được lắp đặt đầy đủ. Đơn cử như đường Võ Nguyên Giáp, một trong những con đường ven biển tấp nập nhất Đà Nẵng, việc băng qua đường ở đây để ra biển có thể gây nguy hiểm đối với du khách. Tuy có các vạch kẻ màu trắng dành cho người đi bộ qua đường nhưng hầu như chẳng mấy lái xe nào dừng lại để nhường đường.

Xe khách, xe tải nối đuôi nhau rất dài nhất là vào ban đêm, đèn sáng nhập nhoạng. Các đèn giao thông giao điểm thì cách nhau quá xa nhau và không tiện, chưa nói đèn giao thông hoạt động có thời gian, còn lại là để chế độ tự do. Nên chăng cơ quan chức năng nghiên cứu, triển khai lắp đặt hệ thống biển báo giao thông hướng dẫn qua đường đơn giãn cho du khách và người đi bộ ở khu vực này.

Giao thông đô thị là một vấn đề rất đáng quan tâm, và khi đề cập đến mối quan hệ của lĩnh vực này với lĩnh vực du lịch thì tầm quan trọng của nó càng được thể hiện. Những việc tưởng đơn giản, bình thường nêu trên nhưng để kêu gọi thực hiện nhằm làm đẹp thành phố, bảo đảm an toàn giao thông và cho người đi bộ, trong đó có không ít du khách gần xa, tuy đây đó, thời điểm này, thời điểm kia có triển khai nhưng thực sự vẫn chưa được giải quyết một cách rốt ráo. Muốn du lịch phát triển thì không chỉ dừng lại ở việc quảng bá hình ảnh, kích cầu, giảm giá… mà còn phải đầu tư từ cái nhỏ như câu chuyện về vỉa hè, chuyện đi qua đường nêu trên. Phải xác định, chỉ có đi lên từ hạ tầng thì mới phát triển bền vững và lâu dài các lĩnh vực liên quan đến giao thông, du lịch và phải xem đây là những điều kiện cần và đủ cho quá trình phát triển toàn diện của mỗi địa phương.

DIỆP DÂN HÙNG

;
;
.
.
.
.
.