Ứng xử với cây xanh

.

Cây xanh luôn là yếu tố quan trọng để đô thị phát triển bền vững, đã có một thời người ta quan niệm trồng cây xanh là để che nắng, nên việc chọn cây trồng và cách trồng thiếu khoa học. Hệ hống không gian xanh ít được chú ý, cơ quan quản lý chưa quyết liệt đến vấn đề này. Thậm chí, tình trạng cây xanh đô thị bị đối xử thô bạo đã diễn ra không phải là cá biệt trong các đô thị.

Nhiều cây xanh đô thị phải sinh trưởng trong điều kiện chật hẹp. Ảnh: D.H
Nhiều cây xanh đô thị phải sinh trưởng trong điều kiện chật hẹp. Ảnh: D.H

Cây xanh cần được chăm sóc nâng niu, nhất là khi nó đã được con người vun trồng để phục vụ cho chính mình. Phải có tình yêu thương cây xanh, coi cây xanh là người bạn thân thiết thì mới bảo vệ chăm sóc cây xanh hết mình, nôm na là có tâm với cây xanh. Cách đây không lâu người viết đã có một bài về việc cần có “bác sĩ cho cây xanh đô thị”. Đây là một câu chuyện nghiêm túc vì nắm được đặc tính, khả năng chống chịu của cây xanh sẽ chủ động trong việc phòng tránh những rủi ro, ảnh hưởng tiêu cực của môi trường và của con người đến cây xanh ở cả góc độ chủ quan và khách quan, để cây xanh phát huy hết tính năng, tác dụng để làm đẹp, làm sạch cho cuộc sống.

Có một thực tế không khó nhận ra là hiện nay người ta khai thác cây xanh mà không quan tâm nhiều đến đặc tính, giá trị về mặt thực vật học của nó. Con người có thể vô tư đóng đinh treo đủ loại đèn lên cây, treo các bảng hiệu, biển quảng cáo. Và đặc biệt là chuyện đốn chặt cây vào mùa mưa bão, một công việc gần như là bắt buộc phải làm đối với cây xanh đô thị, nhất là tại những đô thị nằm ở những vùng thường xuyên xảy ra mưa bão. Nơi thì cưa chặt chỉ còn trơ ngọn, trụi hết lá; nơi thì cắt tỉa nhưng làm sơ sài. Đó còn là việc người ta đóng đai kim loại để chống đổ ngã cho cây nhưng cứ để vậy mà không nới hoặc tháo ra khi cây đã lớn, tạo nên những vết sẹo và làm ảnh hưởng đến sinh trưởng và cả hình dáng tự nhiên của cây.

Ngoài ra, do trào lưu “trồng cây cổ thụ trên phố” mà người ta cắt ngắn bộ rễ vốn đã phát triển bình thường ở môi trường tự nhiên để đưa vào bầu rồi mang trồng tại những cái hố đào sẵn, không đủ độ sâu và bề rộng do điều kiện hạ tầng đô thị, “bắt” cây phải sống trong điều kiện chật hẹp nên khi có gió bão, cây rất dễ bị đổ ngã. Đó là chưa kể việc bao bọc rễ bằng bao ni-lông, sau khi trồng vẫn để nguyên bọc, làm rễ cây đã ngắn còn bị kìm hãm phát triển, không đâm sâu, bám chắc được...

Ngoài những câu chuyện trên, chuyện “làm đẹp”, chăm cho cây cũng là một vấn đề rất cần được quan tâm.  Đơn cử như chỉ cái gốc cây thôi mà có nơi người ta đành đoạn xây bít gốc lại, làm cây bị bóp nghẹt bởi xi-măng và bê-tông. Việc làm này đã khiến những gốc cây bị cản trở trong quá trình chăm sóc, tưới nước, thậm chí làm cây bị yếu đi, không có độ bám đất; tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ bật gốc, gẫy đổ khi có mưa to, gió lớn. Phổ biến hơn là xây bao bằng gạch, nhưng nơi thì hình tròn, chỗ thì hình vuông. Cũng có một số nơi bài bản hơn khi lót tấm đan hở chuyên dùng trong phạm vi phù hợp bằng phẳng để cây được tưới khi thời tiết nắng hạn cũng như thoát nước khi có độ ẩm cao do mưa nhiều...

Phải coi cây xanh không chỉ đơn thuần là một loại hình hạ tầng kỹ thuật đô thị mà còn là một thực thể sống cần được đối xử một cách khoa học và văn minh. Việc trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh cần được tiến hành đồng bộ và được đưa vào định hướng quy hoạch đô thị theo hướng hiện đại, bền vững và thân thiện với môi trường, qua đó phát huy tối đa giá trị của cây xanh trong việc giữ gìn cảnh quan, góp phần bảo vệ không khí trong lành trong bối cảnh đô thị hóa đang diễn ra với tốc độ nhanh như hiện nay.

DÂN HÙNG

;
;
.
.
.
.
.