Bài toán thực phẩm bẩn chưa giải quyết triệt để!

.

Những ngày này, dư luận không khỏi bàng hoàng và phẫn nộ trước việc sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội phải tiêu thụ cơm thừa và thực phẩm kém chất lượng trong hai tuần học giáo dục quốc phòng và an ninh. Hình ảnh kinh hoàng về ruồi, gián, thậm chí cả phân chuột xuất hiện trong các bữa ăn đã làm dấy lên câu hỏi lớn: công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục hiện nay đang ở đâu?

Đáng buồn thay, đây không phải trường hợp hiếm. Trong nhiều năm qua, hàng loạt vụ việc liên quan đến thực phẩm bẩn trong trường học đã được ghi nhận.

Đơn cử, vào tháng 9 vừa qua, 23 học sinh tại Trường THCS và THPT huyện Kiên Hải (Kiên Giang) phải nhập viện sau khi ăn đồ ăn từ căng-tin trường - nơi bị phát hiện không bảo đảm vệ sinh và không rõ nguồn gốc thực phẩm. Trước đó, năm 2023, 72 học sinh của một trường tiểu học tại Hà Nội nhập viện do vi khuẩn tụ cầu vàng nhiễm vào thịt gà có trong suất ăn.

Cùng năm, khi kiểm tra nhà bếp và kho thực phẩm của công ty cung cấp suất ăn cho học sinh bán trú tại một trường tiểu học tại Thành phố Hồ Chí Minh, phụ huynh phát hiện thực phẩm có dấu hiệu ôi thiu được sử dụng cho bữa ăn của trẻ. Đau lòng nhất vẫn là sự cố năm 2022, trong hơn 600 học sinh, giáo viên (tỉnh Khánh Hòa) nhập viện vì ngộ độc sau bữa ăn tại trường, một học sinh lớp 1 đã tử vong.

Những sự cố đau lòng này không chỉ làm dấy lên sự phẫn nộ mà còn đặt ra câu hỏi nghiêm túc về trách nhiệm của các bên liên quan. Theo quy định, các cơ sở giáo dục phải chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn thực phẩm cho học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều trường đã buông lỏng quản lý và đôi khi có dấu hiệu bao che cho nhà cung cấp suất ăn. Vì lợi nhuận, một số đơn vị cung ứng không ngần ngại sử dụng thực phẩm kém chất lượng để cắt giảm chi phí, trong khi sự giám sát của cơ quan chức năng vẫn chưa đủ mạnh.

Vấn nạn thực phẩm bẩn không chỉ giới hạn trong môi trường giáo dục. Chỉ mới đây, ngày 9-10, lực lượng chức năng đã bắt giữ một xe tải chở 1,5 tấn heo chết trên đường đi tiêu thụ. Năm 2023, cơ quan quản lý thị trường đã phát hiện gần 24 tấn thực phẩm bẩn tại hai kho hàng của một công ty, trong đó có thịt gà, bò và nội tạng động vật đã bốc mùi hôi thối. Năm 2020, tại Đà Nẵng, 1.200 gói hạt nêm, mì chính giả cùng với nguyên liệu và dụng cụ sản xuất bị tịch thu. Thậm chí, nhiều vụ việc sản phẩm hết hạn sử dụng được thay bao bì và ghi hạn mới đã được phát hiện…

Năm 2023, cả nước có 125 vụ ngộ độc thực phẩm, làm hơn 2.100 người ngộ độc, 28 người tử vong. So với năm 2022, số lượng vụ ngộ độc tăng 2,3 lần, số lượng người tử vong tăng 1,6 lần.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong 5 tháng đầu năm 2024, cả nước ghi nhận 36 vụ ngộ độc thực phẩm với 2.138 người bị ảnh hưởng, trong đó có 6 trường hợp tử vong. Con số này mặc dù giảm về số vụ (4) nhưng số người bị ngộ độc lại tăng mạnh số người (1.432) so với cùng kỳ năm trước, minh chứng cho mức độ nghiêm trọng và lan rộng của vấn đề. Một số vụ ngộ độc thực phẩm quy mô lớn trong năm 2024 như: 150 người ăn bánh mì tại Sóc Trăng (tháng 1), 369 người ăn cơm gà ở Khánh Hòa (tháng 3), 547 người ăn bánh mì tại Đồng Nai (tháng 4), 95 người ăn ở bếp ăn tập thể của công ty tại  Đồng Nai (tháng 5)...

Tất cả những con số đáng sợ này đưa ra một câu hỏi đau đáu: Ai đang gây hại cho con người? Chính con người đang hủy hoại lẫn nhau vì lòng tham vô độ.

Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản pháp lý thể hiện sự quyết tâm trong việc tăng cường an toàn thực phẩm và bảo vệ sức khỏe người dân. Tuy nhiên, bài toán thực phẩm bẩn vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Để ngăn chặn vấn nạn này, chúng ta cần một chiến lược toàn diện với sự tham gia của toàn xã hội. Trước hết, các cơ quan chức năng phải tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm minh những vi phạm. Các chế tài xử phạt cần được nâng cao để đủ sức răn đe, đồng thời hệ thống pháp lý về an toàn thực phẩm phải bảo đảm tính toàn diện, khả thi. Song song đó, việc nâng cao ý thức của người dân về an toàn thực phẩm và khuyến khích tinh thần tố giác các hành vi vi phạm là rất quan trọng. Ứng dụng công nghệ trong quản lý chuỗi cung ứng cũng là một giải pháp hiệu quả để tăng tính minh bạch và giúp truy xuất nguồn gốc thực phẩm dễ dàng hơn.

Cuộc chiến chống thực phẩm bẩn không thể chỉ dựa vào một phía. Đó là trách nhiệm chung của toàn xã hội - từ người tiêu dùng, doanh nghiệp đến chính quyền. Chỉ khi tất cả cùng hành động quyết liệt và đồng lòng, chúng ta mới có thể đẩy lùi được “lòng tham” đang âm thầm tàn phá sức khỏe cộng đồng.

YÊN CHI

;
;
.
.
.
.
.