Mới đây, tại Thành phố Hồ Chí Minh, một xe cấp cứu đang làm nhiệm vụ bất ngờ bị người đàn ông đi xe máy chở theo một người lớn và trẻ em chặn đầu xe và buông lời đe dọa. Vụ việc không chỉ khiến dư luận phẫn nộ mà còn dấy lên nhiều tranh luận về ý thức tham gia giao thông. Báo Đà Nẵng đã có cuộc trao đổi với luật sư Mai Quốc Việt (Công ty Luật MMT & Partners, Đoàn Luật sư thành phố Đà Nẵng) để làm rõ các quy định pháp luật liên quan đến vấn đề này.
Xe cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Gia đình đang vận chuyển bệnh nhân. Ảnh: Y.C |
* Luật Giao thông đường bộ quy định cụ thể ra sao về việc ưu tiên cho xe cấp cứu đang thực hiện nhiệm vụ, thưa luật sư?
- Theo quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 22, Luật Giao thông đường bộ 2008 thì xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu được quyền ưu tiên đi trước xe khác khi qua đường giao nhau từ bất kỳ hướng nào. Xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu là xe đang chở bệnh nhân cấp cứu hoặc đi đón bệnh nhân cấp cứu. Khi thực hiện nhiệm vụ, xe phải có tín hiệu còi, cờ, đèn theo quy định; không bị hạn chế tốc độ; được phép đi vào đường ngược chiều, các đường khác có thể đi được, kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ và chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông.
* Theo quy định pháp luật hiện hành, việc chặn xe cấp cứu đang làm nhiệm vụ sẽ bị xử lý như thế nào?
- Hành vi cản trở, chặn xe cấp cứu đang thực hiện nhiệm vụ là hành vi vi phạm pháp luật giao thông đường bộ, cụ thể tại khoản 3, Điều 22, Luật Giao thông đường bộ 2008. Cụ thể: Khi có tín hiệu của xe cứu thương đang làm nhiệm vụ thì người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường. Không được gây cản trở xe được quyền ưu tiên.
Tại khoản 6, Điều 4, Luật Giao thông đường bộ 2008 thể hiện: “Mọi hành vi vi phạm pháp luật giao thông đường bộ phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật”. Vậy nên, tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả của sự việc mà người có hành vi vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị xử lý hình sự theo quy định pháp luật.
Về xử phạt hành chính, đối với người điều khiển ô-tô và các loại xe tương tự ô-tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ, theo quy định tại điểm c, khoản 3, Điều 2, Nghị định 123/2021/NĐ-CP thì hành vi “không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ” có thể bị phạt tiền từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng.
Đối với người điều khiển mô-tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự mô-tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ, theo quy định tại điểm c, khoản 4, Điều 2, Nghị định 123/2021/NĐ-CP thì phạt tiền 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe.
Trường hợp xác định được nguyên nhân vì lý do người điều khiển xe khi tham gia giao thông có hành vi cản trở xe cứu thương đang làm nhiệm vụ dẫn đến việc bệnh nhân không được kịp thời cứu chữa, và hậu quả tử vong, người có hành vi vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” theo quy định tại Điều 260, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Trong trường hợp này, người vi phạm có thể bị phạt tiền 30 triệu đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù 1 đến 5 năm.
* Nếu người nhà bệnh nhân cảm thấy việc xe cấp cứu bị cản trở gây ra hậu quả nghiêm trọng, họ có quyền khởi kiện hoặc yêu cầu bồi thường không? Các thủ tục này sẽ diễn ra như thế nào?
- Nếu người nhà bệnh nhân có đầy đủ cơ sở, chứng cứ chứng minh khẳng định nguyên nhân do việc cản trở xe cứu thương đang làm nhiệm vụ của các đối tượng, gây ra hậu quả nghiêm trọng cho bệnh nhân, thì hoàn toàn có quyền yêu cầu khởi kiện hoặc yêu cầu bồi thường.
Khi xảy ra sự việc cản trở xe cứu thương, người nhà nên làm đơn trình báo đến cơ quan công an có thẩm quyền ghi nhận sự việc của các đối tượng vi phạm. Tùy mức độ hành vi, cơ quan công an sẽ tiến hành điều tra, xác minh hành vi vi phạm của các đối tượng và áp dụng biện pháp xử lý phù hợp theo quy định.
Trường hợp quá trình điều trị của bệnh nhân tại bệnh viện, bác sĩ kết luận bệnh nhân tử vong hoặc bệnh tình nặng hơn do việc chậm trễ đưa đến bệnh viện, để bác sĩ có thể kịp thời cứu chữa. Người nhà bệnh nhân tiến hành thu thập các biên bản làm việc, kết luận tại cơ quan công an và bệnh viện nơi bệnh nhân điều trị để thực hiện thủ tục khởi kiện các đối tượng có hành vi vi phạm đến tòa án nhân dân có thẩm quyền, và yêu cầu bồi thường theo quy định pháp luật.
* Luật sư có khuyến nghị gì về việc nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người tham gia giao thông đối với xe ưu tiên, đặc biệt là xe cấp cứu?
- Hiện nay, việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông đang rất được Nhà nước quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, luôn kịp thời bổ sung, điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật nhằm mục đích giảm thiểu tai nạn giao thông cũng như nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trường hợp người dân thiếu ý thức, như không nhường đường cho xe ưu tiên, đặc biệt là xe cứu thương, xe cảnh sát, hoặc xe phòng cháy chữa cháy khi các xe này đang thực hiện nhiệm vụ khẩn cấp...
Để triệt để xử lý, cần thiết tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục văn hóa người tham gia giao thông. Việc công khai danh tính, hành vi vi phạm và mức xử phạt trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng là một cách răn đe hiệu quả, đồng thời giúp lan tỏa kiến thức hữu ích cho cộng đồng. Điều này sẽ giúp nâng cao nhận thức của người dân, từ đó giảm những hành vi vi phạm tương tự trong tương lai.
Hiện nay, không ít trường hợp người dân thiếu ý thức, không nhường đường hoặc có hành vi cản trở các xe được quyền ưu tiên khi tham gia giao thông. Những hành động này không chỉ gây bức xúc cho những người tham gia giao thông mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thực thi công vụ của cơ quan Nhà nước và các tổ chức khác. Điển hình gần đây là vụ việc tại tỉnh Trà Vinh, khi một nhóm đối tượng đã cố tình cản trở xe cấp cứu đang thực hiện nhiệm vụ, khiến dư luận phẫn nộ. Những đối tượng này không chỉ chặn xe mà còn dùng gạch đá ném, làm hư hại xe cấp cứu. Vụ việc đã được đưa ra xét xử, với mức án lên đến 18 tháng tù giam dành cho các bị cáo, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật. |
YÊN CHI