Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 7 và sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2025. So với Luật Giao thông đường bộ 2008, luật mới vẫn giữ nguyên các quy định về thời gian lái xe (không quá 10 giờ trong một ngày và không quá 4 giờ liên tục). Tuy nhiên, điểm bổ sung đáng chú ý là quy định giới hạn thời gian làm việc của tài xế không được vượt quá 48 giờ mỗi tuần.
Để bảo đảm an toàn giao thông, tài xế cần tuân thủ quy định không lái xe quá 4 giờ liên tục. TRONG ẢNH: Phương tiện lưu thông trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận Ngũ Hành Sơn. Ảnh: PV |
Để hiểu rõ hơn tác động của việc lái xe kéo dài đối với sức khỏe, Báo Đà Nẵng có cuộc trao đổi với bác sĩ Trần Đức Thắng, Giám đốc Trung tâm Bác sĩ Gia Đình (Bệnh viện Đa khoa Gia Đình).
* Lái xe trong thời gian dài có thể gây ra những hậu quả gì đối với sức khỏe tài xế, thưa bác sĩ?
- Lái xe nhiều giờ liên tục có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của tài xế. Trước hết là mệt mỏi, một trong những tác động phổ biến và nguy hiểm. Khi cơ thể bị kiệt sức, tài xế dễ mất khả năng phản xạ nhanh với tình huống bất ngờ trên đường, tăng nguy cơ gây tai nạn. Rối loạn giấc ngủ cũng thường xuyên xảy ra với những tài xế đường dài, đặc biệt là các ca đêm, khiến họ giảm khả năng tập trung. Ngoài ra, căng thẳng mạn tính là một hệ quả khác của việc tập trung cao độ trong thời gian dài. Điều này có thể dẫn đến các vấn đề tâm lý như rối loạn lo âu và trầm cảm.
Tài xế ngồi một tư thế suốt nhiều giờ cũng dễ gặp các vấn đề về cột sống, như thoát vị đĩa đệm ở vùng cổ và lưng. Một số thói quen không lành mạnh như ít vận động, hút thuốc lá, uống nhiều nước tăng lực và ăn uống không điều độ cũng góp phần làm tăng nguy cơ béo phì, rối loạn mỡ máu, tiểu đường và các bệnh về tim mạch như đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim.
* Những dấu hiệu nào cho thấy tài xế đang kiệt sức?
- Một trong những tình trạng thường gặp là cơn ngủ ngắn hay còn gọi là “giấc ngủ trắng” khiến tài xế không thể kiểm soát được cơn buồn ngủ, dẫn đến mất tỉnh táo và nguy cơ tai nạn giao thông gia tăng. Theo một số thống kê tại Anh, 10-20% các vụ tai nạn giao thông có liên quan đến tình trạng này.
Tài xế có thể nhận ra dấu hiệu kiệt sức thông qua những biểu hiện như: ngáp và nháy mắt liên tục, nặng mi mắt, không giữ được tốc độ và khoảng cách an toàn (tài xế có thể đột ngột nhận thấy mình không giữ được khoảng cách với xe trước mặt). Một số người cũng có thể cảm thấy đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi. Đó là những dấu hiệu cảnh báo người tài xế cần được nghỉ ngơi.
* Bác sĩ có thể chia sẻ các biện pháp giúp tài xế giảm tác động tiêu cực đến sức khỏe khi phải làm việc trong thời gian dài?
- Điều đầu tiên là cần tuân thủ quy định không lái xe quá 4 giờ liên tục. Nếu có dấu hiệu mệt mỏi, tài xế nên dừng xe nghỉ ngơi ngay lập tức, lý tưởng nhất là chợp mắt 15-30 phút. Một giấc ngủ ngắn kéo dài 30 phút sẽ giúp phục hồi tinh thần. Ngoài ra, bổ sung một chút cà phê hoặc trà cũng là cách để tạm thời tăng sự tỉnh táo. Giới hạn thời gian lái xe là để bảo đảm cho tài xế không bị kiệt sức. Tuy nhiên, mỗi người có sức chịu đựng khác nhau nên việc lắng nghe cơ thể và nhận biết các dấu hiệu mệt mỏi là điều rất cần thiết để bảo đảm an toàn.
Giấc ngủ vẫn là yếu tố quan trọng nhất. Trong cuộc sống hằng ngày, tài xế cũng cần chú ý đến giấc ngủ, bảo đảm ngủ đủ 7-9 giờ mỗi ngày. Và đi ngủ trước 22 giờ sẽ giúp cơ thể nghỉ ngơi hiệu quả hơn. Chế độ dưỡng cân bằng, nhiều rau xanh, trái cây, uống đủ nước, hạn chế đường, muối, đồ uống có cồn cùng thói quen tập thể dục đều đặn ít nhất 30-45 phút mỗi ngày, duy trì 5 ngày mỗi tuần cũng là điều rất cần thiết để tăng cường thể lực và giảm căng thẳng.
* Cảm ơn bác sĩ về cuộc trao đổi này!
Tai nạn giao thông do tài xế thiếu ngủ gây ra nhiều vụ việc đau lòng tại Việt Nam. Điển hình là vụ xe khách 45 chỗ lao xuống vực sâu ở cao tốc La Sơn - Hòa Liên (địa phận thành phố Đà Nẵng) sáng 23-1 khiến 2 người thiệt mạng và khoảng 20 người bị thương. Trước đó, ngày 25-7-2023, một tài xế có dấu hiệu ngủ gật điều khiển xe khách giường nằm đâm vào vách núi tại tuyến La Sơn - Túy Loan (địa phận tỉnh Thừa Thiên Huế) khiến một người tử vong, 16 người khác bị thương. Một tuần trước vụ việc này, trên quốc lộ 1, tài xế xe tải ngủ gật lao vào nhà dân làm 2 người tử vong. Theo Bộ Công an, năm 2023 cả nước ghi nhận 21.880 vụ tai nạn giao thông đường bộ, trong đó 0,33% do mệt mỏi và ngủ gật. Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, qua phân tích 11.043 vụ tai nạn năm 2022, đa số xảy ra vào ban đêm, với 40,33% từ 16-22 giờ và 18,24% từ 22 giờ đến 4 giờ sáng hôm sau. |
MỘC TRÀ thực hiện