Quản lý học sinh sử dụng điện thoại: Dạy cách sử dụng đúng lúc, đúng nơi

.

Giáo dục trẻ sử dụng công nghệ có trách nhiệm, đúng lúc, đúng nơi và thiết lập quy tắc sử dụng trong trường học là việc làm thiết thực để quản lý học sinh sử dụng điện thoại tại trường học nói riêng, trong cuộc sống thường ngày nói chung.

Học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn nộp điện thoại vào đầu giờ học tại vị trí quy định của lớp. Ảnh: Thu Duyên
Học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn nộp điện thoại vào đầu giờ học tại vị trí quy định của lớp. Ảnh: Thu Duyên

Thắt chặt quản lý điện thoại ở trường học

Năm học 2024-2025, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn triển khai quy định mới để thắt chặt quản lý tình trạng học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học. Theo đó, vào đầu buổi học, học sinh nộp điện thoại tại một vị trí cố định trong lớp (được thống nhất giữa giáo viên và học sinh). Đến giờ ra chơi và ra về, học sinh có thể lấy lại điện thoại của mình. Trong giờ học, học sinh chỉ được phép sử dụng điện thoại khi được giáo viên cho phép và phục vụ cho việc học tập.

Cô Nguyễn Thị Hoàng Hậu (giáo viên chủ nhiệm lớp 10A2) cho biết, so với những năm trước, khi quy định nộp điện thoại trong giờ học được áp dụng, các giáo viên nhận thấy học sinh có sự tập trung hơn vào tiết học. Khi không bị phân tán bởi điện thoại, các em tiếp thu bài tốt hơn. Nếu có thắc mắc thì các em sẽ trao đổi trực tiếp với giáo viên, từ đó giúp tiết học thêm hiệu quả, tăng sự kết nối giữa thầy và trò.

Nguyễn Quang Vinh (học sinh lớp 10A2) cho hay, bản thân đã quen với việc nộp điện thoại vào đầu buổi học. Việc tập trung hoàn toàn vào bài giảng giúp em hiểu và ghi nhớ bài giảng tốt hơn. Không chỉ em, các bạn trong lớp cũng đồng tình và chấp hành tốt quy định này.

Thầy Lê Thanh Hải, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, việc triển khai quy định nộp điện thoại vào đầu buổi học nhằm giúp quản lý học sinh sử dụng điện thoại trong lớp được chặt chẽ hơn. Quy định này được nhà trường triển khai ngay từ đầu năm học và được cha mẹ học sinh nhất trí cao. “Thời gian tới, chúng tôi sẽ nghiên cứu thêm việc triển khai không cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong giờ ra chơi, nhằm để các em tương tác trực tiếp với nhau nhiều hơn và tham gia các hoạt động vận động như đá cầu, hoạt động tập thể, CLB…”, thầy Hải nói.

Giáo dục trẻ sử dụng điện thoại đúng lúc, đúng nơi

Việc nộp điện thoại ở một nơi quy định trong lớp vào đầu buổi học là một trong những giải pháp vừa giúp nhà trường thắt chặt quản lý sử dụng điện thoại của học sinh trên lớp học, vừa phù hợp với Khoản 4, Điều 37: “Học sinh không được sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép” được nêu trong Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học.

Theo PGS.TS Trần Xuân Bách, Trưởng bộ môn Quản lý Giáo dục (Khoa Tâm Lý - Giáo dục), Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm(Đại học Đà Nẵng), việc Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định “Học sinh không được sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép” là hoàn toàn phù hợp với thực tế hiện nay.

Tuy nhiên, điều này vừa có mặt tích cực, vừa có một số hạn chế. Điện thoại di động, nếu được sử dụng đúng cách, có thể trở thành một công cụ hỗ trợ học tập hiệu quả. Khi hiểu được rằng công nghệ không chỉ phục vụ mục đích giải trí, mà còn hỗ trợ việc học tập và phát triển kỹ năng, học sinh sẽ học cách kiểm soát và sử dụng nó có ý thức hơn. Giáo viên cũng có thể tận dụng công nghệ để làm phong phú thêm phương pháp giảng dạy, thu hút sự tham gia của học sinh và nâng cao hiệu quả học tập.

Trong quá trình giảng dạy, nhiều giáo viên tại Trường THPT Võ Chí Công (quận Ngũ Hành Sơn) đã tích hợp công nghệ vào bài giảng để giúp học sinh tiếp thu kiến thức một cách nhanh chóng và hiệu quả. Cô Phạm Thị Đoan Phúc (giáo viên môn Toán) đã ứng dụng 3D để vẽ hình học không gian và đồ thị hàm số, giúp học sinh dễ hình dung và tăng sự hứng thú với môn học hơn.

Em Trần Thị Ni Na, học sinh lớp 10/5 cho biết, việc giáo viên ứng dụng công nghệ, tạo ra sự tương tác trên điện thoại đã giúp em và các bạn cảm thấy thích thú và dễ tiếp thu hơn đối với một số môn học khá khô khan như toán, lý... Những bạn học rụt rè, ít giơ tay phát biểu thì có thể tương tác nhiều hơn thông qua các trò chơi giải đố trên điện thoại. Có thể thấy, thay vì cấm hoàn toàn, giáo dục về cách sử dụng công nghệ có trách nhiệm và thiết lập quy tắc sử dụng trong trường học có thể là giải pháp tốt hơn, vừa giúp học sinh phát triển kỹ năng quản lý công nghệ, vừa giúp duy trì kỷ luật trong lớp học.

Cần sự phối hợp giữa nhà trường và cha mẹ học sinh

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Phạm Tấn Ngọc Thụy chia sẻ, từ năm học 2021-2022 đến nay, sở triển khai một số hoạt động chuyên đề về tuyên truyền sử dụng mạng xã hội và các nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin, trong đó có điện thoại như: tổ chức các buổi truyên truyền hoặc hội thảo để dạy trẻ về nguy cơ và cách bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng, cách nhận biết thông tin sai lệch và các hành vi không an toàn trên mạng xã hội; hướng dẫn học sinh cách sử dụng điện thoại và các thiết bị công nghệ như công cụ hỗ trợ học tập; dạy trẻ cách quản lý thời gian sử dụng điện thoại...

Nhiều trường áp dụng quy định cụ thể về việc sử dụng điện thoại trong giờ học và khuyến khích học sinh để điện thoại ở chế độ im lặng hoặc để ở nhà nhằm tập trung vào việc học.

Bên cạnh đó, các trường tạo ra nhiều hoạt động giải trí và học tập không sử dụng công nghệ để học sinh có cơ hội trải nghiệm và phát triển kỹ năng xã hội, như tổ chức giải thể thao học sinh, văn hóa, văn nghệ, sinh hoạt các CLB...

Theo PGS.TS Trần Xuân Bách, để tạo môi trường học tập hấp dẫn và giảm thiểu phân tâm từ điện thoại, giáo viên có thể áp dụng thêm các biện pháp sau: sử dụng nhiều phương pháp giảng dạy khác nhau như thảo luận nhóm, trò chơi giáo dục hoặc diễn kịch để giúp học sinh cảm thấy hứng thú hơn; khuyến khích học sinh tham gia hoạt động nhóm và dẫn dắt thảo luận; thường xuyên ghi nhận và phản hồi tích cực để giúp học sinh tự tin và có động lực tham gia vào bài học. Bằng cách kết hợp các biện pháp trên, giáo viên có thể tạo ra một môi trường học tập hấp dẫn, khuyến khích sự tham gia tích cực của học sinh và giúp các em tập trung vào bài học thay vì bị phân tâm bởi điện thoại di động.

Ngoài vai trò của nhà trường, phụ huynh cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục các em sử dụng điện thoại có trách nhiệm. Phụ huynh cần thường xuyên lắng nghe, chia sẻ và kết nối với trẻ nhiều hơn, làm gương trong cách sử dụng điện thoại và các thiết bị công nghệ khác. Nếu giáo viên, phụ huynh tuân thủ các quy tắc và sử dụng công nghệ một cách có trách nhiệm sẽ trở thành những tấm gương tốt để trẻ học tập và noi theo.

H.LINH - T.DUYÊN

;
;
.
.
.
.
.