Giấy tờ tùy thân, nhà đất sử dụng như thế nào sau sáp nhập phường?

.

Từ 1-1-2025, thành phố Đà Nẵng sẽ sắp xếp, sáp nhập từ 56 đơn vị hành chính cấp xã (45 phường, 11 xã) còn 47 đơn vị hành chính cấp xã (36 phường, 11 xã). Nhiều người dân băn khoăn về việc sau khi sáp nhập sang đơn vị hành chính mới, thông tin trên các loại giấy tờ tùy thân, giấy tờ nhà đất... sẽ được sử dụng tiếp tục để thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC) hay phải thay đổi?

Công dân thực hiện thủ tục hành chính tại bộ phận “Một cửa” UBND phường Thạc Gián, quận Thanh Khê. Ảnh: ĐẮC MẠNH
Công dân thực hiện thủ tục hành chính tại bộ phận “Một cửa” UBND phường Thạc Gián, quận Thanh Khê. Ảnh: ĐẮC MẠNH

Theo Nghị quyết số 1251/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2023-2025, có hiệu lực từ 1-1-2025, một số đơn vị hành chính cấp xã, phường sẽ được điều chỉnh một phần diện tích tự nhiên và quy mô dân số sang đơn vị hành chính mới. Khi sắp xếp lại một số đơn vị hành chính, công dân sinh sống ở các phường, xã trong diện điều chỉnh sẽ có những thay đổi, điều chỉnh về nơi cư trú (thường trú, tạm trú) trên các giấy tờ tùy thân như: căn cước công dân, lý lịch tư pháp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, giấy phép lái xe, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sổ tiết kiệm... Đối với các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh nằm trong diện này cũng sẽ phải thay đổi địa chỉ trên giấy phép đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế, con dấu...

Khi nghe tin về việc một phần khu vực mình đang ở tại phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu), sau sáp nhập chuyển sang phường Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê), ông Nguyễn Văn Tài (tổ 7 phường Hòa Minh) băn khoăn: “Những thông tin trong giấy tờ tùy thân hiện tại của tôi và các thành viên trong gia đình như nơi thường trú, căn cước công dân, giấy phép lái xe, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... sau khi chuyển sang phường mới có còn phù hợp không? Chúng tôi có sử dụng tiếp hay phải làm lại tất cả các giấy tờ này theo địa chỉ đơn vị hành chính mới để thực hiện các thủ tục hành chính liên quan?”.

Tương tự, ông Nguyễn Xuân Đức (phường An Hải Tây, quận Sơn Trà) cũng bày tỏ băn khoăn: “Khi thực hiện đổi từ chứng minh nhân dân sang căn cước công dân, quá trình giao dịch tại ngân hàng, tôi phải làm nhiều thủ tục chuyển đổi thông tin cho khớp. Lần này đổi tên thành phường mới, không biết các giao dịch liên quan đến giấy tờ tùy thân có gặp phiền phức không ?”.

Trong khi đó, đại diện doanh nghiệp tư nhân Khánh Hưng (kinh doanh mắt kính tại phường Hải Châu 1) băn khoăn về việc: hiện nay giấy tờ chứng nhận đăng ký kinh doanh của gia đình địa chỉ là phường Hải Châu 1, sắp tới sẽ nhập phường Hải Châu 1 với phường Hải Châu 2 thành phường Hải Châu thì thông tin trên giấy tờ kinh doanh và các loại giấy tờ khác của doanh nghiệp và giấy tờ tùy thân của các thành viên trong gia đình cũng sẽ phải điều chỉnh. “Không rõ thủ tục điều chỉnh này có phức tạp hay không ?” Đây cũng là băn khoăn chung của nhiều người dân cư trú tại các địa bàn có sự điều chỉnh, sắp xếp và sáp nhập đơn vị hành chính xã, phường tại Đà Nẵng trong thời gian tới.

Trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng về nội dung này, Thượng tá Huỳnh Mến, Phó trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an thành phố Đà Nẵng cho biết, từ ngày 1-1-2025, một số đơn vị hành chính cấp phường trên địa bàn thành phố Đà Nẵng thực hiện việc tách, gộp địa bàn nên một phần diện tích tự nhiên, quy mô dân số và tên đơn vị hành chính sẽ điều chỉnh sang đơn vị hành chính mới. Vì vậy, thông tin nơi thường trú, tạm trú, nơi ở hiện tại... trên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của các công dân cũng sẽ phải thay đổi. Bộ Công an đang cài đặt lại hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để cập nhật các thay đổi này.

Ngoài ra, đối với các trường hợp thuộc địa bàn tách, gộp nhưng tên đơn vị hành chính không đổi thì thông tin của công dân trong hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ không đổi (Ví dụ: phường A nhập vào phường B lấy tên là phường B thì thông tin của công dân thuộc địa bàn phường B trong hệ thống sẽ không đổi).

Theo ông Trần Trung Sơn, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, tại Điều 21, Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 quy định về chuyển đổi giấy tờ cho cá nhân, tổ chức. “Căn cứ quy định này, sau khi hoàn thành việc sắp xếp, sáp nhập phường, người dân, doanh nghiệp vẫn có thể được sử dụng thông tin, giấy tờ vẫn còn hạn để giải quyết các thủ tục hành chính. Tuy nhiên, để thuận tiện cho việc giao dịch trong tương lai, công dân, doanh nghiệp có thể chủ động nghiên cứu, thực hiện việc chuyển đổi thông tin”, ông Sơn thông tin.
Tại Đà Nẵng, UBND thành phố đã có chỉ đạo tại Kế hoạch số 176/KH-UBND ngày 15-9-2023 về thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025.

Cụ thể, cơ quan Công an có thẩm quyền phối hợp với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thu hồi con dấu cũ, khắc con dấu mới của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp do thay đổi địa giới và tên gọi của đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã sau khi thực hiện sắp xếp, hoàn thành chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đối với từng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có hiệu lực thi hành. UBND các cấp, các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ thẩm quyền để tổ chức thực hiện việc chuyển đổi các loại giấy tờ của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp do thay đổi địa giới và tên gọi của đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã sau sắp xếp (thực hiện theo quy định tại Điều 21, Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15).

“Về việc thay đổi thông tin của công dân sau sắp xếp đơn vị hành chính, thành phố Đà Nẵng đã quán triệt các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan căn cứ thẩm quyền để chủ động triển khai và hướng dẫn việc chuyển đổi các loại giấy tờ, thông tin của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp; tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để việc chuyển đổi giấy tờ được nhanh chóng, chính xác, đảm bảo theo quy định”, ông Trần Trung Sơn cho biết.

Điều 21, Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12-7-2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 quy định về chuyển đổi giấy tờ cho cá nhân, tổ chức như sau:
1. Các loại giấy tờ đã được cơ quan có thẩm quyền cấp cho cá nhân, công dân, tổ chức trước khi thực hiện sắp xếp theo đơn vị hành chính cũ nếu chưa hết thời hạn theo quy định vẫn được tiếp tục sử dụng.
2. UBND cấp tỉnh chỉ đạo UBND cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền và triển khai việc chuyển đổi các loại giấy tờ cho cá nhân, tổ chức; tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức khi thực hiện các thủ tục chuyển đổi các loại giấy tờ và không thu các loại phí, lệ phí khi thực hiện việc chuyển đổi do thay đổi địa giới đơn vị hành chính.

ĐẮC MẠNH

;
;
.
.
.
.