Vào thời điểm giao mùa, chuyển lạnh, nhiều bệnh ở người cao tuổi dễ xuất hiện và tái phát. Vì vậy người cao tuổi cần theo dõi, thăm khám kịp thời khi có dấu hiệu bệnh để chủ động bảo vệ sức khỏe của bản thân.
![]() |
Khi thời tiết chuyển lạnh, số lượng bệnh nhân cao tuổi đến khám và nhập viện điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng tăng. Ảnh: THU DUYÊN - QUỐC CƯỜNG |
Gia tăng ca bệnh khi thời tiết chuyển mùa
Từ tháng 12-2024, số lượng bệnh nhân cao tuổi đến khám và nhập viện điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng tăng đột biến. Theo bác sĩ Nguyễn Duy Khoa, Phó trưởng khoa Lão, trung bình mỗi ngày có 150-200 bệnh nhân cao tuổi đến khám, trong đó khoảng 30-50 trường hợp phải nhập viện do mức độ bệnh nặng, chủ yếu trong độ tuổi 60-70 tuổi. “Khoa Lão có 120 giường bệnh nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu khám và điều trị người cao tuổi ở Đà Nẵng và khu vực miền Trung, có những ngày bệnh viện phải bố trí thêm giường tạm để phục vụ bệnh nhân”, bác sĩ Khoa cho biết.
Theo các bác sĩ, vào mùa lạnh, bệnh nhân cao tuổi thường mắc các bệnh về đường hô hấp như viêm phế quản, viêm phổi và bệnh về đường tiêu hóa như nhiễm trùng đường ruột; các bệnh lý tim mạch như huyết áp cao, suy tim và đột quỵ; các bệnh về xương khớp. So với những nhóm tuổi khác, việc điều trị cho bệnh nhân cao tuổi khó khăn hơn. Người cao tuổi đa phần đều có các bệnh nền với triệu chứng diễn tiến âm thầm, khiến tình trạng bệnh khi được phát hiện thường rất nghiêm trọng. Một số trường hợp là bệnh nhân đa bệnh lý, họ không chỉ mắc một bệnh mà có sự kết hợp của nhiều bệnh diễn biến cấp tính, dễ tử vong hơn so với người trẻ. Chẳng hạn một bệnh nhân cao tuổi bị viêm phổi thường mắc kèm theo bệnh lý tim mạch, xương khớp. Do vậy, việc điều trị cần cân nhắc kỹ lưỡng sự tương tác giữa các loại thuốc khác nhau.
Bác sĩ Khoa cho hay, trong thời gian giao mùa và mùa lạnh, những người cao tuổi có bệnh nền cần chú ý bảo vệ sức khoẻ. Bên cạnh đó là những nhóm bệnh có khả năng chuyển biến nặng như tình trạng nhiễm trùng, đặc biệt nhiễm trùng đường hô hấp và đường tiêu hóa. Thứ hai là các đối tượng có bệnh lý về tim mạch, trong đó có huyết áp, suy tim và đột quỵ. Thứ ba là những đối tượng mắc bệnh về xương khớp. Vào thời tiết lạnh, các bệnh như viêm khớp dạng thấp, gout (gút), thoái hóa khớp thường diễn tiến nặng hơn so với những thời điểm khác trong năm.
Làm gì để bảo vệ sức khỏe người cao tuổi?
Việc phòng ngừa bệnh cần được điều chỉnh theo từng đối tượng và tình trạng bệnh lý của mỗi bệnh nhân. Tuy nhiên, có ba khuyến cáo chung quan trọng mà người cao tuổi cần lưu ý để bảo vệ sức khỏe của bản thân vào mùa lạnh. Thứ nhất, là chế độ sinh hoạt, nên thay đổi thời gian tập thể dục từ buổi sáng sớm sang buổi chiều, tập luyện trong nhà để tránh dao động nhiệt độ đột ngột, giảm nguy cơ biến chứng tim mạch, đột quỵ và nhồi máu cơ tim cấp.
Duy trì việc tập thể dục thường xuyên sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh. Tuy nhiên, đối với người cao tuổi, quá trình vận động phải phù hợp với tuổi tác, cơ địa. Do đó, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để được tư vấn về cường độ tập luyện phù hợp. Đồng thời, cần giữ ấm cơ thể, đặc biệt là vùng cổ, tay, chân. Thứ hai, là chế độ dinh dưỡng hợp lý, người cao tuổi cần tăng cường lượng calo tiêu thụ trong mùa lạnh (tăng khoảng 10-20% so với thông thường) để bù đắp năng lượng tiêu hao do cơ thể cần sinh nhiệt để duy trì nhiệt độ ổn định. Việc quan tâm đến chế độ dinh dưỡng là một trong những khuyến cáo quan trọng để bảo vệ sức khỏe vào mùa lạnh.
Cuối cùng, bệnh nhân cần đi khám sức khỏe định kỳ và tái khám khi có các triệu chứng bất thường để được bác sĩ tư vấn kịp thời. Việc chậm trễ trong hoạt động thăm khám có thể khiến bệnh tiến triển xấu đi. Thực tế, không ít người cao tuổi vào thời tiết lạnh thường trì hoãn việc thăm khám, đợi đến khi bệnh diễn tiến nặng mới đến bệnh viện, khiến thời gian cấp cứu và thời gian khám bệnh chậm trễ làm cho diễn biến bệnh nặng hơn. Đặc biệt là các bệnh lý về tim mạch, đột quỵ, mất đi thời gian vàng để kịp thời cứu chữa.
“Rất nhiều trường hợp bệnh nhân đã chuyển nặng, thậm chí tử vong vì trì hoãn thời gian khám chữa bệnh, thường rơi vào các nhóm bệnh về tim mạch và nhiễm trùng. Cụ thể, cách đây không lâu, một trường hợp bệnh nhân cao tuổi khởi phát đột quỵ lúc 10 giờ đêm, nhưng vì trời lạnh, con cái đi làm xa, nên đến sáng hôm sau mới vào viện. Lúc này, bệnh nhân đã chuyển bệnh nặng. Trong khi đó, nếu đến bệnh viện ngay khi khởi phát bệnh, kịp thời điều trị thì tiên lượng sẽ tốt hơn rất nhiều”, bác sĩ Khoa thông tin thêm.
Ngoài ra, một số trường hợp bệnh nhân nhiễm trùng với các biểu hiện sốt và ho, mua thuốc uống kéo dài 5-7 ngày, khi vào viện đã chuyển sang tình trạng nhiễm trùng huyết, thậm chí phải thở máy hay lọc máu. Theo bác sĩ Khoa, khi bị bệnh, người cao tuổi nói riêng và những nhóm đối tượng khác nói chung không nên tự ý sử dụng thuốc giảm đau và kháng sinh. Hai nhóm thuốc này nếu không dùng đúng bệnh, đúng chỉ định của bác sĩ sẽ có thể mang lại nhiều tai biến nguy hiểm. Bên cạnh đó, các bác sĩ lưu ý việc sử dụng thực phẩm chức năng. Thực phẩm chức năng chỉ có vai trò hỗ trợ, không thể thay thế thuốc điều trị. Do đó, việc lạm dụng thực phẩm chức năng hoặc sử dụng sai cách đều có thể dẫn đến hậu quả không mong muốn.
T.DUYÊN - Q.VƯƠNG