Cảnh giác "việc nhẹ lương cao" dành cho sinh viên

.

Hiện nay, nhiều sinh viên mong muốn tìm việc làm thêm để trang trải chi phí sinh hoạt. Lợi dụng tâm lý này, không ít đối tượng xấu đã đưa ra những lời mời hấp dẫn như “việc nhẹ lương cao” nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản hoặc dụ dỗ vào các công việc phi pháp.

Các đối tượng lừa đảo thường đăng tải thông tin giả mạo lên website hoặc hội nhóm tìm kiếm việc làm sinh viên nhằm thu lợi bất chính. Ảnh: KHÁNH HỘI
Các đối tượng lừa đảo thường đăng tải thông tin giả mạo lên website hoặc hội nhóm tìm kiếm việc làm sinh viên nhằm thu lợi bất chính. Ảnh: KHÁNH HỘI

Các hình thức lừa đảo

Trong các nhóm tìm việc làm thêm cho sinh viên trên mạng xã hội, có không ít bài đăng tuyển nhân viên nhập liệu, nhân viên đóng gói đơn hàng, quản lý trang bán hàng hay tuyển cộng tác viên cho các ứng dụng thương mại điện tự; đi kèm theo đó luôn có những câu cam kết như “Không cần kinh nghiệm, chỉ cần có điện thoại hoặc laptop”, “Làm thêm tại nhà nhưng có thu nhập ổn định”... Sau khi có sinh viên liên hệ, kẻ lừa đảo sẽ đưa ra mức lương “khủng”, cơ hội việc làm trong tương lai nhằm thao túng tâm lý.

Trần Thái Mỹ Linh, sinh viên năm 4, khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) cho biết, bản thân từng làm nhiều công việc như nhân viên phục vụ quán cà phê, tiệm bánh đến các cửa hàng thời trang... Theo Linh, các thông tin tuyển dụng được đăng tải rất nhiều trên mạng xã hội facebook, zalo.

“Khi học năm thứ 2, mình từng bị lừa khi liên hệ làm thêm tại một quán cà phê. Đối tượng khi ấy đã đưa mình một địa chỉ quán cà phê, yêu cầu đến đó để trao đổi nhưng khi đến nơi mình phát hiện địa chỉ ấy là nhà dân nên đã quay về ngay. Lần khác khi tìm suất dạy học, mình thấy một bài đăng khá phù hợp nên liên hệ trao đổi thông tin thì nhận được yêu cầu phải cọc tiền trước. Do nôn nóng có việc làm, mình đã chuyển 400.000 đồng tiền cọc cho họ. Ngay khi nhận cọc, họ chặn số điện thoại và khóa các trang tuyển dụng, khi đó mới biết bản thân bị lừa”, Linh chia sẻ.

Các hình thức lừa đảo liên quan tới việc làm thêm cho sinh viên hiện nay rất đa dạng, như yêu cầu đóng tiền cọc để giữ chỗ hay đóng tiền làm các giấy tờ liên quan. Những kẻ lừa đảo lợi dụng nhu cầu kiếm thêm thu nhập và dùng mạng xã hội - nền tảng mà hầu hết sinh viên đều dùng để đăng tải các nội dung kèm theo dẫn chứng những người cộng tác trước đó đã có mức lương hơn 10 triệu đồng nhằm tạo sự uy tín.

Nguyễn Tường Vy, sinh viên năm 2, ngành Thiết kế đồ họa (Đại học Duy Tân), cho biết cách đây không lâu có tham gia làm cộng tác viên cho một trang web bán hàng. Thời gian đầu Vy được nhóm này giao nhiệm vụ và đưa ra mốc thời gian để hoàn thành, khi xong việc được nhận tiền ngay. “Sau khi thấy khoản tiền kiếm được khá dễ dàng, mình càng ham, càng lún sâu vào. Lúc đó cứ vài ngày họ yêu cầu mình đóng tiền cọc một lần và nói “khi nào làm xong sẽ hoàn trả lại tiền cọc và tiền lương, nếu nghỉ ngang sẽ mất tất cả nên mình không dám nghỉ. Chỉ đến khi số tiền cọc đã lên đến vài triệu, mình mới nhận ra bản thân đang làm việc cho một tổ chức lừa đảo nên quyết định dừng lại”, Vy kể.

Để không rơi vào “bẫy lừa”

Để không rơi vào “bẫy lừa” khi tìm kiếm công việc làm thêm, sinh viên cần trang bị cho mình những kiến thức và kỹ năng cần thiết. Anh Đồng Thế Hưng, Phó Bí thư Đoàn trường Đại học Sư phạm cho rằng sinh viên cần hiểu rõ các dấu hiệu lừa đảo, như yêu cầu đặt cọc trước, thông tin tuyển dụng không rõ ràng hoặc hứa hẹn về mức lương quá cao so với thực tế công việc. Đồng thời, cần tìm hiểu kỹ thông tin về công ty, doanh nghiệp qua trang web chính thức hoặc các đánh giá của người lao động trước đó.

Sinh viên cũng nên tham khảo ý kiến từ thầy cô, bạn bè hoặc các tổ chức Đoàn - Hội trong nhà trường để kiểm chứng độ uy tín. Về kỹ năng, sinh viên cần rèn luyện khả năng giao tiếp, kỹ năng tra cứu thông tin và đánh giá, phân tích tình huống khách quan. Đặc biệt, luôn tỉnh táo trước những lời mời gọi hấp dẫn và tránh việc cung cấp thông tin cá nhân hoặc giấy tờ tùy thân nếu chưa xác minh rõ ràng.

Cũng theo anh Hưng, hiện nay hầu hết các trường đều tổ chức những buổi talkshow, chuyên đề định hướng nghề nghiệp hoặc phối hợp công an thành phố tổ chức các chuyên đề an toàn trên không gian mạng nhằm trang bị kiến thức cần thiết và cảnh báo chiêu trò lừa đảo phổ biến. Điều này giúp sinh viên nâng cao ý thức cảnh giác để tự biết cách bảo vệ mình.

“Tìm việc làm thêm là nhu cầu chính đáng của sinh viên, nhưng các em cần cẩn trọng và tỉnh táo để tránh rơi vào bẫy lừa đảo. Hãy luôn kiểm tra kỹ thông tin, không vội tin vào những lời mời “việc nhẹ lương cao”, đồng thời trang bị kiến thức để bảo vệ bản thân khỏi những rủi ro không đáng có”, anh Hưng khuyến cáo.

KHÁNH HỘI

;
;
.
.
.
.