Luôn được ví là một trong những “bãi biển quyến rũ nhất hành tinh” nhưng từ các năm 2017 đến nay, nhiều đoạn bãi biển Đà Nẵng xuất hiện hiện tượng sạt lở, nhất là dọc tuyến đường Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa thuộc địa bàn hai quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn. Tình hình trở nên nghiêm trọng vào tháng 12-2024, do tác động của gió mùa đông bắc mạnh và sóng lớn nên hiện tượng sạt lở bờ biển, đoạn từ ngã ba đường Nguyễn Văn Thoại - Võ Nguyên Giáp đến ngã ba đường Võ Văn Kiệt - Võ Nguyên Giáp và tại bãi biển Mân Thái (quận Sơn Trà) càng trầm trọng hơn, gây xâm thực bờ biển, làm hư hỏng một số ki-ốt kinh doanh dịch vụ, cây cối và hạ tầng tại khu vực.
![]() |
Các lực lượng phối hợp tham gia khắc phục sạt lở ở bãi biển Mỹ Khê hồi tháng 12-2024. Ảnh: KHÁNH HÒA |
Đối với Đà Nẵng, địa phương có đường bờ biển dài, chiếm vị trí quan trọng với nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế thì hiện tượng sạt lở kéo dài trong những năm qua khiến các cấp, ngành liên quan cần chung tay có giải pháp căn cơ nhằm khắc phục, cải thiện hiện trạng này. Không chỉ lấy lại vẻ đẹp vốn có của bãi biển mà còn bảo đảm sự an toàn cho người dân. Kinh nghiệm từ ngàn xưa để lại, ở những địa phương có đường bờ biển kéo dài thường trồng hàng dài phi lao có gốc được chôn sâu dưới lòng đất, rễ bám chặt để giữ thân cây luôn đứng thẳng, đủ sức chống chịu trước sự tàn phá của mưa bão, tình trạng biến đổi khí hậu.
Thời gian qua, để xử lý tình trạng sạt lở các đoạn bãi biển, UBND thành phố ban hành nhiều kế hoạch ứng phó đồng thời thường xuyên tổ chức kiểm tra và chỉ đạo các sở, ban ngành, địa phương liên quan khẩn trương xử lý tình trạng sạt lở. Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, đơn vị đã tham mưu UBND thành phố ban hành Công văn số 7510/UBND-SNN chỉ đạo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn chủ đầu tư dự án xử lý khẩn cấp sạt lở bờ biển đường Trường Sa - Võ Nguyên Giáp - Hoàng Sa từ nguồn Quỹ Phòng chống thiên tai thành phố.
Sở Du lịch chỉ đạo Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng phối hợp UBND quận Sơn Trà và các đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện các nội dung đảm bảo an toàn tại các khu vực bị sạt lở theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố.
Để thực hiện kiên cố hóa hệ thống kè phòng chống sạt lở bờ biển, hiện nay, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông và nông nghiệp đang nghiên cứu thực hiện dự án đầu tư, gia cố hệ thống kè dọc tuyến đường ven biển Hoàng Sa - Trường Sa - Võ Nguyên Giáp. Đồng thời, để có cơ sở khoa học đề xuất các giải pháp căn cơ, lâu dài và phù hợp thực tế, từ năm 2021-2024, UBND thành phố giao Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện đề tài cấp thành phố “Nghiên cứu xác định nguyên nhân gây xói lở bờ biển và đề xuất các giải pháp bảo vệ bờ biển thành phố Đà Nẵng”.
Đề tài này do Trường Đại học Thủy lợi chủ trì và GS.TS. Thiều Quang Tuấn làm chủ nhiệm. Đề tài nghiệm thu vào ngày 6-12-2024 và được Sở Khoa học và Công nghệ công nhận kết quả nghiên cứu tại Quyết định số 27/QĐ- SKHCN ngày 15-1-2025. Kết quả nghiên cứu đã phân tích được hiện trạng và lịch sử diễn biến xói lở dường bờ biển thành phố Đà Nẵng và từ đó liên hệ với các quá trình tự nhiên, với tác động từ các hoạt động dân sinh kinh tế - xã hội.
Thông qua các kết quả từ nhiều mô hình số mô phỏng với nhiều kịch bản, đề tài đã xây dựng được một bức tranh tổng thể về các yếu tố và quá trình thủy thạch động lực chi phối tới diễn biến bồi xói bờ biển của thành phố, như các kết quả về nguồn cung bùn cát sông, chế độ sóng ven bờ và ảnh hưởng của chu kỳ thời tiết ENSO, dòng chảy bùn cát ven bờ và cân bằng bùn cát dọc bờ.
Kết quả nghiên cứu xác định được nguyên nhân và cơ chế gây xói lở cho bờ biển Đà Nẵng. Trên cơ sở các nguyên nhân và cơ chế gây xói lở đã được xác định, đề tài đã đề xuất được các phương án bảo vệ tổng thể được cấu thành từ các nhóm giải pháp mềm bảo vệ dựa vào tự nhiên. Theo đó 4 phương án cho dải bờ biển phía Đông (nuôi bãi điểm, nuôi bãi tập trung quy mô lớn, nuôi bãi xa bờ, và phương án hệ thống đê giảm sóng đỉnh thấp xa bờ) và 3 phương án cho bờ biển trong vịnh (gồm hệ thống mỏ hàn, nuôi bãi trực tiếp thuần túy và nuôi bãi kết hợp công trình) đã được đề xuất. Đề tài cũng nghiên cứu đề xuất phương án công trình giảm thiểu tổn thất bùn cát xuống phía Nam nhằm gia tăng hiệu quả của các phương án bảo vệ bờ, chống xói lở cho Đà Nẵng.
Bên cạnh đó, đề tài dự báo xu thế biến động đường bờ theo các kịch bản phát triển, xây dựng bản đồ nguy cơ xói lở cho bờ biển thành phố và thiết kế mẫu áp dụng giải pháp bảo vệ, chống xói lở cho một đoạn bờ biển điển hình của Đà Nẵng theo phương án tổng thể lựa chọn (nuôi bãi điểm) cùng với giải pháp công trình giảm thiểu thất thoát bùn cát xuống phía Nam. Các kết quả nghiên cứu của đề tài đã bổ sung cơ sở khoa học và thực tiễn trong công tác phòng chống xói lở bờ biển, là nguồn tham khảo giúp thành phố định hướng trong công tác quy hoạch, triển khai các dự án bảo vệ bờ biển và phát triển cơ sở hạ tầng ven biển trong tương lai.
NHÂN HÒA ANH