Việc địa chỉ không trùng với tên gọi mới sau sáp nhập đơn vị hành chính khiến nhiều người dân lo ngại về tính pháp lý và hiệu lực của giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (sổ đỏ). Qua đường dây nóng của Báo Đà Nẵng, nhiều bạn đọc thắc mắc có bắt buộc phải làm lại sổ đỏ hay không?
![]() |
Người dân đến thực hiện thủ tục hành chính tại bộ phận “Một cửa”, Văn phòng Đăng ký đất đai ở UBND quận Sơn Trà. Ảnh: VĂN HOÀNG |
Người dân băn khoăn, lo lắng
Trước thông tin dự kiến sáp nhập và thay đổi tên gọi của các đơn vị hành chính, nhiều người lo lắng về việc liệu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (sổ đỏ) có còn giá trị pháp lý hay không. Vấn đề thông tin không khớp giữa sổ đỏ và các giấy tờ khác sẽ ảnh hưởng thế nào đến tính hợp pháp của giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhất là trong các giao dịch mua bán, chuyển nhượng hay khi thực hiện các thủ tục hành chính.
Ông Nguyễn Văn Hải (quận Sơn Trà) cho biết, thông tin trên sổ đỏ của gia đình ông là “phường Mân Thái, quận Sơn Trà”. Theo chủ trương sáp nhập được Trung ương thống nhất, chính quyền địa phương sẽ gồm cấp thành phố và phường, xã, đồng thời, tên gọi mới của phường, xã sẽ được thay đổi. Ông Hải lo lắng việc thông tin trên sổ đỏ không khớp với địa danh hành chính sẽ ảnh hưởng đến các thủ tục khác liên quan đến tài sản này.
Không chỉ lo ngại về giá trị pháp lý của sổ đỏ, nhiều người dân còn băn khoăn về thủ tục và chi phí phát sinh nếu phải làm lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Điều này đặc biệt gây khó khăn cho những người không rành về các thủ tục hành chính.
Ông Nguyễn Văn Tùng (quận Liên Chiểu) thắc mắc việc phải thay đổi sổ đỏ để cập nhật thông tin về tên đơn vị hành chính mới. Theo đó, người dân cần thực hiện thủ tục gì, quy trình ra sao và mức phí sẽ như thế nào? Hơn hết, khi người dân chưa nhận được thông tin đầy đủ về các thay đổi hành chính, sẽ bị bỡ ngỡ và gặp khó khăn trong việc thực hiện các thủ tục. “Điều khiến người dân lo ngại là không biết phải làm từ đâu, bắt đầu từ đâu. Người dân sẽ vất vả và bất tiện khi phải đi lại nhiều lần, mất nhiều thời gian nếu không làm đúng thủ tục”, ông Tùng bày tỏ.
Trong khi đó, anh Trương Công Tuấn Anh (quận Hải Châu) lo ngại, nếu người dân ồ ạt thay đổi thông tin sổ đỏ sau khi sáp nhập đơn vị hành chính, sẽ gây ra tình trạng quá tải trong việc tiếp nhận và xử lý hồ sơ tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai của địa phương. Điều này không chỉ tạo ra áp lực công việc tại bộ phận “Một cửa”, mà còn có thể dẫn đến tình trạng chậm trễ trong việc giải quyết thủ tục. Các cơ quan chức năng sẽ phải giải quyết khối lượng lớn công việc trong khi không đủ nhân lực để xử lý kịp thời.
“Hiện nay, lượng người dân đang giao dịch, làm hồ sơ, thủ tục tại Văn phòng Đăng ký đất đai tại một số địa phương rất đông, có thời điểm quá tải. Do đó, sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính, việc làm lại sổ đỏ cần được triển khai hợp lý, tránh trường hợp đồng loạt thay đổi thông tin gây ra tình trạng ùn tắc và kéo dài thời gian chờ đợi”, anh Tuấn Anh đề xuất.
Không bắt buộc thực hiện chỉnh lý đồng loạt
Liên quan đến vấn đề này, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã có Công văn 991/BNNMT-QLĐĐ ngày 11-4-2025 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn chi tiết về việc chỉnh lý hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai và tổng hợp số liệu diện tích tự nhiên khi cả nước đang sắp xếp lại đơn vị hành chính các cấp. Đối với giấy chứng nhận đã cấp qua các thời kỳ, người dân không bắt buộc làm lại đồng loạt giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đã cấp. Nếu có nhu cầu chỉnh lý, người dân có thể thực hiện đồng thời với thủ tục hành chính về đất đai như chuyển nhượng, đăng ký đất đai...
Việc thay đổi thông tin của thửa đất (số tờ, số thửa, địa chỉ) trên sổ đỏ thực hiện theo Thông tư số 10/2024/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) về hồ sơ địa chính, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. Nếu sổ đỏ không còn dòng trống để xác nhận thay đổi, người dân cần làm thủ tục cấp mới để bổ sung thông tin theo hướng dẫn tại Nghị định 101/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định về điều tra cơ bản đất đai; đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hệ thống thông tin đất đai.
Về tờ bản đồ địa chính, tên gọi gồm cấp tỉnh, thành phố và cấp phường, xã, thị trấn sau khi sắp xếp; số hiệu mảnh bản đồ địa chính và số thứ tự trong phạm vi cấp xã. Thông tin cấp xã trước khi sắp xếp cần được ghi chú ở ngoài khung bản đồ nhằm phục vụ tra cứu.
Bên cạnh đó, UBND cấp tỉnh sau sáp nhập cần chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường chuyển đổi cơ sở dữ liệu đất đai từ phần mềm khác sang một phần mềm thống nhất để cập nhật, liên thông, chia sẻ dữ liệu đất đai. Ngoài ra, dữ liệu không gian đất đai nền theo địa giới hành chính mới cần bổ sung nhóm dữ liệu về thửa đất gồm mã cấp xã, số hiệu tờ bản đồ, số thửa đất địa chỉ theo đơn vị hành chính mới.
UBND cấp tỉnh, thành phố được giao rà soát, thống kê danh mục hồ sơ địa chính và các loại sổ sách, tài liệu dạng giấy lưu trữ qua các giai đoạn để sẵn sàng bàn giao cho đơn vị hành chính mới, tránh thất lạc, tiềm ẩn rủi ro cho việc quản lý. Sổ cấp giấy chứng nhận đã lập khi cấp sổ đỏ lần đầu cần bàn giao cho chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai ngay sau khi sắp xếp đơn vị hành chính để lưu trữ.
VĂN HOÀNG