Theo Thông tư 86/2024/TT-BTC của Bộ Tài chính có hiệu lực từ ngày 6-2-2025, từ ngày 1-7-2025, số định danh cá nhân sẽ chính thức thay thế mã số thuế đối với cá nhân, hộ gia đình, hộ kinh doanh và cả người phụ thuộc. Việc thay đổi này được kỳ vọng sẽ đơn giản hóa thủ tục hành chính, minh bạch dữ liệu thuế, nhưng cũng đặt ra không ít băn khoăn về tính bảo mật thông tin cá nhân và khả năng đồng bộ dữ liệu trên toàn hệ thống.
![]() |
Người dân làm thủ tục thuế tại Đội Thuế khu vực Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn. Ảnh: VIỆT ÂN |
Người dân nói gì?
Theo quy định tại Thông tư 86/2024/TT-BTC, từ nay đến hết ngày 30-6-2025, mã số thuế do cơ quan thuế cấp sẽ vẫn được sử dụng đối với cá nhân, hộ gia đình và hộ kinh doanh. Tuy nhiên, bắt đầu từ ngày 1-7-2025, các đối tượng này (bao gồm cả người phụ thuộc) sẽ chính thức sử dụng số định danh cá nhân thay cho mã số thuế. Đây là bước thay đổi lớn trong quản lý thuế nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, hướng đến việc đồng bộ hóa dữ liệu công dân.
Về vấn đề này, bạn đọc Nguyễn Thị Thanh Mai (quận Hải Châu) chia sẻ, hiện nay, mỗi người dân phải ghi nhớ quá nhiều loại mã số khác nhau như: số căn cước công dân, mã số thuế, mã bảo hiểm xã hội, số tài khoản ngân hàng... Điều này khiến việc kê khai, điền thông tin trong các biểu mẫu hành chính dễ gặp sai sót, mất thời gian tra cứu. Nếu chỉ sử dụng một mã duy nhất là số định danh cá nhân để thay cho mã số thuế thì người dân sẽ thuận tiện hơn rất nhiều. Đây là mã số vừa dễ nhớ, vừa hạn chế nhầm lẫn và giảm bớt những khai báo không cần thiết.
“Để việc chuyển đổi diễn ra suôn sẻ, cơ quan chức năng cần chủ động truyền thông rộng rãi hơn đến người dân, thông tin rõ ràng về thời điểm áp dụng, cách tra cứu, đối tượng áp dụng và những lưu ý cụ thể, tránh người dân hoang mang, lo lắng khi thực hiện các nghĩa vụ thuế trong thời gian tới”, chị Mai nhấn mạnh.
Trong khi đó, không ít bạn đọc bày tỏ sự lo ngại khi số định danh cá nhân vốn gắn với nhiều thông tin quan trọng thì nay lại được sử dụng thay cho mã số thuế. Việc mở rộng phạm vi sử dụng số định danh trong lĩnh vực thuế khiến nhiều người đặt câu hỏi: liệu cơ sở dữ liệu của ngành thuế đã đủ bảo mật và đồng bộ để tiếp nhận thông tin quan trọng này hay chưa?
Chia sẻ trường hợp từng gặp trục trặc trong quá trình xử lý dữ liệu thuế, bà Huỳnh Thị Rợ Em (trú tại phường Mân Thái, quận Sơn Trà) cho biết, hiện đang làm việc tại một doanh nghiệp trên địa bàn quận Hải Châu. Tuy nhiên, trong hồ sơ thuế thu nhập cá nhân, bà bất ngờ được cơ quan chức năng thông tin có hai doanh nghiệp cùng đứng tên đóng thuế cho mình. Bà phải đến tận cơ quan thuế để trình bày, làm việc để được điều chỉnh. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi và nghĩa vụ nộp thuế, mà còn khiến người dân mất thời gian và công sức để làm rõ sai sót.
Theo bà Em, việc sử dụng số định danh cá nhân để thay thế mã số thuế là bước đi mang tính cải cách hành chính tích cực. Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả, cơ quan chức năng cần bảo đảm hệ thống dữ liệu thuế an toàn, tránh việc bị rò rỉ hay sử dụng sai mục đích. “Chỉ cần bị lộ số căn cước thôi là người dân đã có thể bị kẻ xấu lợi dụng, lừa đảo dưới nhiều hình thức khác nhau. Giờ số định danh lại tích hợp thêm chức năng về thuế, thì rủi ro càng lớn hơn nếu không có các lớp bảo mật đủ mạnh”, bà Em nhấn mạnh.
Cần hành lang pháp lý đồng bộ và bảo mật
Theo Luật sư Nguyễn Trọng Sang, Văn phòng luật sư Tân Hòa (phường Thạch Thang, quận Hải Châu), việc sử dụng số định danh cá nhân thay cho mã số thuế mang lại nhiều lợi ích người dân, hộ gia đình, kinh doanh và cơ quan quản lý. Người dân chỉ cần nhớ một mã duy nhất là số định danh cá nhân, giúp tiết kiệm thời gian, giảm thiểu sai sót khi thực hiện các thủ tục. Việc sử dụng số định danh cá nhân cũng mở ra khả năng kết nối, liên thông dữ liệu giữa các cơ quan chức năng như: Cục Thuế, Bộ Công an, Bảo hiểm xã hội, Kho bạc Nhà nước… tạo nên hệ thống dữ liệu thống nhất, tăng tính minh bạch, chính xác và hiệu quả trong quản lý.
Đối với cơ quan thuế, việc sử dụng duy nhất số định danh giúp hạn chế tình trạng cấp trùng, cấp sai mã số thuế; đồng thời giảm chi phí quản lý, không còn phải duy trì song song hai cơ sở dữ liệu (mã số thuế và số định danh). Số định danh cá nhân còn đóng vai trò là “cầu nối” để các cơ quan dễ dàng truy xuất, kiểm tra dữ liệu liên ngành như: thu nhập, hồ sơ vay vốn, kê khai tài sản cán bộ hay xử lý các khoản thuế tồn đọng… có thể kiểm tra nhanh chóng và chính xác, góp phần tăng hiệu quả giám sát, minh bạch hóa thông tin tài chính cá nhân.
Luật sư Nguyễn Trọng Sang lưu ý, số định danh cá nhân là “chìa khóa” truy cập rất nhiều thông tin quan trọng của mỗi người nên cần cơ chế bảo mật mạnh mẽ để tránh nguy cơ bị tấn công, đánh cắp dữ liệu từ các hệ thống kết nối. Hiện các văn bản pháp luật như: Luật Quản lý thuế 2019, Luật Kế toán và một số thông tư chuyên ngành… vẫn đang sử dụng khái niệm “mã số thuế”.
Do đó, cần được cập nhật đồng bộ để tránh gây ra sự lúng túng, hiểu nhầm hoặc khó khăn trong quá trình làm hồ sơ, kê khai, thậm chí là khiếu nại nếu xảy ra sai sót liên quan đến số định danh. Luật sư Sang kiến nghị cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc chuyển đổi, bao gồm việc sửa đổi, bổ sung các luật và thông tư liên quan, đồng thời ban hành nghị định hướng dẫn cụ thể.
Trong giai đoạn chuyển tiếp từ ngày 1-7 đến hết năm 2025, nên cho phép người dân sử dụng song song mã số thuế cũ và số định danh cá nhân, tránh gây gián đoạn trong tiếp cận dịch vụ công, đặc biệt là đối với người cao tuổi hoặc người dân ở vùng sâu, vùng xa chưa kịp cập nhật căn cước công dân. Ngoài ra, cần đẩy mạnh truyền thông, hướng dẫn trên nhiều nền tảng, kênh tiếp cận để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp hiểu đúng, làm đúng, đồng hành hiệu quả với chủ trương này.
VIỆT ÂN