Đăng ký công dân điện tử

Những ngày cuối năm 2017, đến trụ sở UBND phường Thanh Bình (quận Hải Châu), nhiều người có lẽ ngạc nhiên vì sự thay đổi ở bộ phận Một cửa điện tử; hệ thống máy tính và bảng điện tử được lắp thêm. Chị Phạm Thị Ngọ, cán bộ thống kê cho biết, phường Thanh Bình là một trong 3 phường của quận Hải Châu được thành phố quan tâm hỗ trợ kinh phí hoàn thiện trang thiết bị để đáp ứng việc xây dựng chính quyền điện tử mức độ 2.

Ở Đà Nẵng, hệ thống quản lý văn bản và điều hành được triển khai từ năm 2003, tiền thân là trang web điều hành tác nghiệp được xây dựng theo Đề án 112, sau đó nâng cấp thành Hệ thống quản lý văn bản, điều hành theo Quyết định số 43/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 24-2-2008. Cùng với các phường khác trên địa bàn thành phố, phường Thanh Bình đã sử dụng hệ thống trên, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý và điều hành, xử lý văn bản tại địa phương.

Chủ tịch UBND phường Thanh Bình Hồ Thị Thúy Nga cho biết: “Từ việc áp dụng hệ thống quản lý văn bản điều hành qua phần mềm điện tử đã tạo ra một bước tiến trong cải cách hành chính (CCHC) ở phường. Đầu năm 2017, UBND phường triển khai thêm hệ thống tin nhắn SMS, góp phần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong CCHC. Theo đó, một số thông báo mời họp, triển khai công việc của phường… được gửi đến cán bộ ở văn phòng, các cấp ủy chi bộ, trưởng ban công tác Mặt trận, tổ trưởng dân phố của 36 khu dân cư thông qua điện thoại di động. Hình thức này bước đầu giảm chi phí in, ấn, văn thư”.

Bà Nga cho hay, thực hiện Công văn số 751/UBND-VP ngày 22-5-2017 của UBND quận Hải Châu, UBND phường Thanh Bình đã có văn bản gửi đến các tổ trưởng dân phố yêu cầu báo cáo cấp ủy và phối hợp với Ban công tác Mặt trận, chi đoàn thanh niên tuyên truyền, vận động các hộ gia đình đăng ký với chỉ tiêu 100% theo mẫu khai thông tin cá nhân. Khi thực hiện đăng ký tài khoản công dân điện tử, Đảng ủy phường chỉ đạo sát sao đến từng bí thư chi bộ và các đoàn thể để thấy rõ tầm quan trọng của việc đăng ký này góp phần tăng cường sự điều hành hiệu quả của chính quyền.

Theo Công văn số 1614/UBND-PNV ngày 29-9-2017 của UBND quận Hải Châu về việc đăng ký công dân điện tử trên hệ thống egov Đà Nẵng, đối tượng chủ yếu tập trung vào công dân từ 18-60 tuổi. Đến cuối tháng 10 vừa qua, có 100% hộ gia đình đăng ký, nhưng mới có 4.267 công dân thực hiện đăng ký (so với số công dân trong quy định của phường là 8.027 người), chiếm 53,15%. Hiện nay, khó khăn là khi công dân đăng ký tài khoản công dân điện tử qua tin nhắn SMS, thì việc triển khai các công việc tiếp theo là phải có máy tính nối mạng, nhưng số lượng công dân có máy tính rất ít nên việc áp dụng sẽ hạn chế.

Để tạo điều kiện cho phường Thanh Bình nói riêng và các phường khác  triển khai hệ thống điện tử và thực hiện tốt tài khoản công dân điện tử, thiết nghĩ các cấp chính quyền của thành phố và quận cần tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ CNTT cấp phường, hoàn chỉnh phần mềm Một cửa điện tử nhằm bảo đảm việc nhập, luân chuyển, lưu trữ và tra cứu hồ sơ.

Ngoài ra, việc đăng nhập xin tài khoản egov Đà Nẵng hiện còn bất cập, đó là khi nhắn tin qua tổng đài 8188, cổng thông tin cho tài khoản kèm theo mật khẩu. Nhưng mật khẩu này chỉ lưu lại được 3 ngày là không sử dụng được nên bắt buộc phải thay đổi mật khẩu, nhưng không phải công dân nào cũng thao tác đổi mật khẩu được. Vì vậy, nên chăng tại vị trí tài khoản được cấp, cổng điện tử nên đưa ra khuyến cáo và chỉ dẫn cách đổi mật khẩu để người dân có thể thực hiện ngay mà không cần phải mở trang thông tin cá nhân. Hiện tại, người dân đăng ký tài khoản nhưng không sử dụng được do chưa đổi mật khẩu. Hơn nữa, mỗi số CMND chỉ được cấp duy nhất một tài khoản. Đa số người dân kiến nghị Cổng thông tin hành chính công Đà Nẵng nên triển khai, hướng dẫn đơn giản, dễ hiểu hơn, tạo điều kiện cho mọi người dân có thể sử dụng tài khoản của mình.

DUY HẢI

;
.
.
.
.
.