Pháp luật & Công dân

Khối lượng kiến thức, yêu cầu năng lực với người tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng

Thông tư 12/2017/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội có hiệu lực thi hành từ ngày 15-6 quy định khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp trình độ trung cấp, cao đẳng.

Theo đó, khối lượng kiến thức tối thiểu đối với trình độ trung cấp là: 35 tín chỉ đối với người có bằng tốt nghiệp THPT, 50 tín chỉ đối với người có bằng tốt nghiệp THCS và có thời gian học tập từ 1 đến 2 năm học tùy theo từng ngành, nghề đào tạo. Khối lượng kiến thức lý thuyết và kỹ năng thực hành tùy theo từng ngành, nghề đào tạo phải bảo đảm tỷ lệ: lý thuyết chiếm từ 25-45%; thực hành từ 55-75%.

Đối với trình độ cao đẳng, khối lượng kiến thức tối thiểu là 60 tín chỉ và có thời gian học tập từ 2 đến 3 năm học tùy theo từng ngành, nghề đào tạo. Khối lượng kiến thức lý thuyết và kỹ năng thực hành tùy theo từng ngành, nghề đào tạo phải bảo đảm tỷ lệ: lý thuyết chiếm từ 30-50%; thực hành từ 50-70%.

Theo thông tư này, với việc đào tạo trình độ trung cấp, yêu cầu người học sau khi tốt nghiệp phải có năng lực thực hiện được một số công việc có tính phức tạp của ngành hoặc nghề; có khả năng ứng dụng kỹ thuật, công nghệ vào công việc, có khả năng làm việc độc lập hoặc làm việc theo nhóm. Cụ thể, phải có kiến thức thực tế và lý thuyết tương đối rộng trong phạm vi của ngành, nghề đào tạo; có kiến thức cơ bản về chính trị, văn hóa, xã hội và pháp luật đáp ứng yêu cầu công việc nghề nghiệp và hoạt động xã hội thuộc lĩnh vực chuyên môn; có kiến thức về công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu công việc. Người học sau khi tốt nghiệp trình độ trung cấp phải  bảo đảm có năng lực ngoại ngữ bậc 1/6 Khung năng lực ngoại ngữ của Việt Nam.

Với việc đào tạo trình độ cao đẳng, yêu cầu người học có năng lực thực hiện được công việc của trình độ trung cấp và giải quyết được các công việc có tính phức tạp của ngành, nghề đào tạo; có khả năng sáng tạo, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ hiện đại vào công việc, hướng dẫn và giám sát được người khác trong nhóm thực hiện công việc.

Thông tư cũng nêu rõ, trên cơ sở Quy định khối lượng kiến thức tối thiểu và yêu cầu về năng lực mà người học phải đạt được sau khi tốt nghiệp trình độ trung cấp, cao đẳng theo từng ngành, nghề đào tạo đã được ban hành, các trường củng cố và tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng để thực hiện đúng theo quy định; bảo đảm các chuẩn về: chương trình, giáo trình đào tạo; cơ sở vật chất thiết bị thí nghiệm, thực hành, thực tập; đội ngũ giảng viên, giáo viên, phương pháp giảng dạy, thi kiểm tra, đánh giá; liên kết giữa trường với doanh nghiệp và các tổ chức hoạt động xã hội nghề nghiệp khác. Ít nhất 3 năm một lần, Quy định khối lượng kiến thức tối thiểu và yêu cầu về năng lực mà người học phải đạt được sau khi tốt nghiệp trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng theo từng ngành, nghề đào tạo phải được rà soát, điều chỉnh và bổ sung cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn, sự phát triển của khoa học, công nghệ và đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, yêu cầu của các doanh nghiệp.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm chủ trì và phối hợp với các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo việc tổ chức xây dựng và ban hành Quy định khối lượng kiến thức tối thiểu và yêu cầu về năng lực mà người học phải đạt được sau khi tốt nghiệp trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng theo từng ngành, nghề đào tạo; tổ chức kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định về khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học phải đạt được tại các trường. Đồng thời, chỉ đạo việc cập nhật, sửa đổi, bổ sung Quy định khối lượng kiến thức tối thiểu và yêu cầu về năng lực mà người học phải đạt được sau khi tốt nghiệp trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng theo từng ngành, nghề đào tạo phù hợp với những thay đổi của khoa học công nghệ, tổ chức sản xuất và dịch vụ của thị trường lao động.

Các trường căn cứ vào Quy định khối lượng kiến thức tối thiểu và yêu cầu về năng lực mà người học phải đạt được sau khi tốt nghiệp trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng theo từng ngành, nghề đào tạo được ban hành để tổ chức xây dựng, bổ sung, chỉnh sửa và thẩm định, phê duyệt chương trình, giáo trình đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng cho từng ngành, nghề đào tạo của trường mình. Song song đó, tiến hành kiểm tra, thanh tra nội bộ và tự đánh giá việc tổ chức thực hiện các quy định về khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp đối với trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng của trường.

TH.S tổng hợp

;
.
.
.
.
.