6 luật chính thức có hiệu lực vào năm 2018

.

Sáng 12-7, tại Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về công bố 6 luật. Đó là Luật Quản lý ngoại thương; Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; Luật Chuyển giao công nghệ; Luật Du lịch; Luật Thủy lợi; Luật Đường sắt. Đây là các luật đã được thông qua tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV.

Luật Quản lý ngoại thương gồm 8 chương, 113 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2018. Luật chủ yếu điều chỉnh công tác quản lý Nhà nước về ngoại thương gồm: các biện pháp quản lý, điều hành hoạt động ngoại thương liên quan đến mua bán hàng hóa quốc tế; không điều chỉnh, can thiệp vào các hoạt động cụ thể của thương nhân, giữa các thương nhân với nhau; chỉ điều chỉnh đối tượng là hàng hóa, không điều chỉnh đối tượng dịch vụ.

Lần đầu tiên luật khẳng định quyền tự do kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu của thương nhân chỉ bị hạn chế nếu thuộc các trường hợp mà luật quy định biện pháp cấm, tạm ngừng hoặc hạn chế xuất khẩu, nhập khẩu. Riêng đối tượng là thương nhân là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, thương nhân nước ngoài không có hiện diện ở Việt Nam, luật quy định quyền, nghĩa vụ của các đối tượng này theo đúng cam kết trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) gồm 4 chương, 35 điều, quy định nguyên tắc, nội dung, nguồn lực hỗ trợ DNNVV; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan đến hỗ trợ DNNVV. Luật áp dụng 3 tiêu chí lao động, doanh thu, nguồn vốn để xác định DNNVV; trong đó, số lao động tham gia bảo hiểm xã hội (không quá 200 người) là tiêu chí bắt buộc, được kết hợp với một trong 2 tiêu chí là tổng nguồn vốn (không quá 100 tỷ đồng) hoặc tổng doanh thu của năm trước liền kề (không quá 300 tỷ đồng). Luật có hiệu lực từ ngày 1-1-2018.

Luật Chuyển giao công nghệ gồm 60 điều, được bố cục thành 6 chương. Luật bổ sung cơ chế hỗ trợ, khuyến khích DN ứng dụng, đổi mới công nghệ của DN; bổ sung, sửa đổi quy định về thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; bổ sung giải pháp phát triển thị trường khoa học và công nghệ; bổ sung quy định về chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp; sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm quản lý Nhà nước về chuyển giao công nghệ. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2018.

Luật Du lịch gồm 9 chương, 78 điều, giảm 2 chương, 10 điều so với Luật Du lịch 2005, với nhiều nội dung được chỉnh sửa nhằm thúc đẩy du lịch phát triển; nâng cao chất lượng hoạt động du lịch; tạo điều kiện thuận lợi, môi trường cạnh tranh lành mạnh cho DN du lịch; tăng cường tính chuyên nghiệp của các hoạt động hướng dẫn; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của khách du lịch. Luật thể hiện quan điểm lấy khách du lịch làm trung tâm của mọi hoạt động du lịch. Luật có hiệu lực từ ngày 1-1-2018.
Luật Thủy lợi gồm 10 chương, 60 điều, quy định chuyển từ “phí” sang “giá” sản phẩm, dịch vụ thủy lợi nhằm thể chế hóa các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Thực hiện cơ chế giá sẽ làm thay đổi nhận thức của xã hội, từ thủy lợi “phục vụ” sang thủy lợi “dịch vụ”, gắn trách nhiệm của bên cung cấp dịch vụ thủy lợi và bên sử dụng dịch vụ thủy lợi; giúp người sử dụng dịch vụ thủy lợi hiểu rõ bản chất nước là hàng hóa, coi dịch vụ thủy lợi là chi phí đầu vào trong sản xuất, nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2018.

Luật Đường sắt có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2018, gồm 10 chương, 87 điều, tăng 2 chương, giảm 27 điều so với Luật Đường sắt 2005, với đầy đủ các quy định điều chỉnh mọi hoạt động trong lĩnh vực đường sắt, có vai trò quan trọng và tác động rất lớn tới sự phát triển của ngành đường sắt nói riêng và kinh tế - xã hội của Việt Nam nói chung...

TTXVN
 

;
.
.
.
.
.