Rượu vào khiến họ không kiểm soát được hành vi của bản thân. Những giọt nồng mà cay biến họ từ người hiền lành thành kẻ hung dữ, đẩy họ vào chốn lao tù với nỗi day dứt khôn nguôi…
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Giận mất khôn
Những phiên tòa xử tội “giết người” thường đông người dự khán. Nhưng phòng xử án hôm xét xử N.V.L (SN 1977, quê tỉnh Khánh Hòa) khá vắng vẻ. Phòng xử thênh thang càng phản chiếu rõ nét bóng lưng khòm và mái đầu cúi thấp đầy nỗi day dứt của bị cáo.
L. sinh ra trong một gia đình nghèo khó. Không được học hành đến nơi đến chốn, L. chọn nghề bạn thuyền làm kế sinh nhai. Gánh mưu sinh của cả nhà đổ dồn vào những chuyến lênh đênh biển khơi từ ngày này sang tháng nọ. Vậy mà, điểm tựa duy nhất của gia đình bất ngờ đổ sụp khi L. nóng giận trong cơn say.
Khuya 25-5-2016, tại cảng cá Thọ Quang (quận Sơn Trà, Đà Nẵng), L. ngà ngà say, nhớ đến bạn thuyền T.V.P không giữ lời hứa với mình nên tức giận cất một chiếc kéo trong người đi tìm. Vừa đi, L. vừa lẩm bẩm: “Tìm được P., ta đánh cho biết mặt…”. Sống với nhau nhiều năm, anh em trên thuyền hiểu tính cách của L. “hiền như cục đất”, chẳng bao giờ to tiếng với ai. Vậy nên, khi nghe L. đòi đánh P., anh N.H.N (SN 1968, quê tỉnh Phú Yên) không kìm được tiếng cười và nói: “Mày chỉ hù dọa thôi chứ đánh được ai?”. Trong cơn say, L. không làm chủ được bản thân. Cho rằng anh N. coi thường mình, L. rút chiếc kéo mang theo, đâm một nhát mạnh. May mắn, anh N. được đưa đi cấp cứu kịp thời nên không nguy hiểm đến tính mạng.
Cơ quan chức năng xác định hành vi của L. có tính côn đồ, sử dụng hung khí nguy hiểm tấn công vào điểm xung yếu là vùng ngực của bị hại. Bị hại không chết nằm ngoài ý thức chủ quan của bị cáo. Do đó, L. ra tòa, đối diện với tội danh giết người.
Ân hận muộn màng
Hôm tòa xử, bàn tay to bè của L. cứ run run bám vào vành móng ngựa để tìm điểm tựa. Trước mỗi câu trả lời, L. đều thưa gửi một cách kính cẩn. Biện minh cho hành vi sai trái của mình, L. lí nhí: “Lúc đó, bị cáo say rượu nên không tỉnh táo, cũng không ý thức được bản thân đang làm gì. Chỉ khi nghe mọi người la lớn, bị cáo mới sực tỉnh và thấy máu chảy lênh láng nơi người anh N. Bị cáo hoảng sợ quá, chết trân tại chỗ…”. Nước mắt lăn dài trên gương mặt tóp rọp của bị cáo: “Bị cáo vô cùng xin lỗi anh N., xin lỗi mọi người. Bị cáo hối hận lắm, suýt nữa bị cáo đã tước đi mạng sống của đồng nghiệp. Bị cáo chưa bao giờ có ý nghĩ muốn giết ai cả. Là rượu đã khiến bị cáo không còn tỉnh táo”.
Nơi hàng ghế dự khán, vợ bị cáo ngồi thinh lặng, thỉnh thoảng lại dùng tay áo lau vội dòng nước mắt. Chị rưng rưng chia sẻ: “Anh là người chồng, người cha rất tốt, có trách nhiệm với gia đình. Anh hiền lắm, chưa bao giờ lớn tiếng với vợ con, hàng xóm. Hôm hay tin anh bị bắt vì tội giết người, tôi vẫn không tin, phải hỏi đi hỏi lại nhiều lần”.
Vợ bệnh tật, con còn nhỏ, L. là lao động chính trong gia đình. Từ ngày L. vướng vòng lao lý, vợ con của bị cáo mất đi chỗ dựa, chật vật bám víu nhau mà sống. Khi tòa hỏi, chị nức nở: “Nhà nghèo nên vợ chồng tôi làm được đồng nào thì dè xẻn chi tiêu đồng nấy, không có tích cóp được gì. Tôi nghe mọi người nói nếu bồi thường thì chồng sẽ được xem xét giảm nhẹ hình phạt nên gom góp tất cả vật dụng có giá trị trong nhà đem bán. Tiền bán đồ không được bao nhiêu, tôi vay mượn thêm người thân, bạn bè và một vài chỗ nữa. Cộng dồn lại được 35 triệu đồng, tôi đã gửi anh N. để ảnh điều trị, chăm lo sức khỏe. Tôi biết số tiền ấy không đủ để bù đắp cho anh N. nhưng đó là cả gia tài lớn của vợ chồng tôi. Tôi mong Hội đồng xét xử cho chồng tôi một cơ hội để chuộc lại lỗi lầm”. Nghe vợ khai, L. ôm đầu, bật khóc tức tưởi.
TAND thành phố xử sơ thẩm tuyên phạt L. 8 năm tù. L. được dẫn giải về trại giam, ngoái đầu về phía vợ với ánh mắt ân hận, mấp máy môi: “Anh xin lỗi…”. Xe chở phạm nhân chạy khuất, người vợ trẻ ngã quỵ nơi sân tòa. Chỉ vì phút giây không kiểm soát được hành vi, một tổ ấm phải ly tán, cha vào tù, mẹ cõng nợ, con trẻ thiếu hụt tình thương. Cái giá phải trả cho những giọt nồng mà cay là quá đắt!
KHA MIÊN