* Tranh luận về hành vi phạm tội của bị cáo Trầm Bê
Chiều 24-1, Tòa tiếp tục xét hỏi về đường đi của chiếc vali đựng 14 tỷ đồng của Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), được các bị cáo “lại quả” trong thương vụ chuyển nhượng cổ phần bất động sản tại dự án Nam Đàn Plaza.
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh tại tòa. Ảnh: TTXVN |
Theo cáo trạng, Thái Kiều Hương, nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty CP đầu tư Vietsan đã gọi điện cho Đinh Mạnh Thắng- nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Thương mại Dầu khí Sông Đà, nhờ Thắng chuyển 14 tỷ đồng cho Trịnh Xuân Thanh. Thắng nhận lời và nói do không có ở nhà nên bảo Hương mang tiền đến nhà giao cho vợ là Nguyễn Thị Thanh Vân.
Trả lời Hội đồng xét xử (HĐXX) về nguồn gốc số tiền, Thái Kiều Hương nói rằng, đó là tiền do Nguyễn Ngọc Sinh - Tổng Giám đốc Công ty CP bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVP Land) nhờ. Về việc đòi lại cả 19 tỷ đồng (đã chuyển cho Đinh Mạnh Thắng, Thắng chuyển 14 tỷ đồng cho Trịnh Xuân Thanh), Thái Kiều Hương khai, sau khi vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Lê Hòa Bình và đồng phạm bị khởi tố, công an truy ra nguồn tiền và nói với Hương rằng, tiền này là tiền vi phạm pháp luật nên phải thu hồi. Do đó, Hương gọi điện thoại cho Thắng đòi lại, Thắng đồng ý trả thành 2 lần.
Bị cáo Đinh Mạnh Thắng làm “cầu nối”
Liên quan đến nguồn gốc số tiền, bị cáo Nguyễn Thị Kim Thoa (Kế toán trưởng Công ty CP xây dựng và dịch vụ 1/5 và Công ty CP Minh Ngân) khai do ông Lê Hòa Bình (bên mua cổ phần) chỉ đạo chuyển. Cụ thể, Thoa khai khi ông Bình chỉ đạo rút 5 tỷ đồng để trả tiền cho bên dầu khí ngay sau khi ký hợp đồng, Thoa yêu cầu phải có lý do và địa chỉ người nhận. Sau đó, ông Lê Hòa Bình nói chuyển qua cho Vietsan và Thoa đã chuyển tổng cộng 19 tỷ đồng cho Vietsan để Thái Kiều Hương chuyển cho Đinh Mạnh Thắng và Trịnh Xuân Thanh.
Thoa khẳng định tiền mình chuyển đi có người nhận và không hề nghĩ PVP Land liều lĩnh đến mức hạ thấp giá đất dự án xuống. Nhưng sau khi chuyển tiền, Thoa hỏi bị cáo Lê Hòa Bình mới biết để mua được giá đất 18 triệu đồng/m2, ông Bình phải hứa chi cho bị cáo Đào Duy Phong 20 tỷ đồng (thực tế Phong đã nhận 10 tỷ đồng), còn lại do bị cáo Huỳnh Nguyễn Quốc Duy điều tiết.
Về việc chuyển 14 tỷ đồng cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh, ông Thanh khai ngay sau buổi nhậu trên đường Xuân Diệu (cùng với Đinh Mạnh Thắng, Thái Kiều Hương) về, lái xe Toàn nói anh Thắng đưa cho anh túi quà. “Tiền đó do lái xe nhận không phải tôi nhận”, bị cáo Thanh nói.
Ngay sau đó, HĐXX đã thẩm vấn đối với nhân chứng là lái xe tên Toàn, Toàn khẳng định nhận vali từ Thắng và đã báo với Thanh.
Trong khi đó, khi trả lời HĐXX, phản bác cáo buộc về vai trò chỉ đạo của mình đối với việc bán cổ phần của PVP Land, bị cáo Trịnh Xuân Thanh nói: “Bị cáo vừa bị tuyên án chung thân rồi, nên bị cáo chả cần nói dối làm gì!”.
Cáo trạng cho rằng, việc giao và nhận tiền chênh lệch giá ngoài hợp đồng chuyển nhượng cổ phần tại PVP Land của các bị cáo, có các lái xe là anh Vũ Đức Lưu (lái xe của Đinh Mạnh Thắng), Nguyễn Đặng Toàn (lái xe của Trịnh Xuân Thanh) đã giúp Thanh nhận được 14 tỷ đồng.
Kết quả điều tra xác định, các lái xe này về ý thức chủ quan không biết đó là tiền gì, nguồn gốc từ đâu, không biết đó là tiền do các bị cáo phạm tội mà có; không được hưởng lợi ích vật chất gì từ việc làm này; có thái độ thành khẩn khai báo, góp phần tích cực giúp cơ quan điều tra làm rõ bản chất vụ án và hành vi phạm tội của các bị can. Vì vậy, cơ quan điều tra không khởi tố những người này về hình sự là có căn cứ.
Theo cáo trạng, bị cáo Đinh Mạnh Thắng làm “cầu nối” chuyển 14 tỷ đồng cho Trịnh Xuân Thanh. Ảnh: TTXVN |
“Học thức thấp, không gây thiệt hại cho Sacombank” (?)
Cũng trong ngày 24-1, phiên xét xử bị cáo Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam - VNCB, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh) và đồng phạm giai đoạn 2 phạm tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” tiếp tục phần tranh luận. Đáng chú ý là phần tranh luận liên quan đến “đại gia” Trầm Bê, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank), người bị đại diện Viện KSND TP. Hồ Chí Minh đề nghị mức án 5-6 năm tù.
Bào chữa cho bị cáo Trầm Bê, luật sư Nguyễn Thị Mai Hồng cho rằng, Trầm Bê không phải là đồng phạm với Phạm Công Danh như cáo buộc của cáo trạng của Viện KSND Tối cao và đại diện Viện KSND TP. Hồ Chí Minh tham gia phiên tòa; thậm chí việc cho rằng Trầm Bê đã chủ động liên lạc với Phạm Công Danh để cho Danh vay vốn là không có căn cứ. Bản thân Trầm Bê là người phê duyệt hồ sơ vay chứ không trực tiếp làm hồ sơ, không biết 6 công ty của Phạm Công Danh vay vốn để thực hiện hành vi phạm tội.
Trong khi đó, theo luật sư Trần Quốc Khánh, bị cáo Trầm Bê chấp thuận cho Phạm Công Danh vay tiền tại Sacombank với điều kiện phải có tài sản đảm bảo. Trầm Bê đã thực hiện điều này với thái độ hết sức cẩn trọng, trung thực. Việc lấy tiền từ VNCB bảo đảm tài sản cho khoản vay tại Sacombank của Phạm Công Danh là ý chí của Danh chứ không phải là của Trầm Bê. Mặt khác, các công ty vay tiền tại Sacombank không thể hiện Phạm Công Danh là chủ sở hữu. Trầm Bê không được hưởng lợi gì trong việc cho bị cáo Danh vay tiền. Nếu xác định trách nhiệm của Trầm Bê, cũng phải xác định trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước thông qua các tổ giám sát tín dụng. Từ các phân tích trên, luật sư Trần Quốc Khánh đề nghị HĐXX xem xét lại tội danh cũng như mức án đề nghị 5-6 năm tù đối với Trầm Bê.
Trong phần bào chữa bổ sung, bị cáo Trầm Bê cho rằng, việc Sacombank nhận bảo lãnh từ VNCB là hợp pháp và không là nguyên nhân dẫn đến thiệt hại của VNCB. Bản thân không hề cố ý làm trái và giữ vai trò đồng phạm như cáo buộc của cơ quan công tố. Tuy nhiên, sau khi dẫn giải các tình tiết về quá trình công tác, Trầm Bê khẩn thiết xin được hưởng chính sách khoan hồng của HĐXX khi tuyên mức án thấp hơn mức án mà đại diện Viện KSND TP. Hồ Chí Minh đề nghị (5-6 năm tù). Bị cáo Trầm Bê cho rằng, mình chỉ làm những gì pháp luật cho phép, khi ông Danh giới thiệu khách hàng sang Sacombank vay tiền còn lại là nghiệp vụ của ngân hàng. Ông cho biết, trong 40 năm làm doanh nghiệp, ông chưa hề có hành vi vi phạm pháp luật. “Dù tôi học thức thấp nhưng tôi đã làm ngân hàng tín dụng gần 10 năm nay. Có thể do tôi không hiểu hết, hoặc thời kỳ đang bổ sung luật mới tôi không nắm hết”, ông Bê phân trần.
Theo cáo buộc của cáo trạng và phần luận tội của đại diện Viện KSND TP. Hồ Chí Minh tham gia phiên tòa, Trầm Bê đã bàn bạc, thống nhất cho Phạm Công Danh vay tiền bằng cách đưa Danh gặp Phan Huy Khang (nguyên Tổng Giám đốc Sacombank), sau đó thống nhất với Khang cho Danh vay 1.800 tỷ đồng, gây thiệt hại cho VNCB 1.835 tỷ đồng. Vai trò của Trầm Bê là giúp sức tích cực cho Phạm Công Danh phạm tội.
B.T