Bị cáo Đinh La Thăng bị tuyên mức án trên về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Bị cáo Đinh La Thăng trước toà |
Sau thời gian nghị án, sáng nay (22-1), HĐXX đã tuyên án đối với các bị cáo trong vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản xảy ra tại Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng Công ty cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC).
Cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên VPN Đinh La Thăng bị tuyên phạt 13 năm tù giam về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh bị tuyên phạt 14 năm tù về tội Cố ý làm trái, chung thân về tội Tham ô tài sản. Tổng hình phạt là Chung thân.
HĐXX xác định, các tài liệu và lời khai của các bị cáo cho thấy bị cáo Đinh La Thăng biết rõ điều kiện, năng lực của PVC đang rất khó khăn nhưng bị cáo vẫn yêu cầu và chỉ định cho PVC làm tổng thầu thực hiện dự án Thái Bình 2 là vi phạm pháp luật về quản lý kinh tế. Hành vi của bị cáo thoả mãn đầy đủ của tội Cố ý làm trái chứ không phải tội danh khác như ý kiến của luật sư.
“HĐXX ghi nhận quá trình cống hiến của bị cáo Đinh La Thăng, xem xét tình tiết giảm nhẹ nhưng pháp luật cần được tôn trọng, công minh, bình đẳng, không loại trừ bất kỳ ai. Một bản án có tình có lý, tính đến cả công và tội nhưng nghiêm khắc cũng là sự cảnh báo cần thiết cho sự lạm dụng quyền lực và tuỳ tiện, vi phạm pháp luật gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho lợi ích của Nhà nước và lợi ích của nhân dân” – HĐXX nhấn mạnh.
Trước đó, nói lời sau cùng trước tòa, bị cáo Đinh La Thăng cúi đầu xin lỗi Đảng, Nhà nước, Nhân dân cả nước, xin lỗi các thế hệ công nhân lao động ngành dầu khí, ngành giao thông vận tải và nhân dân TPHCM; đồng thời nói rằng mình còn nợ người dân rất nhiều.
Ông Đinh La Thăng lợi dụng vị trí cao nhất của tập đoàn, khi PVC đang gặp khó khăn về tài chính lớn và chưa có kinh nghiệm thi công các dự án lớn nhưng bị cáo vẫn giao cho PVC làm tổng thầu dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.
Bị cáo chỉ đạo cấp dưới ký kết hợp đồng và hợp đồng chuyển đổi chủ thể. Thông qua việc tạm ứng hợp đồng với số tiền hơn 1.000 tỷ đồng, PVC đã rút tiền để sử dụng sai mục đích gây thiệt hại cho PVN 119 tỉ đồng. Hành vi phạm tội thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng.
Tại tòa, bị cáo Đinh La Thăng nhận trách nhiệm của người đứng đầu gây sức ép tiến độ cũng như việc thiếu kiểm tra, giám sát, đồng thời cho rằng sau này mới biết hợp đồng 33 là sai. Tuy nhiên, căn cứ vào tài liệu thu thập được, biên bản họp và lời khai của bị cáo cho thấy hành vi phạm tội của bị cáo.
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm nghe tòa tuyên án. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN) |
Bản luận tội nêu rõ, các bị cáo trong vụ án hầu hết là những người giữ vị trí chủ chốt trong tập đoàn kinh tế quan trọng hàng đầu của đất nước nhưng đã lợi dụng vị trí đặc thù của tập đoàn để phạm tội. Hậu quả của vụ án là hết sức nghiêm trọng.
Việc đưa vụ án này ra xét xử đã thể hiện quyết tâm cao độ của Đảng và Nhà nước ta trong việc kiên quyết đấu tranh phòng, chống tệ nạn tham nhũng lãng phí, thực hiện nguyên tắc thượng tôn pháp luật, tỏ rõ thái độ không khoan nhượng, không có vùng cấm đối với bất kỳ ai dù họ ở cương vị nào; mọi hành vi vi phạm pháp luật, nhất là các hành vi liên quan đến tội phạm tham nhũng đều phải bị xử lý, tài sản tham nhũng phải bị thu hồi, công lý phải được thực thi.
Theo VOV