Chốn pháp đình vốn không phải là nơi dành cho trẻ thơ, nhưng thi thoảng vẫn vang lên tiếng non nớt gọi cha, đòi mẹ...
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
1. Buổi sáng một ngày tháng 3-2018, thời tiết Đà Nẵng se lạnh. Giữa đám đông nhốn nháo trước cổng TAND thành phố, có hai cậu bé 10 và 13 tuổi hồn nhiên đùa giỡn nơi vỉa hè. Xe tù vừa mở cửa, hai cậu bé vội vàng chạy đến, hét lên “Ba ơi…”. Tiếng kêu mừng rỡ của hai đứa trẻ nhanh chóng bị đám đông xô dạt về một phía.
Cha của hai cậu bé là V.N.T (SN 1979, ngụ quận Thanh Khê), ra tòa về hành vi “Giết người”. Cả hai còn một em trai hơn 1 tuổi hôm ấy cũng được dẫn vào tòa. Mọi người chen nhau vào phòng xử, ba đứa trẻ cũng được người thân dẫn theo hòa vào đám đông dự buổi xét xử cha nhưng bị lực lượng bảo vệ tư pháp khước từ.
Người cảnh sát nhẹ nhàng giải thích: “Bộ luật Tố tụng hình sự quy định những người dưới 16 tuổi không được vào phòng xử án, trừ trường hợp được tòa án triệu tập để xét hỏi. Ba anh em chịu khó ngồi chơi bên ngoài trong lúc đợi người nhà nhé”.
Đứa trẻ lớn tuổi nhất nằn nì: “Chú ơi, tụi cháu nhớ ba lắm, chú cho tụi cháu vào chút xíu thôi được không ạ, tụi cháu chỉ muốn nhìn thấy ba thôi”. Mủi lòng nhưng người cảnh sát chỉ có thể đồng ý để đứa trẻ đứng ngoài ngóng vào bên trong phòng xử án. Chuông reo, phiên tòa bắt đầu, nơi hành lang, có tiếng trẻ thơ thầm thì: “Em thấy ba không? Ba kia kìa”, “Em thấy rồi, ba mặc áo trắng nè”.
Giờ nghị án, lẩn giữa đông đảo người dự khán, ba đứa trẻ lần nữa muốn đến gần ba nhưng vẫn bị ngăn lại khi vừa chạm cửa phòng xử án. Đứa nhỏ nhất được người thân bế khóc váng lên, vừa vươn tay về bóng lưng cha, vừa bập bẹ “Ba, ba…”.
Đứa thứ hai níu tay đứa thứ nhất, mếu máo: “Anh ơi, em nhớ ba. Vì răng tụi mình không được vào gặp ba?”. Đứa lớn dỗ dành: “Nín đi em, một lát là mình được gặp ba” rồi len lén lau vội dòng nước mắt.
Phiên tòa hôm ấy còn có 2 đứa trẻ khác nhưng được cho phép vào phòng xử án. Đó là con của anh N.H.S (SN 1981), nạn nhân trong vụ án. Hai đứa trẻ với đôi mắt tròn xoe, chít khăn tang, ngồi ngơ ngác ở hàng ghế dự khán. Thảng hoặc, đứa này lắc lắc tay ông nội hỏi: “Ông ơi, mình đến đây làm gì vậy ông?”. Đứa khác lại sà vào lòng mẹ thủ thỉ: “Mẹ ơi, ba đâu rồi mẹ? Khi nào ba về vậy mẹ”. Những đứa trẻ ngây thơ vẫn chưa biết cha mình đã rời đi về một thế giới khác. Giờ nghị án, hai đứa trẻ nắm tay nhau, lần lượt hôn vào di ảnh cha được người thân mang đến phiên xử.
2. Bi kịch của con trẻ khởi nguồn vào khuya ngày 15-6-2017, khi T., anh S. và anh N.V.Q (SN 1969, cùng ngụ quận Thanh Khê) đi nhậu với nhau. Khi đang chén tạc chén thù tại quán, T. mua gói ma túy “cỏ” với giá 100.000 đồng rồi cả ba cùng về nhà anh Q. tiếp tục nhậu và sử dụng ma túy. Giữa chừng cuộc vui, tầm 4 giờ sáng hôm sau, anh S. buông lời khen vợ của T. Nghi ngờ anh S. có tình ý với vợ mình, T. tức giận, nảy sinh ý định giết anh S. nên đi xuống khu vực bếp nhà anh Q. lấy một con dao cất giấu.
Sau đó, T. nhờ anh S. chở về nhà. Khi đi đến đường Lê Độ, T. cầm dao đâm anh S. 2 nhát. Hoảng sợ, anh S. bỏ chạy thì T. đuổi theo, tiếp tục đâm nạn nhân. Khi anh S. ngã xuống, lưỡi dao bị cong, T. nhặt 1 tấm đá, lấy 1 cây xúc rác tấn công bị hại. Chưa dừng lại, T. còn dùng 1 cục đá ném trúng vào đầu anh S. khiến anh S, gục tại chỗ. Hậu quả, anh S. tử vong. Theo kết luận giám định pháp y tâm thần, T. bị rối loạn tâm thần và hành vi hỗn hợp do sử dụng chất ma túy tổng hợp trước, trong thời điểm gây án.
Đứng sau vành móng ngựa, T. lí nhí biện minh: “Bị cáo cũng không biết vì răng mình lại làm như rứa nữa. Hai tháng đó, bị cáo bị mất ngủ, không tỉnh táo nên…”. T. bỏ lửng lời khai, cúi thấp đầu. Nơi hàng ghế dự khán, hai người vợ òa khóc nức nở.
3. TAND thành phố xử sơ thẩm tuyên phạt T. 20 năm tù về tội “Giết người”. Thất thểu ra xe về trại giam, T. ngoái về phía sau tìm kiếm bóng dáng con thơ, đôi mắt hoe đỏ ngập tràn nỗi ăn năn. Xe chở phạm nhân chạy khuất, những đứa trẻ khóc váng đòi cha, không chịu rời sân tòa. Dỗ dành con mãi không được, vợ của bị cáo bất lực khóc tức tưởi. Một góc khác, vợ của bị hại ôm chặt hai con, rưng rức: “Anh ơi, em và con phải sống sao đây?”.
Cả gia đình bị cáo và bị hại đều rất khó khăn. Nay không còn lao động chính, mất đi điểm tựa trụ cột, chẳng biết hai người phụ nữ ấy sẽ chèo chống tổ ấm cùng những đứa con thơ như thế nào? Lại thương những đứa trẻ thiếu vắng tình yêu của cha hẳn sẽ lớn lên với nỗi tủi buồn không thể gọi tên...
KHA MIÊN