Nhắc nhở, dạy bảo khi nghe thấy cháu gái có lời lẽ, hành động không đúng chuẩn mực nhưng bị anh rể khó chịu, cự cãi nên T.V (SN 1994, trú quận Sơn Trà) bực tức. Để rồi chỉ vì phút giây nóng giận trong hơi men và không làm chủ được bản thân, V. gây ra tội lỗi, vướng vào lao lý...
Không tiền án, tiền sự cũng chẳng phải côn đồ nhưng vì không tìm được điểm chung để giải quyết mâu thuẫn nhỏ, V. đã manh động, gây thương tích nặng cho chính anh rể của mình... Ngày ra tòa, V. liên tục đưa tay lau nước mắt, đồng thời quay ánh nhìn trầm ngâm qua hàng ghế mà bị hại và người thân đang ngồi...
Theo cáo trạng, khoảng 9 giờ 30 ngày 30-12-2021, V. đến phòng trọ của chị gái T.T.T (SN 1985, trú phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà) uống rượu cùng anh rể tên Đ.Q.T (SN 1972). Đến khoảng 12 giờ cùng ngày, thấy cháu gái la mắng hai em, V. nhắc nhở. Khi đứa cháu tỏ rõ sự khó chịu và có những lời nói xúc phạm mình, V. đánh nhẹ để dạy bảo.
Là người bị điếc bẩm sinh, không nghe rõ chuyện xảy ra giữa hai cậu cháu, anh T. chỉ nhìn thấy V. đánh con mình nên cự cãi. Sau đó, anh T. ra trước phòng trọ lớn tiếng để mọi người cùng nghe thấy. Bực tức, V. vào bếp lấy con dao ra đâm hai nhát vào người anh T. Gây án xong, V. bỏ trốn, sau đó đến Công an phường Phước Mỹ trình diện. Theo kết luận giám định pháp y, anh T. bị thương tích 28%.
Tại phiên tòa, V. cho rằng, thời điểm xảy ra vụ việc đáng tiếc, bản thân và anh rể đã uống hết một lít rượu. “Đang ngà ngà say, lại bị anh rể trách móc và gây sự nên bị cáo mới cư xử không đúng chuẩn mực. Thật tình bị cáo không có chủ đích gây thương tích hay giết anh rể”, V. trần tình. Hội đồng xét xử cho rằng, dù lý do gì đi chăng nữa, hành động của V. là không thể chấp nhận được. Chỉ vì nóng nảy, bị cáo đẩy bản thân vào vòng lao lý và để lại nỗi đau cho anh rể, người thân và gia đình.
Chủ tọa phiên tòa xác định nhân thân, rồi khẽ lắc đầu: “Là anh em nhưng chỉ vì bất đồng trong sự việc rất nhỏ đã trở thành bị cáo và bị hại. Vậy liệu có đáng không?”. Nghe thế, V. không dám ngẩng đầu lên, chỉ có những tiếng trầm đục cất lên: “Bị cáo biết lỗi”. Đằng sau, chị T.T.T. (chị ruột của bị cáo và là vợ của bị cáo) đưa tay quẹt lên gương mặt lem luốc. Không khí phiên tòa như chùng xuống hơn khi những thông tin nhân thân bị cáo và bị hại tiếp tục được làm rõ.
Tòa nghị án, chị T. bước ra ngoài. Bấy giờ, những cảm xúc dồn nén mới vỡ òa nơi chị. Chị khóc thành lời. Những lời xót xa vọng vào trong căn phòng nhỏ, nơi V. đang ngồi với chiếc còng số 8, dựa hờ vào ghế chờ nghe tuyên án. “Nó chửi, nó đánh cho hả dạ cũng được mà, sao phải cầm dao... Phải chi đừng có rượu và đừng hơn thua...”. Những “phải chi” đó chắc chắn không chỉ gói gọn trong bốn bức tường căn phòng diễn ra phiên xét xử lưu động, mà nó còn là bài học đắt giá với tất cả chúng ta, để không phải thốt lên khi đã quá muộn màng.
Khi được nói lời sau cùng, V. liên tục xin lỗi và tỏ ra vô cùng hối hận, ăn năn về hành vi của mình. “Bị cáo mong vợ chồng anh chị và các cháu tha lỗi cho hành động nông nổi, nóng giận của mình. Mong hội đồng xét xử cho bị cáo cơ hội để chuộc lỗi lầm và làm lại cuộc đời”, V. nói.
Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố nhận định, hành vi của bị cáo V. rất nghiêm trọng, trực tiếp xâm phạm đến thân thể, tính mạng người khác, gây mất trật tự, trị an trên địa bàn. Mặc dù bị cáo có nhân thân tốt, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, được phía bị hại xin giảm nhẹ hình phạt nhưng cần có một mức án nghiêm minh, tương xứng với hành vi bị cáo gây ra. Sau khi cân nhắc các tình tiết, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân thành phố tuyên phạt bị cáo V. 8 năm tù về tội “Giết người”. Phiên tòa kết thúc và pháp luật được thực thi, nhưng chắc chắn rằng có những mất mát chẳng bao giờ tìm lại được....
TRÍ DŨNG