Sau hơn 1 tháng Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên án phạt 28 bị cáo trong vụ án sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai tại tỉnh Bình Dương, đến nay có tổng số 4 bị cáo làm đơn kháng cáo, đề nghị Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án này.
Bị cáo Trần Thanh Liêm. Ảnh: TTXVN phát |
Bốn bị cáo này gồm: Trần Thanh Liêm (sinh năm 1962, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, cựu Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương), Trần Nguyên Vũ (sinh năm 1977, cựu Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bình Dương), Lý Thanh Châu (sinh năm 1982, cựu Thành viên Hội đồng thành viên, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty sản xuất - xuất nhập khẩu Bình Dương - trách nhiệm hữu hạn một thành viên), Đỗ Thị Thanh Thúy (sinh năm 1985, cựu Kế toán trưởng Tổng Công ty sản xuất - xuất nhập khẩu Bình Dương - trách nhiệm hữu hạn Một thành viên).
Trong đơn kháng cáo, 4 bị cáo này đã đề nghị Tòa cấp phúc thẩm xem xét lại bối cảnh, mức độ thực hiện và hậu quả hành vi phạm tội của từng bị cáo; đề nghị Tòa cân nhắc các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo như: Lần đầu phạm tội, có nhiều thành tích trong công tác, không có động cơ vụ lợi, khai báo thành khẩn, hợp tác với cơ quan điều tra trong việc làm rõ vụ án… Trên cơ sở đó, 4 bị cáo đã đề nghị Tòa cấp phúc thẩm xem xét giảm nhẹ hình phạt cho 4 bị cáo.
Trước đó, trong các ngày từ 15 - 30-8, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án này và tuyên phạt các mức án đối với 28 bị cáo. Trong đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam và cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm cùng bị Tòa tuyên phạt 7 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Bị cáo Trần Nguyên Vũ bị tuyên phạt 12 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, 11 năm tù về tội “Tham ô tài sản”, tổng hợp hình phạt chung đối với bị cáo Vũ là 23 năm tù.
Bị cáo Lý Thanh Châu bị tuyên phạt 4 năm 6 tháng tù, bị cáo Đỗ Thị Thanh Thúy bị phạt 30 tháng tù về cùng tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Theo bản án sơ thẩm, Tổng Công ty sản xuất - xuất nhập khẩu Bình Dương (viết tắt là Tổng Công ty Bình Dương) là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, do Tỉnh ủy Bình Dương là chủ sở hữu. Tất cả tài sản của Tổng Công ty được giao quản lý, sử dụng đều thuộc sở hữu Nhà nước. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý vốn, tài sản của Nhà nước tại Tổng Công ty Bình Dương, các bị cáo đã có những hành vi vi phạm pháp luật trong lãnh đạo, chỉ đạo, cố ý làm trái các quy định của pháp luật về quản lý vốn, tài sản, gây hậu quả thất thoát đặc biệt lớn cho Nhà nước.
Cụ thể, bị cáo Trần Văn Nam biết rõ nội dung đề xuất áp đơn giá đất bình quân năm 2006 để thu tiền sử dụng đất theo các quy định giao đất năm 2012 và 2013 là trái quy định, nhưng vẫn ban hành công văn để thu tiền sử dụng đất của Tổng Công ty Bình Dương, gây thất thoát cho Nhà nước hơn 716 tỷ đồng.
Các bị cáo nguyên là lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương và một số cơ quan tham mưu của tỉnh Bình Dương đều biết việc bị cáo Nguyễn Văn Minh (sinh năm 1955, cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Bình Dương) và đồng phạm chuyển nhượng 43 ha “đất vàng” và 30% vốn góp tại Công ty Tân Phú cho tư nhân là trái quy định, gây thất thoát tài sản Nhà nước. Tuy nhiên, các bị cáo đã không ngăn chặn, yêu cầu khắc phục, thu hồi tài sản cho Nhà nước mà còn hợp thức hóa thủ tục để Nguyễn Văn Minh hoàn tất việc chuyển nhượng tài sản Nhà nước sang công ty của con rể là Nguyễn Đại Dương và bán cho công ty tư nhân. Hành vi của các bị cáo gây thất thoát cho Nhà nước gần 985 tỷ đồng.
Đối với khu “đất vàng” 145 ha, quá trình cổ phần hóa Tổng Công ty Bình Dương, bị cáo Nguyễn Văn Minh cùng các đồng phạm cố ý loại trừ khu đất 145 ha không tính vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa, gây thất thoát cho Nhà nước số tiền hơn 4.030 tỷ đồng. Bị cáo Trần Thanh Liêm cùng các bị cáo thuộc Sở Tài chính tỉnh Bình Dương đã làm trái các quy định của pháp luật khi không xác định lại giá trị quyền sử dụng đất đối với khu đất 145 ha khi cổ phần hóa doanh nghiệp, dẫn đến việc bị cáo Nguyễn Văn Minh và các đồng phạm không tính vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa, gây thất thoát cho Nhà nước số tiền đặc biệt lớn 4.030 tỷ đồng.
Ngoài ra, khi tiến hành cổ phần hóa Tổng Công ty Bình Dương, do cần có nguồn tiền để xử lý khoản nợ mà bị cáo Minh cùng các bị cáo Trần Nguyên Vũ, Huỳnh Thanh Hải sử dụng trước đó và cần tiền để xử lý các vấn đề tài chính khác, bị cáo Nguyễn Văn Minh đã đưa ra chủ trương và chỉ đạo thực hiện việc chi gần 965 tỷ đồng để mua 9.120.000 cổ phần với giá 105.737 đồng/cổ phần, gây thiệt hại cho Tổng Công ty Bình Dương hơn 815 tỷ đồng.
Hội đồng xét xử nhận định, cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố 28 bị cáo về các tội danh: “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, “Tham ô tài sản” là có căn cứ pháp luật, đúng người, đúng tội. Hành vi của các bị cáo trong vụ án này là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm vào hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức nhà nước, cố ý thực hiện không đầy đủ các quy định của pháp luật, giúp sức cho việc thực hiện chi sai nguyên tắc, gây thất thoát tài sản cho Nhà nước.
Theo TTXVN