Ngăn ngừa tình trạng thanh, thiếu niên sử dụng hung khí đánh nhau, giải quyết mâu thuẫn, gây rối trật tự công cộng là vấn đề nan giải với nhiều địa phương, trong đó có Đà Nẵng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực trong giới trẻ, vì thế cần có các giải pháp căn cơ để ngăn chặn, hạn chế, đi đến triệt tiêu các điều kiện phát sinh tội phạm, tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Giảm nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ
Tình trạng thanh, thiếu niên sử dụng hung khí đánh nhau, gây rối trật tự công cộng thời gian gần đây có xu hướng giảm nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ phức tạp... Cụ thể, rạng sáng 7-10, trong lúc làm nhiệm vụ trên đường Yên Khê 2, Tổ tuần tra 8394 phường Thanh Khê Đông (quận Thanh Khê) phát hiện, ngăn chặn kịp thời nhóm khoảng 10 thanh, thiếu niên chuẩn bị hung khí đánh nhau; tạm giữ 2 cây đao và 3 cây ba chĩa. Kết quả điều tra xác định, do có mâu thuẫn với một số thanh niên khác, nhóm này tập hợp hung khí và lên kế hoạch chuẩn bị tấn công đối thủ thì bị phát hiện. Trước đó, 15 giờ 30 ngày 15-6, Công an phường An Hải Tây (quận Sơn Trà) cũng ngăn chặn nhóm thiếu niên tụ tập gây rối trật tự công cộng tại công viên An Mỹ; đồng thời, thu giữ 5 dao phóng lợn, 1 kiếm tự tạo, 2 dao chặt đá và 1 dao phay. Qua đấu tranh, nhóm thiếu niên khai nhân đang tụ tập, chuẩn bị hung khí đi giải quyết mâu thuẫn với nhóm thanh niên khác...
Phó Bí thư Thành Đoàn Đà Nẵng Nguyễn Thị Anh Thảo nhìn nhận, các vụ việc xảy ra trên địa bàn thành phố thời gian qua cho thấy, các thanh, thiếu niên tham gia gây rối, đánh nhau đều còn rất trẻ, nhiều trường hợp chỉ mới 14-15 tuổi. “Hoàn cảnh gia đình của các thanh, thiếu niên này đa phần bị khiếm khuyết, cha mẹ ly hôn, ly thân hoặc đi làm ăn xa không ai quản lý, chăm sóc… Về nguyên nhân, chủ yếu xuất phát từ các mâu thuẫn nhỏ trên mạng xã hội hoặc bộc phát tức thời. Đáng nói, dù còn trẻ tuổi nhưng hành vi của các trường hợp rất nguy hiểm, mang theo hung khí dàn hàng ngang lao vào nhau bất chấp hậu quả”, bà Thảo nói.
Theo nhận định của cơ quan chức năng, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến bạo lực trong giới trẻ là việc quản lý, kiểm soát các loại vũ khí thô sơ còn nhiều lỏng lẻo. Không chỉ tàng trữ, cất giấu, nhiều trường hợp còn tự chế ra các loại vũ khí thô sơ nhưng có tính sát thương cao như: bom xăng, dao phóng lợn, giáo dài... Cùng với đó, do đang ở độ tuối trưởng thành, ham chơi, thiếu hiểu biết, trong khi sự giáo dục, quản lý của gia đình, nhà trường còn lỏng lẻo, chưa hiệu quả nên những trường hợp này dễ bị kích động, lôi kéo vào các hoạt động vi phạm pháp luật. Nhìn nhận về một số vấn đề pháp lý xung quanh các vụ việc thanh, thiếu niên chuẩn bị hung khí đánh nhau, luật sư Nguyễn Anh Tuấn, Đoàn Luật sư thành phố Đà Nẵng cho biết, khoản 6, Điều 134 của Bộ luật Hình sự quy định: “Người nào chuẩn bị vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm, a-xít nguy hiểm, hóa chất nguy hiểm hoặc thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm nhằm gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm”.
Theo luật sư Tuấn, quy định này không bắt buộc người phạm tội phải hoàn thành hành vi khách quan là gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe của người khác và cũng không bắt buộc phải có hậu quả xảy ra. Người có hành vi chuẩn bị một trong các loại công cụ, phương tiện phạm tội như: vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm, a-xít nguy hiểm, hóa chất nguy hiểm hoặc thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm nhằm gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác thì đã đủ dấu hiệu về mặt hành vi khách quan để xử lý hình sự người phạm tội. Riêng đối với người phạm tội dưới 18 tuổi, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có hẳn một chương quy định về thủ tục xử lý (từ Điều 413 đến Điều 430). Đây được xem là một trong những thủ tục đặc biệt, nhằm xử lý nghiêm minh nhưng vẫn bảo đảm tính khoan hồng, giáo dục đối với người phạm tội dưới 18 tuổi để tạo điều kiện cho họ được học tập, cải tạo và phấn đấu trở thành người có ích cho xã hội.
Cần sự vào cuộc của các cấp, ngành và gia đình
Để tiếp tục răn đe, phòng ngừa tình trạng thanh, thiếu niên sử dụng hung khí đánh nhau, Công an thành phố chỉ đạo lực lượng tiếp tục đi sâu, nắm chắc tình hình địa bàn, đối tượng, nhất là các nhóm, đối tượng có biểu hiện mâu thuẫn, nghi vấn về hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ, sử dụng các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Đồng thời, tăng cường tần suất tuần tra, kiểm soát trên các tuyến địa bàn phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự kịp thời phát hiện, nhắc nhở, xử lý nghiêm các trường hợp thanh, thiếu niên hư hỏng, sử dụng hung khí đánh nhau, tụ tập đua xe, lạng lách, độ chế xe… gây mất an toàn cho người dân.
Song song đó, thường xuyên nắm tình hình trên không gian mạng, chú ý nhận diện, phát hiện các app, website, tài khoản mạng xã hội, fanpage, các hội nhóm, diễn đàn… lợi dụng không gian mạng để quảng cáo mua bán các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; các biểu hiện kêu gọi tụ tập đánh nhau nhằm chủ động phối hợp lực lượng trong công tác phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn. “Thực tế cho thấy, hầu hết các trường hợp vi phạm pháp luật trong diện này đều là thanh, thiếu niên hư, bản thân và gia đình có ý thức, nhận thức chấp hành pháp luật còn hạn chế. Vì vậy, nếu chỉ sử dụng các biện pháp tuyên truyền, vận động chung sẽ không có tác dụng.
Do vậy đặt ra yêu cầu đối với lực lượng công an cơ sở, nhất là lực lượng cảnh sát hình sự công an các quận, huyện; tổ phòng chống tội phạm, cảnh sát khu vực, công an phường, xã phải đến tận gia đình thanh, thiếu niên, phối hợp với gia đình, nhà trường và các hội đoàn thể giáo dục trực tiếp, thường xuyên để nâng cao hiệu quả công tác này”, một điều tra viên công tác tại Phòng Cảnh sát hình sự Công an thành phố cho biết.
Theo cơ quan công an, ngoài sự vào cuộc của các cấp, các ngành thì mỗi gia đình cần có sự quan tâm, giáo dục, định hướng đối với con, em mình trong các giao tiếp, ứng xử, nói không với hành vi bạo lực, hiểu rõ các quy định pháp luật để không vi phạm. Đặc biệt, giám sát giờ sinh hoạt của các con; quan tâm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các con để kịp thời uốn nắn những suy nghĩ lệch lạc…
Phó Bí thư Thành Đoàn Nguyễn Thị Anh Thảo cho biết, với vai trò chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho thanh, thiếu niên, Đoàn thanh niên các cấp đẩy mạnh công tác phối hợp chặt chẽ các trường, chú ý sàng lọc, khoanh vùng học sinh có nguy cơ bỏ học để theo dõi quản lý. Bên cạnh đó, chỉ đạo, quán triệt các cơ sở Đoàn ở trường học, khu dân cư tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật; lan tỏa, nêu gương những câu chuyện đẹp, những tấm gương sáng… Đồng thời, tiếp tục giúp đỡ, tạo điều kiện học tập, học nghề, tạo việc làm, thu nhập chính đáng cho các em. Qua đó phòng ngừa, ngăn chặn việc các em vi phạm pháp luật cũng như việc các đối tượng hình sự lợi dụng dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật, hướng tới mục tiêu ngăn chặn, kéo giảm sự gia tăng xu hướng trẻ hóa của tội phạm, nhất là đối với nhóm hành vi xâm hại nhân thân, xâm phạm sở hữu… “Để hạn chế tình trạng thanh, thiếu niên giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực, rất cần sự chung tay của các cấp, ngành, đoàn thể và sự cộng hưởng từ gia đình, nhà trường và xã hội", bà Thảo khẳng định.
LÊ HÙNG