N.C.V (SN 1950, quê huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa) cố tình nhiều lần dùng cụm từ “nhân duyên”, “cơ duyên”, “sám hối” tại phiên xét xử về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” do Tòa án nhân dân (TAND) thành phố tổ chức để chứng tỏ bản thân là một tu sĩ thực thụ. Tuy nhiên, những người dự khán không thể rõ bao nhiêu trong đó là sự thật, chỉ biết rằng suốt 16 năm ấy, V. chọn cách “ẩn mình” trong chùa để… trốn truy nã.
Mỗi câu, mỗi lời V. nói ra tại tòa đều là sự hối hận, ăn năn. Thậm chí, ngay khi Hội đồng xét xử (HĐXX) hỏi có ý kiến gì về nội dung bản cáo trạng, V. thẳng thắn khẳng định: “Cáo trạng truy tố đúng người, đúng tội. Bị cáo không có điều gì cự cãi, bởi vì tất cả đều xứng đáng với hành vi mình gây ra. Chỉ tiếc bản thân nay đã già, không còn cơ duyên để trả hết nợ. Chết cũng xin mang theo món nợ này, xin lỗi và mong các bị hại thông cảm”. Nghe thế, các bị hại đồng loạt nhao lên, đưa ánh mắt hướng về V. kèm những lời chỉ trích. Họ không thể nhịn, họ khổ sở và chờ đợi thời khắc gặp lại V. quá lâu. 16 năm, có bị hại đã không còn, số còn lại - người nhà tan cửa nát, người vợ chồng chia ly… Tất cả đều vì những món nợ mà V. cố tình “ăn quỵt”.
Hành trình vay mượn rồi “cắt liên lạc” của V. được thể hiện theo từng trang của cáo trạng. Ngày 12-3-2005, V. được Công ty Xây dựng công trình giao thông 501 tiếp nhận và bổ nhiệm chức vụ đội trưởng. Quá trình làm việc tại công ty, V. được giao khoán 3 hạng mục. Do cần tiền trả lương công nhân, các chi phí khác và mua vật tư để thi công công trình, V. vay, mượn của nhiều người.
Sau khi công ty thanh toán 100% theo giá trị sản lượng đã nghiệm thu đối với các công trình, V. sử dụng số tiền có được đầu tư kinh doanh thua lỗ, không có khả năng trả nợ. V. bỏ trốn khỏi Đà Nẵng và chiếm đoạt hơn 580 triệu đồng vay, mượn của 6 người. Đến ngày 18-2-2022, V. bị bắt theo lệnh truy nã. HĐXX hỏi V. lý do vì sao không trả tiền cho các bị hại trong khi đã được công ty thanh toán?
V. trả lời: “Giờ nói ra thì quá dài, HĐXX cứ căn cứ vào hồ sơ”. V. lý giải thêm: “Thời điểm thi công công trình, gặp thời tiết mưa bão nên hư hỏng dẫn đến thua lỗ. Đến kỳ trả tiền cho các bị hại, bị cáo cũng cố gắng tìm nhiều cách nhưng vẫn không thể nào cầm cự được. Bỏ trốn chính là bước đường cùng của bị cáo”.
Nói về hành trình trốn nã, V. ngưng lại một lúc như muốn sắp xếp câu chữ để được rõ ràng nhất. V. khai: “Sau khi bỏ trốn, bị cáo phải sống những tháng ngày cơ cực, lưu lạc khắp nơi. Sau đó, nhân duyên đưa bị cáo đến chùa và cơ duyên trở thành tu sĩ từ đó. Những tháng ngày ở chùa là thời gian bị cáo dành để sám hối về những gì bản thân gây ra. Bị cáo cũng ngày đêm cầu cho các bị hại được bình an…”. Lời khai của V. càng khiến các bị hại không nén được tức giận.
Thực ra, V. chọn vào chùa để ẩn nấp, để trốn nã. Nhưng cuối cùng V. hiểu, những kẻ tinh ranh như mình cũng sẽ không thể nào thoát được tấm lưới của pháp luật. Hành trình 16 năm trốn nợ, chính thức 14 năm trốn nã đã kết thúc, ở tuổi ngoài 70, V. vào tù. Các bị hại đều bức xúc, đồng loạt đề nghị HĐXX tuyên phạt V. mức án nghiêm minh, đồng thời đề nghị bị cáo hoàn trả toàn bộ số tiền chiếm đoạt của mình.
Theo những bị hại này, số tiền mà V. vay, mượn của họ vào thời điểm năm 2005 là rất lớn, đối với nhiều người, đó là cả gia tài. V. bình thản nhận mức án 10 năm tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” mà HĐXX TAND thành phố tuyên. V. cho rằng, ở đời đúng là có luật nhân quả, gieo nhân nào gặt quả nấy và bản thân thực sự đang nhận lấy “quả đắng” cuối đời. Thực ra, cái gọi là nhân duyên đến cùng cũng chỉ là mỹ từ V. “mượn” của nhà Phật để che đậy hành vi sai trái của mình. Nếu có cơ duyên, có nhân duyên và có cả sám hối như lời V. nói thì y đã không mất 16 năm trốn chạy để rồi vào tù ở tuổi xế bóng.
TRÍ DŨNG